Giảm nghèo, phải sâu sát cơ sở
Nam Trà My là huyện miền núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 97%, hộ nghèo còn 56% (cuối năm 2017). Để góp phần xóa đói giảm nghèo có kết quả, việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân luôn được địa phương coi trọng.
Cán bộ huyện thường về trò chuyện với người dân thôn 5, xã Trà Nam về cách thoát nghèo. Ảnh: M.H |
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, trên cơ sở đó, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở hướng dẫn cho bà con cách thức vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, thông tin về các chủ trương, chính sách hỗ trợ hộ đăng ký thoát nghèo. Đồng thời tuyên truyền nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ việc hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện như chăn nuôi bò, heo đen, dê địa phương; trồng sâm Ngọc Linh, quế Trà My và các loại cây dược liệu như sâm nam, sâm quy, giảo cổ lam, đinh lăng… Ngoài ra, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở còn vận động bà con trồng các loại cây ngắn ngày như chuối mốc, các loại rau sạch,… gắn liền với các cây truyền thống, bảo vệ và khai thác hợp lý những lâm sản phụ dưới tán rừng như măng, mây, đót. Kết quả, trong năm 2017 đã có 528 hộ đăng ký thoát nghèo và cuối năm có 619 hộ thoát nghèo, giảm từ 4.506 hộ xuống còn 3.887 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 56%, giảm 8,5% so với năm 2016.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện đẩy mạnh thực hiện. Thông qua các kênh tuyên truyền, nhất là qua đội ngũ tuyên truyền, thông tin về xây dựng NTM được phổ biến đến từng thôn nóc. Từ đó nâng cao nhận thức, phát huy tự lực tự cường và trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Đội ngũ tuyên truyền viên đã phối hợp với các ngành và các xã vận động người dân hiến đất đai, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công để xây dựng NTM. Trong năm 2017, huyện đã sắp xếp được 13 khu dân cư với 677 hộ; mở rộng nền đường giao thông về các điểm dân cư trên 17,5km; làm được 7km đường bê tông. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, vai trò của tuyên truyền viên cơ sở đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu tăng thu nhập cho nhân dân, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My, hầu hết hộ nghèo trên địa bàn huyện sản xuất còn mang nặng truyền thống; trình độ canh tác còn thấp, chưa biết vận dụng kỹ thuật vào sản xuất; một số hộ nghèo còn thiếu lao động, đông người ăn theo (đông con, con còn nhỏ), thiếu vốn; thiếu đất sản xuất; rượu chè, lười lao động; không biết cách làm ăn... Để người dân xác định rõ được trách nhiệm là chủ thể của công tác giảm nghèo, xây dựng NTM và sắp xếp khu dân cư, những người làm công tác tuyên truyền là phải cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, sâu sát đến tận người dân”. Vì thế, huyện Nam Trà My đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để bàn giải pháp giúp dân thoát nghèo bền vững. Trong đó, công tác tuyên truyền đến tận người dân là giải pháp trọng tâm. Tin rằng, với những kết quả đã đạt được, cùng các biện pháp đồng bộ, phù hợp mà các cấp ủy, chính quyền đã và đang thực hiện sẽ thay đổi nhận thức của người dân, từ đó họ chủ động làm ăn vươn lên trong cuộc sống.
MỸ HẠNH