Chuyện "bếp núc"

TIẾN TAM 21/06/2018 11:01

Hơn 10 năm công tác ở tòa soạn, là từng ấy thời gian tôi phải cố gắng từng ngày, học hỏi, rèn luyện kỹ năng để mang đến một sản phẩm đẹp, hoàn chỉnh đến với bạn đọc.

Kỹ thuật viên thực hiện dàn trang, chế bản báo in. Ảnh: THANH ĐOÀN
Kỹ thuật viên thực hiện dàn trang, chế bản báo in. Ảnh: THANH ĐOÀN

Từ người làm lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi có cơ duyên được vào tòa soạn Báo Quảng Nam. Được sự tin tưởng, giúp đỡ tận tình của anh em đồng nghiệp, tôi dần làm quen với công việc của mình là dàn trang, chế bản điện tử tờ báo. Dù không được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực này, nhưng sử dụng những phần mềm vi tính chế bản, dàn trang với tôi không mấy xa lạ. Nhưng để có một trang báo hoàn thiện, đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế thì còn phải học hỏi và nhờ sự chỉ dẫn của anh em đồng nghiệp đi trước rất nhiều.

Để có ấn phẩm đến với bạn đọc, tất cả mọi khâu phải được chuẩn bị chu đáo, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế bản. Là một bộ phận trong quá trình cho ra tờ báo, sửa chữa câu từ, cấu trúc nội dung, hình ảnh… theo yêu cầu của biên tập viên và tòa soạn; những anh em kỹ thuật chúng tôi cũng có nhiều áp lực, lo lắng mỗi ngày. Chúng tôi đảm trách khâu cuối cùng của tờ báo trước khi xuất phim gửi đi in ấn, nên đến những việc nhỏ nhất như sửa chữa lỗi mo-rát theo người trực duyệt yêu cầu cũng phải đảm bảo tính chính xác 100%. Nếu lỡ có sai sót gì, ngày mai báo ra, giấy trắng mực đen còn đó, chuyện đã rồi không thể khắc phục. Trách nhiệm tất nhiên là sẽ chịu, nhưng vấn đề lớn hơn là mất lòng tin, mất uy tín và luôn cảm thấy mình có lỗi với tờ báo, đặc biệt là với bạn đọc, họ sẽ nghĩ gì về tờ báo của mình?

Có những tin, bài, ảnh mà phóng viên, cộng tác viên gửi về chưa đạt được yêu cầu xuất bản; biên tập viên, người trực duyệt phải sửa đi, sửa lại nhiều lần rất vất vả và mất thời gian. Những tin, bài này sau khi dàn trang (bản thô) giao bộ phận mo-rát (đọc và kiểm), thì bản thô mà chúng tôi nhận lại để sửa đôi khi nhìn vào như một mớ lộn xộn bừa bãi. Nhưng dù thế nào thì bộ phận chúng tôi phải sửa lại theo đúng yêu cầu biên tập, trố mắt ra nhận diện cho đúng từ ngữ rồi sửa lại cho chính xác. Nên nhiều lúc sửa sai ý, sửa sót là điều khó tránh trong nghề.

Có lần, một đồng nghiệp tôi sửa lại chú thích của cái ảnh theo yêu cầu: “Đường đã nát, xe cày nát hơn”, không biết sửa thế nào mà từ “cày”  thành “càng”, nên kết quả báo ra: “Đường đã nát, xe càng nát hơn”, làm mất đi ngữ nghĩa của câu. Đó là sai sót nhỏ, còn có những cái sót lớn hơn như ảnh bài A, sử dụng cho B, ảnh không liên quan gì đến nội dung; hay sai ngày, chỉ số xuất bản. Nhớ có lần tít chính của bài “cầu thủ đạt danh hiệu quả bóng vàng” bị sửa thành “cầu thủ đạt danh hiệu quả bòng vàng”; “tiết kiệm” sửa thành “tiếp kiệm”... Nhiều đêm trực xong báo, dù đã khuya nhưng cảm giác vẫn lo lắng cho sản phẩm mình làm có sai sót gì không? Lo đến mất ngủ. Hôm sau báo phát hành, lúc chưa đến cơ quan, nếu có chuông báo điện thoại từ đồng nghiệp là… run, vì nghĩ chắc báo có gì sai sót đây. Khổ là vậy, nỗi lo sau ca trực luôn thường trực, lời nói có thể gió bay, nhưng tờ báo thì sờ sờ ra đấy.

Qua câu chuyện như vậy, tôi luôn tự thấy mình cần phấn đấu học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nhiều hơn nữa để làm tròn vai trò trách nhiệm được giao, để độc giả hài lòng về sản phẩm của mình. Công việc đòi hỏi ở chúng tôi nhiều thứ: kinh nghiệm nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và phải yêu nghề, rất cẩn trọng, không vội vã… mới đảm bảo có một sản phẩm báo chí hoàn thiện đến với bạn đọc, đáp ứng yêu cầu chính trị của một tờ báo Đảng, được Ban biên tập, bạn đọc và đồng nghiệp tin tưởng.

TIẾN TAM

TIẾN TAM