Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương: Cốt lõi vẫn là yếu tố con người
LTS: Chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương - một trong những nội dung quan trọng về công tác cán bộ, được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Báo Quảng Nam đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều cán bộ, cả hưu trí và đương chức, về vấn đề này.
Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều người khi theo dõi Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Ảnh: S.T |
Hầu hết ý kiến cho rằng đây là bước đột phá trong công tác cán bộ, nếu thực hiện tốt và đúng sẽ giúp giảm tình trạng thiên vị, cục bộ; đặc biệt là xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo vững mạnh, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo vị trí được giao. Đồng tình với chủ trương trên, tuy nhiên nhiều ý kiến cùng cho rằng, vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người, phải tìm cho được những cán bộ tốt, biết lo cho dân. Muốn chọn được cán bộ tốt, xứng đáng với cương vị bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, khâu quan trọng đầu tiên là phải đánh giá đúng cán bộ. Cho nên dù là người ở đâu thì đánh giá cán bộ vẫn là “chìa khóa” để tháo gỡ vấn đề nhân sự.
Theo ông Lê Trí Tập - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương là chủ trương đúng trong tình hình hiện nay. Thực tế, trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, cha ông ta đã thực hiện việc này rồi. Mảnh đất Quảng Nam có rất nhiều danh nhân nổi tiếng được giao đảm đương chức vụ ở các địa phương khác. “Việc bố trí một cán bộ không phải là người địa phương sẽ giúp kiểm soát quyền lực được tốt hơn, đây cũng là bước đầu tiên góp phần hạn chế được tình trạng nể nang, những mặt trái của mối quan hệ gia đình, thân quen mà lâu nay đã được nói nhiều. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta phải lựa chọn cho được người cán bộ thật sự có đức, có năng lực, bản lĩnh và phải hết sức tâm huyết với phong trào cách mạng nơi địa phương được bố trí đến công tác. Khi chọn được người cán bộ tốt, có năng lực thì bố trí công việc ở đâu họ cũng sẽ làm tốt. Từ vấn đề này, cũng cần thấy rằng, ngoài việc quan tâm thu hút người tài, cần hết sức chú trọng công tác bồi dưỡng, giúp đỡ, đào tạo để người cán bộ phát triển; đồng thời thực hiện bố trí, bổ nhiệm đúng theo nguyên tắc, và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để người cán bộ làm đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công” - ông Tập nói.
Là một cán bộ từ thời tiền khởi nghĩa, ông Trần Văn Tuyền (94 tuổi, trú phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) cũng cho rằng vấn đề cốt lõi ở đây là yếu tố con người. Theo ông Tuyền, Trung ương phải thảo luận thật kỹ lưỡng trước khi quyết định ban hành chủ trương này. Thời kỳ nào cũng vậy, người ở đâu cũng vậy, quan trọng là cần chọn được những con người thật sự có đức, có tài, tâm huyết với phong trào địa phương, biết lo cho dân, cho sự phát triển của xã hội. “Công bằng mà nói, nếu người địa phương nhưng anh giàu tâm huyết, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, khách quan, vô tư thì bố trí giữ chức bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện vẫn tốt, có khi như thế còn tốt hơn. Vì vậy, xét trong những trường hợp cụ thể, cần có quy định hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người cán bộ tốt của địa phương cống hiến, đóng góp tâm huyết, trí tuệ vào sự nghiệp phát triển chung của quê hương” - ông Tuyền chia sẻ quan điểm. Cũng theo ông Tuyền, đã là đảng viên cộng sản thì không phân biệt địa phương, đâu cũng là quê hương, tổ chức phân công nhiệm vụ thì phải chấp hành nghiêm túc, thực hiện hoàn thành tốt vai trò được giao ở từng vị trí công tác. Nếu không phải là người địa phương, nhưng khi được bố trí về đảm nhiệm chức vụ chủ chốt của tỉnh, của huyện, mong rằng người cán bộ đó luôn tâm huyết, trách nhiệm, dành nhiều thời gian đi cơ sở, lắng nghe tâm tư tình cảm của nhân dân, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc mà thực tiễn đang đặt ra, như thế sẽ được người dân tin yêu, ủng hộ.
Ở góc nhìn khác, bà Hồ Thị Thanh Lâm - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu vấn đề: “Chúng ta đang thực hiện chủ trương thu hút người tài, trong đó có người từ ngoại tỉnh về công tác, cống hiến. Vì vậy, khi bố trí cán bộ ngoài địa phương về giữ chức vụ bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện, có khi nào lại rơi vào những vấn đề bức xúc liên quan đến mối quan hệ gia đình, thân quen hay không? Tôi đặt vấn đề như vậy để thấy rằng chủ yếu vẫn là yếu tố con người. Chúng ta cần lựa chọn được những người cán bộ tốt, luôn trung thực, công tâm, khách quan, luôn biết lo nghĩ cho dân, vì nhân dân phục vụ”.
HÀN GIANG
Ông Nguyễn Văn Sỹ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh:
Ủng hộ cả việc bố trí người địa phương và ngoài địa phương
“Theo tôi, đây là chủ trương rất tốt. Không phải bây giờ mới đề cập, thời gian qua Trung ương đã thực hiện chủ trương này, thực tiễn cũng đã cho thấy tính hiệu quả đối với các trường hợp được Trung ương luân chuyển về địa phương. Tôi ủng hộ cả việc bố trí người địa phương cũng như người ngoài địa phương giữ chức bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Bởi lẽ, nếu chọn người địa phương tốt, có năng lực, công tâm, khách quan, có quá trình gắn bó trong công tác, cống hiến và am hiểu tình hình địa phương, hiểu được nhân dân thì nhất định họ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò bí thư cấp ủy. Còn việc bố trí người ngoài địa phương về làm bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện cần phải được thực hiện ở những địa phương có vấn đề, nội bộ mất đoàn kết... Cũng cần chia sẻ thêm, từ trước đến nay, công tác đánh giá cán bộ luôn được quan tâm, có nhiều đổi mới, tuy nhiên việc đánh giá vẫn còn mang tính nể nang, xuê xoa, đánh giá không sâu, không đúng mức, chưa thật sự đúng thực chất, nhất là ở các mặt như tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác. Chính việc đánh giá nhận xét cán bộ còn có những hạn chế như vậy, nên dẫn đến việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, nguyên tắc. Do vậy, công tác đánh giá cán bộ cần được làm tốt hơn, đi vào thực chất, có như vậy chúng ta mới có thể nhìn nhận, lựa chọn được những cán bộ tốt cho các phong trào hành động cách mạng”. NG.ĐOAN (ghi)
Ông Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang:
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên là người địa phương
“Với cá nhân tôi, nếu Trung ương chủ trương ban hành quy định bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi đó là cách làm để xây dựng, củng cố lại đội ngũ cán bộ ở các cấp từ tỉnh, huyện đến xã. Tuy nhiên, tôi cũng xin chia sẻ, việc ban hành quy định như thế sẽ gây ra một số khó khăn nhất định đối với đặc thù ở các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Ví dụ, khi một người ở địa phương khác về làm lãnh đạo ở một địa phương hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán,… sẽ rất khó khăn trong điều hành công việc và buộc phải có một quá trình dài để “tiếp cận”. Vì thế, đối với vùng miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chức danh lãnh đạo như bí thư, chủ tịch ở cấp huyện, cấp xã phải là người ở địa phương đó, thậm chí là người cùng dân tộc với bà con ở đó. Bởi chính những cán bộ tại chỗ như thế sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc quản lý, điều hành, cũng như chỉ đạo và vận động, tuyên truyền đồng bào địa phương mình”. ALĂNG NGƯỚC (ghi)
Ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ:
Việc làm cần thiết nhằm góp phần kiểm soát quyền lực
“Qua theo dõi thông tin từ Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đang diễn ra, tôi thấy rất tâm đắc đối với các nội dung mà đồng chí Tổng Bí thư lưu ý các đại biểu khi phát biểu khai mạc hội nghị: Phải cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ? Khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp?... Tại hội nghị lần này, Trung ương đang bàn rất kỹ các nội dung liên quan đến công tác cán bộ trong thời kỳ mới, trong đó có chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Đây là việc làm cần thiết nhằm góp phần kiểm soát quyền lực, và cũng cần có những cơ chế đủ mạnh để thực hiện tốt hơn các nội dung liên quan đến công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng hiện nay. Có thể thấy, chúng ta đã phát hiện được vấn đề nhưng việc giải quyết vấn đề thì chưa đúng mức, triệt để, chưa đúng thuốc thì bệnh vẫn chưa dứt. Rất cần ngoài việc phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm thì cần có những giải pháp ngăn chặn từ xa, phát huy tốt sự giám sát của nhân dân đối với người cán bộ, công chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao”. NGUYÊN ĐOAN (ghi)