Thầm lặng nghề điều dưỡng
(QNO) – Góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh nhân; gắn bó, chăm sóc với bệnh nhân từ khi nhập viện đến khi xuất viện; chịu áp lực cao với công việc... Hàng ngày, điều dưỡng viên ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam vẫn miệt mài, thầm lặng với công việc.
Chăm sóc bệnh nhận ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐK Quảng Nam). Ảnh: C.N |
Môi trường làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc có lẽ là nơi căng thẳng nhất ở bệnh viện khi hàng ngày phải tiếp xúc với hầu hết bệnh nhân nặng, bệnh nhân hôn mê hay trong cơn thập tử nhất sinh.
Do đặc thù công việc, điều dưỡng ở khoa này được bố trí làm việc 2 ca 3 kíp, mỗi ca kéo dài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều và từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau. Khoa Hồi sức tích cực – chống độc là khoa chăm sóc đặc biệt, điều dưỡng và hộ lý là người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế thăm nuôi để tránh nhiễm khuẩn, tránh lây chéo và bảo đảm môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BVĐK Quảng Nam luôn đánh giá cao vai trò quan trọng điều dưỡng trong việc bảo đảm an toàn bệnh nhân và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; trong chăm sóc bệnh nhân. “Công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân được thực hiện song song ở bệnh viện. Trong đó bệnh nhân được chăm sóc tốt là nhờ điều dưỡng viên. Họ là người đầu tiên tiếp xúc, làm ấm lòng bệnh nhân khi đặt chân đến bệnh viện và chăm sóc bệnh nhân cho đến khi xuất viện” – bác sĩ Ẩn chia sẻ.
Hầu hết bệnh nhân ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc ở BVĐH tỉnh bị bệnh nặng, việc chăm sóc bệnh nhân rất vất vả. Ảnh: C.N |
Gắn bó với “nghiệp” điều dưỡng 18 năm, chị Nguyễn Thị Lưu - Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc chia sẻ, nghề điều dưỡng có nhiều áp lực, từ phía công việc, từ phía người nhà bệnh nhân nhưng niềm vui của chị sau những ca trực là sức khỏe của bệnh nhân có tiến triển; người nhà bệnh nhân tin yêu.
Hai tháng qua, ông Đặng Thường (Bình Sơn, Hiệp Đức) bị tai biến, nằm ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Bà Đặng Thị Phúc (SN 1972), con ông Đặng Thường tâm sự, ở khoa này người nhà bệnh nhân ít có thời gian ở bên cạnh chăm sóc người thân nhưng bà rất yên tâm khi cha mình được các cô điều dưỡng chăm sóc chu đáo, sạch sẽ.
Bà Nguyễn Thị Phước – Trưởng phòng Điều dưỡng BVĐK tỉnh cho biết, bệnh viện chú trọng đổi mới công tác quản lý điều dưỡng; trong đó có việc chuẩn hóa phương tiện chăm sóc như xe tiêm chuẩn 3 tầng, xe cấp cứu với phương tiện gọn gàng, sạch sẽ, giúp điều dưỡng thuận tiện trong công việc và tiết kiệm thời gian, góp phần để người bệnh thêm an tâm, tin tưởng. Hàng tháng, hàng quý, BVĐK Quảng Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề nâng cao năng lực quản lý điều dưỡng trưởng khoa và phát động các chủ đề hành động như ân cần đón tiếp, chăm sóc, dặn dò bệnh nhân chu đáo; làm sạch, sáng y cụ, dụng cụ... nhằm góp phần làm hài lòng bệnh nhân và nâng cao năng lực khám chữa bệnh ở bệnh viện. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh cho biết, Khoa Phụ sản còn có đặc trưng bởi các nữ hộ sinh là người đồng hành cùng sản phụ trong các nỗi đau vượt cạn và giúp các sản phụ vượt cạn an toàn. Điều dưỡng chính là người thực hiện y lệnh và chăm sóc bệnh nhân hàng ngày như thay băng, tắm bé và một số kỹ thuật cần thiết đối với bệnh nhân đều có sự hỗ trợ của điều dưỡng và nữ hộ sinh. Nữ hộ sinh và điều dưỡng cũng luôn chịu áp lực nhiều khi đối diện với công việc hàng ngày...
CHÂU NỮ