Các "quán" ở nam Quảng Nam xưa

PHÚ BÌNH 09/06/2018 11:46

Một đoạn vè xưa liệt kê một số địa danh ven đường thiên lý (sau gọi là quốc lộ) từ phía nam tỉnh Quảng Nam trở ra như sau: “Kể từ Ông bộ kể ra/ Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bầu Bầu/ Tam Kỳ - Chợ Vạn - Thầu Đâu/ bước qua đường cái thấy cái lầu ông Tây/ Chiên Đàn, Chợ Mới đâu đây/ Kế Xuyên buôn bán đông tây rộn ràng…”.

Chợ Chiên Đàn ngày nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Chợ Chiên Đàn ngày nay. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đoạn vè đó rất tương ứng với những gì mà Lê Quý Đôn - tác giả sách Phủ biên tạp lục (PBTL) soạn năm 1776 (bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh; Người hiệu đính: Học giả Đào Duy Anh - NXB Khoa học, Hà Nội 1964)  kể, như sau: “(từ) Dinh Quảng Nam đi đến quán Hà Lam nửa ngày, lại đi tối đến quán Bà Dầu. Quán Bà Dầu đến quán Phú Khang nửa ngày, lại đi tối đến quán Ông Bộ. Quán Ông Bộ đến quán Bến Ván nửa ngày” (trang 120). Chỉ khác là đoạn vè thì kể từ phía nam ra còn tác giả sách PBTL lại kể từ phía bắc vào. Tra cứu tư liệu xưa ở các vùng Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành hiện nay có thể thấy nhiều sự thay đổi địa danh từ tên “nôm” sang tên “chữ” (Nho) khá lý thú.

Từ quán Bà Dầu đến quán Suối Đá

Tra cứu sử liệu triều Nguyễn có thể biết “quán” chính là những vị trí thuận tiện làm chỗ dừng chân cho người di chuyển trên đường thiên lý xưa. Ở các trạm dừng chân ấy, theo suy đoán, có thể có những quán bán đồ ăn và một số vật dụng cần thiết cho người đi đường. Vì thế, từ “quán” này đã gắn liền với tên vùng đất mà nó tọa lạc. Quán Bà Rầu (mà phát âm giọng Bắc gọi là Bà Dầu) còn gọi là quán Tháp vì nó nằm gần ba ngọn tháp Chăm Chiên Đàn sát đường thiên lý. Ba ngọn tháp này có tên Bà Rầu, gắn liền với ba di tích xưa được kể trong một thành ngữ địa phương “tháp Bà Rầu, cầu Bà Dụ, ụ Ông Nghê”. Ba di tích này hiện tọa lạc ở vùng giáp giới hai thôn Gia Thọ và Thuận An thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh. Cũng ở thôn Gia Thọ, hiện còn một tấm bảng gỗ đặt trong một ngôi miếu cổ kể về việc chuyển tên nôm của thôn là “Cây Dừa” sang tên chữ là “Gia Thọ”.

Học giả Lê Quý Đôn cũng ghi lời kể của một viên quan võ địa phương kể “nhật trình hành quân” từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi như sau: “(từ) quán Tháp (có hai cầu ván) đến chợ Chiên Đàn hết một ngày; từ chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá (suối có cầu ván), sông Tam Kỳ, quán Phú Khang, đến sông Bầu Bầu hết một ngày” (PBTL, tr.121)”. Địa danh Chiên Đàn có ngôi chợ được nhắc ở trên được cho là có từ rất xa xưa - có thể từ khi làng xã ở đây được thành lập. Đến nay, chưa tìm ra một văn bản nào làm chứng cứ cho gốc gác của địa danh này. Chỉ biết, đến khi bộ sách của Lê Quý Đôn được soạn ra thì tên ấy đã có và đã được ghi trên sách ấy là “vi tử bảo cấp Chiên Đàn”, “Chiên Đàn xã chi” (PBTL, tr. 87, 88). Chợ Chiên Đàn đến nay vẫn còn tên. Nó tọa lạc gần “đình Chiên Đàn” một ngôi đình rất lớn, có niên đại rất xưa.

Một tư liệu chữ nho vừa được phát hiện gần đây đã cho biết “Suối Đá” chính là một địa danh ở ngay trung tâm TP.Tam Kỳ hiện nay. Suối Đá là tên nôm. Sau chuyển sang tên chữ là “Tuyền Thạch” (tuyền: suối, thạch: đá). Quán Suối Đá chưa rõ nằm ở vị trí tương ứng nào so với hiện nay nhưng so với chỉ dẫn “suối có cầu ván” trong PBTL và với tên “Tuyền Thạch xứ chi nguyên” (ngòi nước chảy qua xứ Tuyền Thạch) ghi trong các tấm bia mộ cổ ở vùng này, có thể đoán vị trí “quán Suối Đá” xưa nằm ở địa bàn giáp giới hai phường An Sơn và Phước Hòa thuộc Tam Kỳ hiện nay; vị trí này sát cận khu chợ Vạn và xóm Thầu Đâu xưa mà câu vè ở trên đã kể. Cách quán Suối Đá khoảng 500 mét về phía nam là nhà dịch trạm Nam Kỳ (nay là khu vực có ngôi chùa Tịnh Độ ở phường Hòa Hương). Đây là nhà dịch trạm thứ  sáu nằm trong địa giới tỉnh Quảng Nam kể từ phía Bắc vào là Nam Chân, Nam Ổ, Nam Giảng, Nam Phước, Nam Ngọc, Nam Kỳ và Nam Vân.

Từ quán Phú Khương đến quán Bến Ván

Qua khỏi nhà dịch trạm Nam Kỳ là sông Tam Kỳ. Bên kia sông - phía hữu ngạn có ba ngọn tháp Chăm Khương Mỹ - là quán Phú Khang (âm nho còn đọc là Khương). Chưa rõ quán này nằm ở vị trí nào. Nhưng căn cứ vào tên “Phú Khang/Khương” vốn là tên xưa của vùng xã Tam Xuân 1 huyện Núi Thành hiện nay có thể đoán quán ấy nằm ở xã này. Một số tư liệu xưa ở địa phương này cho biết tên cũ của xã là Phú Hưng. Trước đó, xã này có tên là Phú Khương và trước nữa có tên là Tân Khương. Bộ điền cũ của địa phương này có ghi tên một xứ đất là “xứ Cây Cau”. Có người nêu giả thuyết có thể tên nôm “Cây Cau” đã được chuyển sang tên chữ là “Tân Lang” (tân lang: cây cau) rồi sau do kỵ húy (kiêng tên chúa Nguyễn Phúc Lan) nên đã đổi thành Tân Khương(?)

Liệu có gì liên quan giữa “Cây Cau/ Cây Dừa” với tên hai bộ tộc Chăm? Có nhiều điều lý thú liên quan đến hai vùng đất Gia Thọ có quán Bà Rầu (Tam An - Phú Ninh) và Tân Khương có quán Phú Khương/Khang (Tam Xuân 1 - Núi Thành) cần được tìm tòi để làm rõ thêm.

Sách PBTL mô tả tiếp: “Từ sông Bầu Bầu, qua quán Trà Lý, quán Cây Trâm, chợ cầu Ông Bộ (bên đường gần núi), quán Lẻ, quán Cát (hai xứ đều cát và bụi rậm, tục gọi là Truông Cát) đến sông Bến Ván hết một ngày; từ Bến Ván qua quán Thạch Xôi (toàn là cát và bụi rậm, lại giáp núi rừng) đến quán Ốc (cũng đều là cát và bụi rậm) là chỗ hai phủ Thăng Hoa - Điện Bàn giáp giới với phủ Quảng Ngãi” (PBTL, tr.121).

Qua khỏi sông Bà Bầu mà sách xưa ghi là Bầu Bầu là đến quán Trà Lý nay ở phạm vi xã Tam Anh Bắc. Địa bạ thời Gia Long (1814 - 1815) ghi nhận có hai xã Trà Lý đông và Trà Lý tây ở vùng này. Kế đó là “quán Cây Trâm” về sau có lẽ đổi tên thành “chợ Cây Trâm”. Chợ này đến nay vẫn còn.

Hai tên “chợ cầu Ông Bộ” và “quán Ông Bộ” có lẽ chỉ cùng một nơi. Cả quán, chợ  và cầu đều nằm trên vùng đất có tên nôm được gọi từ xưa là “Ông Bộ”. Chưa rõ địa danh nôm này là nguyên gốc hay được gọi trại ra từ cách viết nào. Bởi, trong một bản tấu về việc chuyển các địa danh trong cả nước có tên nôm thành tên chữ (Nho) thời vua Minh Mạng (năm 1824) còn lưu ở Viện Hán Nôm Hà Nội đã ghi địa danh này là 翁貝 (âm: Ông Cụ) và xin được cải tên chữ (Nho) là 沛仁 (âm: Phái Nhơn). Địa danh này hiện nay vẫn còn giữ trong tên một thôn thuộc xã Tam Hiệp huyện Núi Thành.

Quán Lẻ, quán Cát xưa nằm ở vùng Truông  Cát. Các nơi này, về sau  dân địa phương quen gọi là “Trảng Bà Mù”. Vùng trảng cát rất rộng này hiện nay là nơi đặt nhiều cơ xưởng sản xuất của nhiều tập đoàn kinh tế thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai.

Quán Bến Ván có lẽ nằm gần sông Bến Ván. Địa danh này trong bộ sử Đại Nam thực lục đều ghi tên chữ là Bản Tân (Bản: ván/ Tân: bến ghe); sau còn được gọi là An Tân. Vùng Bến Ván từng được một số nhà chép sử xưa ghi là điểm phân chia cương vực cai trị của Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc và Bắc bình vương Nguyễn Huệ sau thời điểm xảy ra bất hòa dẫn đến giao tranh trong mấy tháng giữa hai anh em (1787) và cũng là nơi quân của vua Cảnh Thịnh án ngữ ngăn không cho vua Thái Đức ra dự lễ tang vua Quang Trung (1792). Địa danh Bến Ván có liên hệ đến các chi tiết lịch sử này đã được nhà văn Nguyễn Mộng Giác hư cấu thành bối cảnh sinh động trong trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” rất nổi tiếng.

Vùng tọa lạc của các quán Thạch Xôi và quán Ốc được nêu trong PBTL có lẽ hiện nay thuộc vùng khu sân bay Chu Lai kéo dài đến Dốc Sỏi giáp địa giới tỉnh Quảng Ngãi.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH