Phòng bệnh mùa hè cho trẻ
Vào mùa hè, trẻ em thường hay bị các bệnh do ký sinh trùng hay vi rút, vi khuẩn gây ra như bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, hoặc có triệu chứng nóng sốt, viêm não, sốt xuất huyết...; nhất là những ngày gần đây, thời tiết thay đổi thất thường nên trẻ dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa là rất cần thiết.
Chủ động phòng tránh để trẻ không bị nhiễm bệnh mùa hè. Ảnh: C.Nữ |
Về vấn đề phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, trong số những bệnh thường gặp mùa hè, có bệnh có vắc xin dự phòng như viêm não Nhật Bản B; một số bệnh như tay chân miệng hay sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh hoặc vắc xin giá khá đắt nên việc giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường rất quan trọng... Riêng với bệnh sốt xuất huyết - một loại bệnh khá phổ biến trong mùa hè, để phòng tránh, bác sĩ Trần Văn Hoàn khuyến cáo, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, nhất là diệt lăng quăng, không để nước đọng trong chai lọ hoặc khu vực chung quanh nhà và mắc màn khi ngủ để đề phòng muỗi đốt.
Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Nhi Quảng Nam, do thời tiết nắng nóng, trong khi hệ miễn dịch còn yếu nên trẻ em thường dễ mắc bệnh vào mùa hè. Bác sĩ Thoại cho biết, số bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam trong những ngày qua không quá nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ ít bị bệnh, mà có thể trẻ được gia đình cho điều trị tại nhà. Ngoài ra, trong những ngày hè nắng nóng, trẻ cũng dễ bị viêm họng do lạm dụng nước đá, nước ướp lạnh. Sáng qua 5.6, chị Trương Thị Điều (phường Hòa Hương, Tam Kỳ) đưa con trai 12 tuổi bị nóng sốt đến khám tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Qua chẩn đoán, bác sĩ cho biết bệnh nhi bị sốt do viêm họng mà một trong các nguyên nhân chính là vì uống nhiều nước đá và nằm điều hòa không đúng cách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh mùa hè ở trẻ.
Để phòng bệnh say nắng hoặc nóng sốt, bác sĩ Thoại khuyến cáo người lớn cần hạn chế cho trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng. Nếu cần thiết phải ra ngoài, cần chú ý che mát cho trẻ. Bác sĩ Thoại nói thêm: “Đối với những phụ huynh cho trẻ ngủ điều hòa trong thời tiết nắng nóng cần lưu ý đừng để nhiệt độ quá thấp và dặn dò trẻ không ra vào phòng thường xuyên để tránh bị sốc do thay đổi nhiệt độ đột ngột bên trong và bên ngoài phòng”. Đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tay chân miệng, bác sĩ Thoại khuyến cáo cần giữ vệ sinh cho trẻ và cho cả người giữ trẻ; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín uống sôi. Ngoài ra, vào mùa hè thực phẩm cũng dễ bị ôi thiu nên người lớn cần đặc biệt chú ý khâu vệ sinh thực phẩm; cẩn trọng đối với việc sử dụng thức ăn còn thừa từ bữa ăn trước.
CHÂU NỮ