Mỗi xã sẽ được bố trí 3-5 công an chính quy

KỲ DUYÊN 08/06/2018 19:37

(QNO) - Theo tính toán của Bộ Công an, nếu dự thảo Luật Công an nhân dân được thông qua thì sẽ có 25.000 cán bộ chiến sĩ trực thuộc Bộ Công an sẽ được đưa về công tác tại các xã, mỗi xã 3-5 người.

1.Bộ trưởng Tô Lâm tham gia thảo luận cùng các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật CAND sửa đổi chiều 7-6. Ảnh: KỲ DUYÊN
Bộ trưởng Tô Lâm tham gia thảo luận cùng các đại biểu về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) chiều 7.6. Ảnh: KỲ DUYÊN

Câu hỏi đặt ra là với sự “thay máu” này, lực lượng bán chuyên trách làm công an xã từ trước đến nay sẽ đi đâu? Trả lời câu hỏi này của phóng viên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định sẽ tổ chức thành một lực lượng để làm nhiệm vụ trật tự trị an - chức năng tương đương như dân phòng cơ sở.

Chủ trương đúng đắn

Thảo luận về những nội dung trong Luật Công an nhân dân (sửa đổi) chiều 7.6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chủ trương đưa công an chính quy về xã công tác để thay cho lực lượng bán chính quy lâu nay là hết sức cần thiết. Đại tá Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng, vùng nông thôn nước ta chiếm tới 80% diện tích, hiện nay nhiều mâu thuẫn nảy sinh từ tranh chấp đất đai, đời sống thay đổi đã làm tình hình an ninh có những diễn biến phức tạp.

Đại biểu Ngọc cho rằng, thực tế là dù diện tích lớn hơn cấp phường, tình hình an ninh không hề kém phức tạp hơn, số dân cũng không nhỏ hơn nhưng lâu nay bất cập ở chỗ công an phường thì hầu hết là lính chính quy, đeo quân hàm nhưng công an xã thì lại là lực lượng không chính quy, được trang bị ít, đào tạo chưa đầy đủ. Từ đây, đại biểu Ngọc cho rằng chủ trương chính quy hóa công an xã là hết sức cần thiết, đáp ứng được công việc trong tình hình mới.

1.Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu về dự thảo Luật CAND sửa đổi. Ảnh: KỲ DUYÊN
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương góp ý thảo luận. Ảnh: KỲ DUYÊN

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Ngọc, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng chủ trương chính quy hóa công an xã là điều cần thiết. Từ trước đến nay ở các xã tình hình an ninh trật tự đang được giữ bởi lực lượng bán chính quy, tuy nhiên hiện nay với mục tiêu “bộ tinh, tỉnh mạnh” thì việc bố trí 3-5 công an chính quy mỗi xã là việc nên làm.

Với con số 25.000 lính mà Bộ Công an đưa ra, đại biểu Cương cho rằng bố trí 3-5 người mỗi xã sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng mất trật tự, hỗ trợ tốt hơn cho công tác điều tra, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. “Lực lượng công an đang gánh những nhiệm vụ hết sức nặng nề, chúng ta không hình dung nổi xã hội này sẽ thế nào nếu một ngày vắng bóng công an. Thế nên, cần làm sao tạo hành lang, mở cơ chế và bố trí sắp xếp để lực lượng này hoạt động hiệu quả là điều rất cần thiết lúc này” - đại biểu Cương nói.

Giải quyết thế nào với số công an xã không chính quy?

Hai vấn đề được tập trung mổ xẻ trước khi chủ trương đưa 25.000 quân về công tác tại các xã là lực lượng bán chính quy lâu nay sẽ đi đâu về đâu? Liệu tăng cường 25.000 quân này thì có làm tăng phình bộ máy?

Câu trả lời là không! Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã khẳng định như thế. “Sau khi đưa công an chính quy về xã thì chúng ta sẽ tận dụng, luân chuyển lực lượng công tác trước đó tại xã qua làm lực lượng khác. Hiện tại chưa thể nói lực lượng đó tên gọi là gì, làm công việc gì bởi phải được Quốc hội cho ý kiến rồi mới xây dựng ban hành luật. Tuy nhiên tính toán của chúng tôi là trưng dụng các lực lượng này qua làm trật tự trị an, họ không đi bắt cướp như công an mà tham gia hỗ trợ tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương - chức năng giống như dân phòng phường” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Số lượng tướng sẽ không vượt trần 205

Giải đáp những băn khoăn về cơ cấu cấp tướng trong dự thảo luật lần này, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng sẽ không gia tăng thêm số lượng cán bộ cấp tướng, mà tất cả đều nằm trong tổng 205 tướng Trung ương đã quy định.

“Trước đây có thể nói rằng là làm sao mà nhiều tướng thế, nhưng hiện nay đã có chủ trương mà Bộ Chính trị cho phép số lượng tướng của ngành công an là như thế, cấp hàm rất rõ. Trong dự thảo này chúng tôi cũng xin cơ cấu đó để mà bố trí. Ví dụ tổng số tướng hiện nay là 205 thì chúng tôi cũng bố trí không vượt quá con số đó, bố trí cấp đại tướng cũng chỉ được 1 người. Hiện nay dù trong luật quy định bộ trưởng là phải hàm đại tướng nhưng Bộ trưởng hiện nay là tôi vì chưa đủ điều kiện thì chưa lên được. Hoặc là 6 thứ trưởng nhưng không phải ai cũng đeo hàm thượng tướng cả, hiện nay cũng có những thứ trưởng hàm trung tướng nhưng chưa đủ tiêu chuẩn” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị phải tính toán tới giai đoạn khi luật đưa vào áp dụng, nếu để song song cả hai lực lượng gồm công an chính quy và bán chính quy thì sẽ không ổn, bởi cùng công việc nhưng anh em sẽ tâm tư vì người lương thấp người lương cao.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, bộ hoàn toàn chủ động điều tiết được cán bộ chiến sĩ để chính quy hóa ngành công an, dù đưa về xã một lượng lớn cán bộ chiến sĩ nhưng bộ máy không thay đổi, không phát sinh thêm một biên chế nào. Trước mắt bộ đang có khoảng 2.000 cán bộ chiến sĩ sắp đến tuổi về hưu, cộng với học viên các trường chuẩn bị tốt nghiệp, với việc cân đối và sắp xếp tinh gọn lại thì lực lượng sẽ đảm bảo chặt chẽ, tinh nhuệ hơn trước.

Ngoài việc bố trí sắp xếp 25.000 cán bộ công an về xã, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc số lượng, tiêu chí các cục đặc biệt mà dự thảo luật đã gọi tên. Mặt khác, khi sắp xếp theo phương án mới thì sẽ có tỉnh có giám đốc hàm cấp tướng nhưng tỉnh thì lại không.

Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề nghị nghị phải quy định rõ tiêu chí, số lượng cục đặc biệt ngay trong dự án luật chứ không nên để Chính phủ quy định, số lượng cấp phó ở cục đặc biệt cũng phải quy định rõ. “Về trần quân hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh, Quốc hội khóa trước đã phân tích rất kỹ, sau đó mới quyết định chỉ Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội mới có trần quân hàm tướng, còn lại chỉ là đại tá, tương đương với các đồng chí giữ chức vụ chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự” - ông Hùng cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) cũng đề nghị cân nhắc đối với quy định trần quân hàm giám đốc công an cấp tỉnh. Ông cho biết, năm 2013 Bộ Chính trị đã có thông báo, yêu cầu không quy định địa bàn trọng yếu, đơn vị đặc biệt trong dự án luật; đồng thời phải quy định cấp hàm giữa công an, quân đội ở cấp tỉnh, cấp huyện phải tương đương nhau.

KỲ DUYÊN

KỲ DUYÊN