Giữ bản sắc làng
Việc giữ lại cảnh quan và bản sắc văn hóa những làng quê được coi như tiền đề để phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn, trong lúc nguồn tài nguyên du lịch đã hao mòn rất lớn trong nhiều năm qua.
Các hoạt động du lịch thiên về nông nghiệp nông thôn vẫn còn khá manh mún. |
1. Trung tuần tháng 5 này, Quảng Nam sẽ tổ chức một cuộc hội thảo để cùng nhìn nhận và vạch ra hướng đi mới trong câu chuyện đưa du lịch sinh thái phát triển bền vững gắn với hoạt động nông nghiệp, nông thôn. Đưa câu chuyện phát triển nông thôn Quảng Nam hay rộng hơn, là một nền nông nghiệp vùng đất vào “cuộc chơi” của ngành du lịch, hẳn đã hàm ý trong đó yếu tố về du lịch trách nhiệm. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, cách tiếp cận của du lịch trách nhiệm và phát triển du lịch bền vững đều hướng đến việc tạo ra những trải nghiệm tích cực cho du khách và chủ nhà. Ở đó, nhận thức về môi trường và văn hóa sẽ là tiêu chí ưu tiên, cùng với việc giảm đến mức thấp nhất những tác động xấu của du lịch tới vùng đất đó. Đồng thời chú trọng tới người nghèo bằng cách trao quyền cho người dân địa phương, tăng đến mức tối đa thu nhập và việc làm của họ từ du lịch. Từ nhiều năm nay, các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn của Quảng Nam đã ra đời, tuy nhiên, theo ông Cường, vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và tập trung chủ yếu ở Hội An.
Đánh giá về tiềm năng của Quảng Nam trong việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, khá nhiều người cho rằng đây là vùng đất có hệ sinh thái đa dạng, nông thôn còn nhiều yếu tố truyền thống như không gian cảnh quan hay nhiều làng nghề truyền thống. Chưa kể các dự án nông nghiệp công nghệ cao sẽ là một sản phẩm du lịch thu hút trên tiêu chí nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng. Thực tế đã có nhiều địa phương biết tận dụng lợi thế của mình để thu hút các nhà đầu tư về du lịch, nhưng đây chỉ con số rất nhỏ so với tiềm năng mà nông thôn Quảng Nam sở hữu. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc – người đưa du lịch về làng Triêm Tây, từng chia sẻ, dự án khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây do ông làm chủ đầu tư là một thí điểm về việc liên kết giữa bảo vệ vùng quê và phát triển du lịch. “Dự án có ý nghĩa cả về kinh tế và văn hóa khi đạt được cùng lúc nhiều mục đích như bảo vệ được bản sắc văn hóa lâu đời của người dân và nguồn thu nhập từ một mô hình du lịch nông thôn. Và tôi cho rằng việc đưa du lịch về nông thôn, ngoài yếu tố lợi nhuận, phải xác định việc bảo vệ không gian và bản sắc của làng” – KTS.Bùi Kiến Quốc cho biết.
Du khách thích thú với trải nghiệm du lịch vùng quê sông nước Cẩm Thanh. Ảnh: LÊ QUÂN |
2. Câu chuyện đưa du lịch về làng chỉ mạnh mẽ ở những khu vực vùng ven Hội An, bắt đầu từ việc chia sẻ áp lực đón khách cho khu vực vùng lõi phố cổ. Bên cạnh các tour trải nghiệm vùng quê và các hoạt động nông nghiệp như trồng rau, cấy lúa… đã hình thành từ nhiều năm nay ở làng Trà Quế, các khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hội An cũng bắt đầu câu chuyện làm du lịch. Ông Phạm Mèo - Tổ trưởng Tổ sản xuất của làng rau hữu cơ Thanh Đông (Cẩm Thanh) cho biết, hiện Thanh Đông có hơn 10 nghìn mét vuông đất sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ. Cùng với lượng khách đổ về Hội An, từ 2 năm trở lại đây, mỗi năm làng rau này đón 450 - 700 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. “Sau khi được vận động tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ các dự án, người dân Thanh Đông mở cửa nhà đón khách. Phần lớn khách du lịch đến đây là người nước ngoài đi theo tour, không chỉ tham quan các vườn rau quả mà họ còn cùng với chúng tôi làm đất, gieo trồng, bón phân, thu hoạch nông sản. Hàng năm, chúng tôi thu được 17 - 28 triệu đồng từ tiền bán vé, góp thêm vào việc đầu tư xây dựng nhà sơ chế rau, tu sửa hệ thống thủy lợi và giàn lưới…” - ông Phạm Mèo nói.
Tại cuộc hội thảo hồi tháng 3 năm nay do Tổng cục Du lịch tổ chức, ông Philip Kotler - người được coi là cha đẻ của marketing hiện đại nhận định, du lịch nông nghiệp tại Việt Nam có một lợi thế là ẩm thực, song bên cạnh đó còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Theo ông, người nông dân cần có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường sống của mình hơn nữa khi vào guồng phát triển du lịch. Du lịch kết hợp nông nghiệp, nông thôn lâu nay là một “mảng miếng” khó đối với cả nhà quản lý lẫn các doanh nghiệp. Khó bởi cơ chế chính sách cho nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa thông thoáng để ưu tiên cho du lịch, cán cân giữa việc lựa chọn phát triển công nghiệp hay du lịch dịch vụ vẫn chưa tương xứng dẫn đến đầu tư nhỏ giọt.
Một góc độ khác, ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty EMIC Hospitality chia sẻ, ở “mắt nhìn” của một doanh nghiệp du lịch, phải hiểu thế mạnh của mỗi vùng nông thôn để xây dựng sản phẩm du lịch hợp lý. Không phải cứ tận dụng cảnh quan hay các giá trị văn hóa truyền thống là làm được du lịch. Một điểm đến ấn tượng cần sự tích hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó, ngoài những giá trị làng quê sở hữu, cần phải có sự xây dựng tận tâm của người kiến tạo nên tour tuyến đó.
Đã có nhiều làng quê xứ Quảng “rục rịch” phát triển du lịch. Tuy nhiên, để vận hành như một sinh kế chính vẫn cần thêm rất nhiều yếu tố tác động, quan tâm và đầu tư đúng hướng…
LÊ QUÂN