Sống có trách nhiệm hơn với môi trường

TRẦN HỮU 05/06/2018 09:09

Nhiều hoạt động thiết thực đang được triển khai tại các địa phương nhân Ngày môi trường thế giới (5.6), trong đó tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm bao ny lon và các sản phẩm từ nhựa.

Một điểm tập kết rác thải tự phát tại đường ven biển, đoạn qua xã Bình Minh, Thăng Bình. Ảnh: T.HỮU
Một điểm tập kết rác thải tự phát tại đường ven biển, đoạn qua xã Bình Minh, Thăng Bình. Ảnh: T.HỮU

Cảnh báo “ô nhiễm trắng”

Theo nghiên cứu của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, sử dụng nhựa, túi ny lon đang ở mức báo động. Chỉ có một lượng nhựa, túi ny lon rất ít được tái chế, còn hầu hết thải ra môi trường.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa gồm chai nhựa, túi ny lon, hộp đựng đồ ăn... cùng với các chất gây ô nhiễm khác đã và đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe con người. Vì vậy, chính quyền tỉnh và ngành tài nguyên môi trường kêu gọi người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ny lon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Trên chuyến phà từ xã Tam Quang về xã đảo Tam Hải (Núi Thành), dễ dàng bắt gặp cảnh rác thải kết mảng dày đặc ven bờ sông Trường Giang. Dòng sông chẳng khác nào túi đựng bao ny lon, thùng xốp, bao bì các loại.

Khi được hỏi về nguồn gốc rác thải trên, người dân xã đảo Tam Hải cho biết, do không có nơi chứa nên người dân đành mang rác đổ xuống sông. Trong khi đó, dự án lò đốt rác thải thủ công tại chỗ nhiều năm không được khởi công xây dựng vì người dân lo ngại hệ thống lò sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Theo ước tính của Sở TN&MT, bình quân mỗi hộ đang thải ra môi trường ít nhất 1 - 3 túi ny lon/ngày ở khu vực đô thị; còn tại vùng nông thôn, do không được thu gom nên tình trạng rác vứt bừa bãi ra bìa rừng, sông suối, đồng ruộng còn khá phổ biến. Nhiều con suối trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm nặng nề do rác thải, đặc biệt là từ túi ny lon, sản phẩm nhựa mà con người đổ xuống.

Năm 2017, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh hơn 1.120 tấn/ngày, trong khi đó tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom, xử lý khoảng 610 tấn/ngày. Việc thu gom, vận chuyển rác thải tại các huyện, thị, thành phố vùng đồng bằng và trung du hiện chỉ có Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam và Công ty CP Công trình công cộng Hội An. Còn các huyện miền núi, thì do địa phương vận động thu gom, xử lý tại chỗ.

Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu bằng cách chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý bằng lò đốt và xử lý rác thải làm phân hữu cơ. Theo ông Nguyễn Ngọ - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, mỗi ngày phát sinh hơn 1.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó tỷ lệ rác thải là túi ny lon, sản phẩm từ nhựa chiếm hơn 10% tổng lượng rác thải.

Tăng cường kiểm soát

Tại TP.Hội An, phong trào không sử dụng túi ny lon được phát động từ gần 10 năm trước. Từ tháng 5.2009, Hội An phát động chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ny lon” nhằm kêu gọi cộng đồng dân cư và du khách tham quan sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi ny lon một cách tự giác trên đảo. Qua khảo sát của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ny lon” đã giúp 100% người dân nhận thấy môi trường xanh sạch đẹp, 85% người dân đánh giá ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, 25% người dân nhận rõ thu nhập bình quân của mình có tăng lên khi tham gia hoạt động nói không với túi ny lon.

Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ny lon”, UBND tỉnh tổ chức phát động Tháng hành động vì môi trường, Ngày đại dương thế giới (8.6), Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (1 - 8.6) tại TP. Hội An gắn với các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như chiến dịch nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần; chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường và môi trường biển, thu gom xử lý chất thải, rác thải...

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), để triển khai chiến dịch, ngành và chính quyền các cấp khuyến khích các hoạt động tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng chất thải nhựa; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh; trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở bờ biển, bờ sông; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa xâm nhập mặn, bảo đảm các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cạnh đó, tăng cường các hoạt động kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển, trên các xã đảo, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ny lon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Đặc biệt, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24.4.2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30.6.2015 của  Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại.

Ở phạm vi quản lý nhà nước, UBND tỉnh đang tiến hành rà soát đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường đối với các dự án, loại hình kinh doanh, sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nhằm lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, kiên quyết không cấp phép đầu tư đối với các dự án không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Giải pháp căn cơ ngoài siết chặt quản lý các đơn vị sản xuất túi ny lon khó phân hủy, còn có biện pháp tăng thuế môi trường, kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế chất thải. Thêm vào đó, lồng ghép các nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ny lon khó phân hủy vào nhà trường, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường tại các trường học.

Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN

Cách đây vài ngày, chúng tôi về huyện Tiên Phước tìm hiểu tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Khảo sát thực tế tại một số nơi của địa phương này, phóng viên Báo Quảng Nam nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn rất đáng báo động.

Người dân đổ rác thải tràn ra trục đường chính thuộc địa phận thôn 5 (xã Tiên Mỹ).
Người dân đổ rác thải tràn ra trục đường chính thuộc địa phận thôn 5 (xã Tiên Mỹ).

Đơn cử, từ thị trấn Tiên Kỳ chạy về hướng xã Tiên Phong, ngang qua địa bàn xã Tiên Mỹ rất dễ bắt gặp nhiều đống rác lớn nằm vương vãi trên trục đường chính.

Cụ thể, cách Trường THCS Võ Thị Sáu (thôn 5, xã Tiên Mỹ) chừng 200m về phía bắc, người dân vứt rác thải tràn ra cả lòng đường, xung quanh ruồi nhặng bu bám đầy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ai đi qua khu vực này cũng phải dùng tay bụm kín mũi miệng.

Chưa hết, đến địa phận thôn 1 (xã Tiên Mỹ), chúng tôi lại thấy một đống rác nằm ngổn ngang ngay khu vực ngã 3, chỉ cách Trạm Y tế xã và Trường Tiểu học Tiên Mỹ chừng 150m. Điều đáng nói là, cạnh đống rác này, các cơ quan chức năng cho lắp đặt một tấm pa nô tuyên truyền với nội dung “Góp công, góp của xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân”.

Ông Lê Văn Phụng – Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước cho biết, toàn huyện có tổng cộng 14 xã tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm này, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của một xã trên địa bàn huyện là 12,79 tiêu chí. Và mục tiêu Tiên Phước đặt ra là đến cuối năm 2022 chính thức trở thành huyện nông thôn mới.

Thiết nghĩ, để mục tiêu trên trở thành hiện thực, thời gian tới bên cạnh việc nỗ lực triển khai thực hiện hoàn tất các tiêu chí khác thì cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể của huyện Tiên Phước cần tập trung đẩy mạnh khâu tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường nông thôn, bởi đây là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. (NGUYỄN SỰ)

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU