Khai thác du lịch biển
Giàu tiềm năng nhưng khai thác chưa bài bản. Phát triển manh mún thiếu sự điều phối, liên kết vùng. Thiếu quá nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc không đa dạng sản phẩm vui chơi giải trí trên biển… Du lịch biển Quảng Nam đang được nhìn nhận lại để trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này…
Bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm ở bãi biển Tam Thanh - Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
CHƯA ĐẠT KỲ VỌNG
Dù ngành du lịch được xác định là mũi nhọn kinh tế của nhiều tỉnh thành nhưng vướng mắc còn không ít. Tình trạng phổ biến là nhiều bãi biển đẹp đã bị phá vỡ, quy hoạch phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Và Quảng Nam không là ngoại lệ…
Giàu có và lợi thế
Sở hữu 125km bờ biển với những bãi cát mịn kéo dài từ Điện Bàn đến Núi Thành, Quảng Nam được đánh giá có nhiều lợi thế phát triển du lịch biển, nhất là khi tuyến đường ven biển Hội An - Tam Kỳ hình thành cùng chủ trương dịch chuyển du lịch vào phía nam của tỉnh. Vùng biển, đảo đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Quảng Nam những năm qua kể cả nhiều năm tới. Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy (08-NQ/TU) về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 cũng đã xác định phải đẩy mạnh đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch biển. Cụ thể, bên cạnh chỉnh trang tuyến đường du lịch ven biển Điện Bàn – Hội An – cầu Cửa Đại, đường du lịch ven biển Duy Hải – Chu Lai, cầu cảng du lịch Cửa Đại và Cù Lao Chàm, đảo Tam Hải cũng sẽ đầu tư hạ tầng du lịch biển như khu thể thao, khu công viên, dịch vụ tiện ích công cộng dọc tuyến đường ven biển, đẩy mạnh du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An… Ở những vùng biển còn khá hoang sơ, cơ sở hạ tầng cho du lịch còn khá đơn giản, vẫn đang trở thành những cái tên cuốn hút trên bản đồ du lịch. Từ bãi biển Bình Minh (Thăng Bình) được ví như viên ngọc thô còn sót lại với bãi cát trắng mịn màng, bờ dài thoai thoải, nhiều món hải sản tươi ngon nổi tiếng cho đến bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) với các sản phẩm du lịch cộng đồng phụ trợ độc đáo, đến gần đây mới bắt đầu được đầu tư du lịch.
Từ sau khi Hội An và Mỹ Sơn trở thành Di sản Văn hóa thế giới, du lịch biển đảo bắt đầu chiếm vị trí khá quan trọng trong tổng cơ cấu khách đến Quảng Nam, nhất là đoạn bờ biển kéo dài từ Điện Bàn đến Hội An với hàng loạt dự án, resort cao cấp 4 - 5 sao như The Nam Hai, Le Belhamy, Palm Garden, Golden Sand, Victoria... Nổi bật, có thể kể đến khu nghỉ dưỡng The Nam Hai (Điện Dương, Điện Bàn) được đánh giá là không gian nghỉ ngơi sang trọng bậc nhất Việt Nam với rất nhiều lời khen tặng và bình chọn của du khách và các tạp chí du lịch hàng đầu thế giới… Cùng với việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhiều sản phẩm du lịch gắn với biển cũng hình thành, góp phần thu hút một lượng lớn khách đến tham quan, lưu trú tại Quảng Nam. Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, du lịch biển đảo là một trong những hướng đi chủ đạo của ngành du lịch Quảng Nam trong nhiều năm qua. Đó không chỉ là những bãi biển đẹp mà còn gắn liền với cảnh quan, hải đảo cùng những hoạt động giải trí trên biển, để cùng với du lịch văn hóa, sinh thái, làng nghề trở thành những sản phẩm thương hiệu của Quảng Nam hiện nay và nhiều năm tới.
Vẫn còn nhiều khoảng trống
Từ Hà My, Viêm Đông, Thống Nhất (Điện Bàn), Bãi Rạng (Núi Thành)… đến An Bàng, Cửa Đại (Hội An) đang làm nên những hấp dẫn riêng có cho du lịch biển Quảng Nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua dù được xác định là một trong những sản phẩm chủ đạo của du lịch tỉnh, việc phát huy giá trị các bãi biển vẫn chưa như kỳ vọng. Trong một thời gian dài du lịch biển chỉ mới tập trung phía bắc của tỉnh như Điện Bàn, Hội An với việc hình thành các khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp. Còn dải bờ biển phía nam, kể cả Tam Thanh cũng chỉ mới bắt đầu khởi sắc từ khi tuyến đường ven biển từ Hội An vào Tam Kỳ hình thành.
Các vùng biển xứ Quảng với bãi cát trắng mịn, nước trong xanh luôn thu hút du khách. |
Một số dự án du lịch nghỉ dưỡng biển tại Thăng Bình hay Núi Thành vẫn giẫm chân tại chỗ hàng chục năm, hoặc hoạt động không hiệu quả, nguyên do từ những hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ, những sản phẩm dịch vụ phụ trợ chưa thật sự hấp dẫn. Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình chia sẻ, để khai thác tốt tiềm năng du lịch biển của địa phương, cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp ngành. “Các hạ tầng thiết yếu tại những bãi biển như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh ở biển Bình Minh vẫn chưa hoàn thiện, các biển chỉ dẫn vẫn còn sơ sài. Chúng tôi muốn tỉnh hỗ trợ đưa các tuyến du lịch của huyện vào khâu quảng bá du lịch của tỉnh, nâng cấp hệ thống giao thông vùng đông của huyện” - ông Trần Văn Thức nói.
Tại Núi Thành, du lịch biển vẫn còn là một khoảng trống bởi chưa có sự đầu tư khai thác mang tính chuyên nghiệp. Địa phương này gần như chỉ mới đầu tư hạ tầng du lịch cho khu vực Biển Rạng và cũng chỉ mới dừng lại ở việc thành lập đội cứu hộ, cắm biển báo, lập quy hoạch giải phóng mặt bằng… “Do trước đây khu vực bãi Biển Rạng là đất thuộc sự quản lý của Khu kinh tế mở Chu Lai và quốc phòng, vì vậy việc quản lý bãi biển còn khá lỏng lẻo, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó do chưa có đất để bố trí cho các hộ kinh doanh. Nguồn kinh phí cho mọi hoạt động vẫn còn hạn hẹp” - ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nêu khó khăn.
Trong đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025, huyện Núi Thành chú trọng khai thác, phát triển du lịch tại xã đảo Tam Hải. Ở đây có đủ điều kiện để xây dựng nhiều loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, tham quan, dã ngoại, thể thao, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa và ẩm thực... Từ Tam Hải, có thể mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour du lịch biển từ Hội An, xã đảo Tân Hiệp và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Còn hướng liên kết về phía đồng bằng thì có thể kết hợp với hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây), bãi tắm Biển Rạng (Tam Quang) và nhiều điểm, tuyến du lịch khác. Bản thân người dân Tam Hải đang rất kỳ vọng tìm sinh kế mới ngoài nghề biển. Mặc dù rất có triển vọng, nhưng thực tế, các dịch vụ của Tam Hải lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của du khách. Vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, các dịch vụ lưu trú chưa có, việc mua sắm, ăn uống của du khách… vẫn còn gặp khó.
CÒN NHIỀU ƯU TƯ…
Cân đối vốn đầu tư cũng như quy hoạch, sắp xếp, xây dựng sản phẩm đặc thù ở mỗi vùng biển, là điều cần phải tính toán trong tương lai.
Một resort ven biển phải bỏ hoang vì bị sóng đánh. Việc xây dựng quy hoạch luôn cần tính toán đến yếu tố thiên nhiên… |
Việc đầu tư, khai thác du lịch chưa cân xứng với tiềm năng, cùng với sự phân bổ ngân sách của Nhà nước chưa cân đối giữa các thành phố như Tam Kỳ, Hội An và các vùng khác - là nhìn nhận của khá nhiều hãng lữ hành. Ở câu chuyện tiếp thị du lịch, ông P. Huyn Dong - Giám đốc dự án của Công ty CG Việt Nam cho rằng, sự cạnh tranh về quảng bá sẽ trở nên dư thừa tại các vùng của Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang… bởi những chỗ như vậy không cần quảng bá thì khách cũng tự đến. Nhưng ở các vùng biển khác, du khách không thể tự đến, vì quảng bá của địa phương không đến được với họ. “Để quảng bá du lịch tới nhiều vùng, ít nhất phải mở rộng cơ hội cho họ. Hạ tầng như thế nào là đủ? Cần đường sá cho xe tìm tới. Điều này có thể làm được. Nhưng chưa đủ. Nghỉ, ăn, dịch vụ như thế nào nữa? Phải chuẩn bị những điều này. Bây giờ phương tiện truyền thông, mạng xã hội… đều có thể sử dụng để quảng bá, nên phải tạo sự cạnh tranh để làm nên những điều khác biệt giữa các địa phương muốn phát triển du lịch” - ông Huyn Dong nói thêm.
Tài nguyên du lịch Quảng Nam được chia thành 3 loại chính gồm: du lịch di sản, du lịch biển đảo và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, du lịch biển đảo chỉ mới tập trung ở Cù Lao Chàm và các bãi biển ở Hội An, các bãi biển còn lại chủ yếu thu hút khách nội tỉnh. Mặc dù sở hữu số lượng lớn các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp chạy dọc bờ biển, tuy nhiên xung quanh các khu nghỉ dưỡng hiện nay không có nhiều hoạt động vui chơi giải trí, nhất là các hoạt động giải trí về đêm. Để phát triển du lịch biển một cách bền vững Quảng Nam cần chú ý một số vấn đề như cải thiện công tác quản lý bãi biển, nhất là các bãi biển công cộng bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn cho bãi biển; có kế hoạch phù hợp trong việc giao đất dự án cho doanh nghiệp ở khu vực ven biển, tránh việc phát triển dự án xong thì cộng đồng không thể tiếp cận mặt biển; đối phó với xói mòn bờ biển, kể cả có chiến lược phù hợp, bền vững đối với việc khai thác, đánh bắt hải sản” – GS-TS. Nguyễn Trường Sơn - Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. |
Ở Hội An, hàng loạt tổ hợp du lịch giống hệt nhau sắp hàng ven biển. Theo ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam, các bãi biển du lịch cho đến nay phát triển theo lối tự phát và phần nào tùy tiện, mang tính manh mún và không có đặc trưng. Mặt khác, sản phẩm du lịch ở các điểm dừng chân của du khách còn đơn điệu, vấn đề an ninh du lịch còn nhiều bất cập, trình độ nhân lực phục vụ còn nhiều hạn chế về kỹ năng, ngoại ngữ... Nhu cầu khách đi biển vào dịp cuối tuần tăng rất cao, các trung tâm du lịch biển đều quá tải. Nhưng dịch vụ ở các nơi này thiếu, yếu và ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm. An ninh trật tự và quản lý giá cũng là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bức xúc. Rất nhiều khu du lịch lên giá vào giờ chót làm cho khách bất bình.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, lâu nay gần như có một thói quen trong quy hoạch ở các vùng du lịch biển, luôn luôn một bên là dự án du lịch biển cao cấp, một bên là đất tái định cư. Hoặc chen đất tái định cư giữa các dự án du lịch. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cho rằng: “Đây là một giải pháp “vuốt ve tâm lý” có hệ quả xấu. Một mặt giảm chất lượng môi trường quanh các khu du lịch cao cấp, một mặt phát sinh tâm lý so sánh bất lợi về hình ảnh kiến trúc và sinh hoạt. Bên cạnh đó, một số dịch vụ du lịch tự phát sẽ phát triển đối diện các khu du lịch cao cấp này, chắc chắn là nhiều bất cập và ngoài tầm kiểm soát”. Chưa kể, các dự án resort ven biển với nhiều hạng mục liên quan đến môi trường như xử lý nước thải, rác thải vẫn chưa có sự kiểm soát gắt gao từ phía chính quyền địa phương.
Để làm một sản phẩm riêng có của địa phương, khai thác từ thế mạnh vùng đất, nhiều nơi đã xây dựng đề án phát triển một cách bài bản. Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, từ hơn 10 năm trước, Điện Bàn đã ban hành và triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch giai đoạn 2007 – 2015 tầm nhìn 2020. Ngoài các loại hình du lịch sinh thái làng quê, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng giải trí thì du lịch biển đã trở thành một loại hình được ưu tiên đầu tư. “Bên cạnh những khu nghỉ dưỡng cao cấp, việc quy hoạch các đô thị du lịch ven biển hay mô hình du lịch cộng đồng, phát triển các bãi biển công cộng cũng đã và đang được Điện Bàn chú trọng, nhằm kết hợp ưu thế bờ biển đẹp với các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống quanh vùng. Việc xây dựng hạ tầng dịch vụ tại các bãi biển Hà My, Viêm Đông trở thành hướng đi chủ đạo nhằm liên kết chuỗi sản phẩm du lịch biển Điện Bàn với các sản phẩm du lịch khác để hình thành tour du lịch đa dạng phục vụ khách” - ông Hà nói.
Việc liên kết phát triển vùng ngõ hầu đưa du lịch biển của các địa phương ven biển miền Trung phát huy hết lợi thế của mình cũng đã được tính toán đến từ nhiều năm nay. Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, việc hợp tác xúc tiến du lịch đã giúp mỗi địa phương tiết kiệm được nguồn kinh phí và tăng cường hiệu quả. “Cùng với công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ, du lịch. Đến nay, nhiều dự án du lịch lớn đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo ra hệ thống nhà hàng, khách sạn và cơ sở lưu trú khá đầy đủ...” - ông Cường cho biết. Đặc biệt, các dự án hợp tác giữa Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam trong câu chuyện khai thác lợi thế du lịch biển sẽ tiếp tục tiến hành trong nhiều năm sau. Hẳn, đây cũng là cách hay để đưa các vùng biển xứ Quảng phát triển mạnh mẽ…
HOÀN THIỆN QUY HOẠCH, SẢN PHẨM
Vài năm trở lại đây, du lịch biển đã trở thành một trong những hướng đi chủ đạo của ngành du lịch và các địa phương nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển kinh tế.
Lễ hội vùng biển - một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được nhìn nhận sẽ thu hút du khách. |
Điểm sáng Hội An
Xác định như là “cánh tay nối dài” cho việc phát triển các loại hình, sản phẩm kết hợp giữa đất liền với biển đảo; giữa di sản văn hóa với môi trường sinh thái, thiên nhiên; giữa du lịch trải nghiệm với du lịch hưởng thụ nhằm tạo nên sự phong phú, đa dạng cho khách, du lịch biển đảo đã trở thành chiến lược trọng tâm của Hội An trong suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, từ khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (2009), đánh dấu sự tăng tốc mạnh mẽ của loại hình du lịch biển đảo, riêng năm 2017 có khoảng 400 nghìn lượt khách ghé thăm đảo chiếm gần 1/8 tổng lượng khách đến tham quan du lịch Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, việc xây dựng các chương trình du lịch biển đảo là hướng đi đúng đắn hiện nay của thành phố. Thời gian qua, Hội An đã tiến hành đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ du lịch biển như khoanh vùng xây dựng các khu công viên xen kẽ với những khu resort cao cấp; chú trọng công tác cứu hộ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan; ra mắt những sản phẩm, dịch vụ mới tại Cù Lao Chàm như đi bộ dưới đáy biển ngắm san hô; mở tuyến tham quan phía đông của đảo… “Ngoài du lịch phố cổ, tham quan rừng dừa thì du lịch biển đảo là nhánh lớn của du lịch Hội An. Thời gian qua thành phố đã định hướng một số sản phẩm về du lịch biển của Hội An như tour du lịch Cù Lao Chàm với các sản phẩm liên quan như Đêm Cù lao, thành phố cũng đã chú trọng tạo cảnh quan như xây dựng 7 khu công viên biển xen kẽ giữa các khu resort. Ngoài ra, bãi biển An Bàng có riêng một đề án về phát triển mạng lưới lưu trú để đảm bảo sự phát triển bền vững của bãi biển này” - ông Sơn nói.
Những chuyển biến tích cực
Với TP.Tam Kỳ, dù chưa phải là điểm đến du lịch mạnh của tỉnh, nhưng vài năm gần đây biển Tam Thanh đang thu hút khách. Ngoài khu du lịch Tam Thanh Beach Resort thì các hoạt động du lịch liên quan đến biển như tour cộng đồng làng bích họa Tam Thanh hay tuần du lịch biển chủ đề “Tam Thanh biển gọi” đã trở thành hoạt động thường niên nhằm quảng bá du lịch biển, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ tại bãi biển, hướng tới xây dựng biển Tam Thanh trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Theo ông Đặng Thanh Thủy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinpearl, du lịch biển Quảng Nam gần như chưa được định hình thương hiệu mặc dù sở hữu bờ biển dài với rất nhiều bãi tắm đẹp, nhất là những lợi thế về môi trường sinh thái. “Quảng Nam hội đủ điều kiện hoàn hảo để xúc tiến đầu tư, khai thác du lịch biển, như đường bờ biển trải dài, gắn kết hai di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hệ sinh thái phong phú, khí hậu nhiệt đời dễ chịu. Có thể nói, du lịch biển Quảng Nam hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam nếu biết cách khai thác” - ông Thủy nhìn nhận.
Ông Trần Quý Tấn – Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở VH-TT&DL cho biết, những năm qua bên cạnh việc hoàn thiện phát triển các dịch vụ, hạ tầng, sở cũng đã tham mưu tỉnh ban hành các quyết định cần thiết cho phát triển du lịch biển. Nổi bật là Quyết định 1633/QĐ-UBND của tỉnh phê duyệt Đề án quản lý và khai thác các bãi biển du lịch Hà My, Cửa Đại và Tam Thanh trong hai năm 2013 – 2014, và giai đoạn 2016 – 2017 mở rộng ra thêm hai bãi biển Bình Minh (Thăng Bình) và Biển Rạng (Núi Thành). Kết quả, đã mang lại những chuyển biến tích cực khi cơ sở hạ tầng tại các bãi biển được cải thiện đáng kể, công tác vệ sinh và an ninh trật tự được đảm bảo, công tác cứu hộ được triển khai; từng bước xây dựng hệ thống tiện ích cộng cộng đi đôi với việc phát triển có chọn lọc, thử nghiệm các dịch vụ du lịch để thu hút du khách, hướng tới giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ và khai thác, làm cho bãi biển Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và du khách. Sở đang đề xuất UBND tỉnh tiếp tục triển khai đề án giai đoạn 2019 – 2020 tại các bãi biển còn lại trên địa bàn tỉnh.
Không thể mang tư duy khai thác du lịch ở một địa điểm, một công trình nổi tiếng với kiểu khách đến thăm và ra về chóng vánh với việc xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch biển. Trong khi du lịch biển được xác định là nghỉ dưỡng kéo dài, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù này cần sự nghiên cứu kỹ càng từ rất nhiều phía.
Thực hiện chuyên đề: GIA KHANG – LÊ PHAN