Đồng hành với người lao động

DIỄM LỆ (thực hiện) 09/05/2018 09:35

Từ ngày 9 đến 11.5, diễn ra Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2018 - 2023), được xác định là đại hội “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, mục đích tạo điểm tựa vững chắc để đồng hành với người lao động.

Diễn đàn đối thoại với người lao động của Công đoàn tỉnh Quảng Nam năm 2017. Ảnh: D.L
Diễn đàn đối thoại với người lao động của Công đoàn tỉnh Quảng Nam năm 2017. Ảnh: D.L

CẦN ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG

Đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trao đổi về những đánh giá tình hình hoạt động của Công đoàn tỉnh thời gian qua.

PV: Thưa đồng chí, đồng chí đánh giá như thế nào về phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn của tỉnh trong 5 năm qua?

Đồng chí Phan Việt Cường: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam tiếp tục ổn định và phát triển, diện mạo của tỉnh đã có bước thay đổi lớn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) nói riêng ngày càng được cải thiện. Trong những thành quả đó, có sự đóng góp rất lớn của CNVCLĐ và tổ chức công đoàn toàn tỉnh.

Các cấp công đoàn đã thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tiến hành thường xuyên; các hoạt động xã hội, từ thiện, trợ giúp pháp lý mang lại hiệu quả tích cực. Việc thành lập công đoàn cơ sở đạt nhiều kết quả vượt bậc, đặc biệt công tác phát triển đoàn viên nhiệm kỳ qua đạt 119% so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao. Các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được đoàn viên, CNVCLĐ toàn tỉnh nhiệt tình hưởng ứng và tham gia, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và xây dựng đội ngũ CNVCLĐ lớn mạnh.

Ông Phan Việt Cường (thứ hai từ phải sang) cắt băng khánh thành Nhà văn hóa lao động ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc.Ảnh: L.D
Ông Phan Việt Cường (thứ hai từ phải sang) cắt băng khánh thành Nhà văn hóa lao động ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc.Ảnh: L.D

PV: Trong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo tỉnh cần tạo điều kiện như thế nào để tổ chức công đoàn nâng cao vị thế, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Việt Cường: Theo tôi, trong thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền đồng cấp. Trước hết, cần quan tâm tạo điều kiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện để công đoàn đổi mới và đột phá về công tác cán bộ; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12.8.2016 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch số 139-KH/TU, ngày 28.2.2018 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống công đoàn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng của cán bộ công đoàn các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới. Chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với tổ chức công đoàn và phong trào CNVCLĐ; cơ cấu cán bộ công đoàn tham gia cấp ủy cùng cấp.

Thứ hai, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thiết chế công đoàn tại các khu, cụm công nghiệp và nơi có đông công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, ưu tiên giải quyết, trao đổi, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ, của doanh nghiệp và tổ chức công đoàn, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tạo điều kiện để tổ chức công đoàn cũng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

PV: Trong 5 năm đến, tổ chức công đoàn tỉnh cũng phải hội nhập theo xu thế chung của nền kinh tế, có sự cạnh tranh của các tổ chức vì người lao động khác, đặc biệt cần có sự thay đổi thích nghi với thời kỳ cách mạng 4.0. Vậy theo đồng chí, tổ chức công đoàn cần phải đổi mới ra sao để tồn tại và phát triển bền vững?

Đồng chí Phan Việt Cường: Để thích nghi với tình hình mới theo xu thế hiện nay, các cấp công đoàn cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Công đoàn cần đổi mới mô hình tổ chức theo hướng lấy đoàn viên và người lao động làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp công đoàn, mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên, người lao động. Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động; nâng cao phúc lợi của đoàn viên, người lao động; tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực, lấy lợi ích làm điểm tập hợp thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn; từng bước làm rõ sự khác nhau giữa người lao động là đoàn viên và người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn.

Công đoàn các cấp phải tăng cường phân công cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bám địa bàn, kịp thời nắm bắt thông tin, trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động trong phạm vi quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên theo quy định. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, trình độ, tâm huyết, nhiệt tình với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức; có đủ bản lĩnh và năng lực để tổ chức thương lượng, bảo vệ đoàn viên trước tòa án, trực tiếp tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ công đoàn cơ sở.

Tập trung đổi mới công tác phát triển đoàn viên cả về số lượng và chất lượng là việc tiếp theo công đoàn cần thực hiện. Đổi mới ở cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, phối hợp hiệu quả các giải pháp trong thành lập công đoàn cơ sở ở khu vực ngoài nhà nước; chú trọng cách thức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ người lao động tự nguyện tổ chức vận động thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ, của pháp luật. Đơn giản hóa thủ tục kết nạp đoàn viên theo hướng giảm bớt tính hình thức để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam. Thực hiện tốt các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên công đoàn, người lao động về tổ chức Công đoàn Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!

DIỄM LỆ (thực hiện)

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VỮNG MẠNH

Nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn là xây dựng một thiết chế đại diện hoàn chỉnh của người lao động (LĐ); xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh trong thời kỳ mới, chăm lo lợi ích của đoàn viên, người LĐ... một cách thiết thực, hiệu quả.

Công nhân lao động đã được các cấp công đoàn cơ sở chăm lo tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần. Ảnh: L.D
Công nhân lao động đã được các cấp công đoàn cơ sở chăm lo tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần. Ảnh: L.D

Chỗ dựa của người LĐ

Được thành lập từ năm 2014 với 57 thành viên ban đầu nhưng đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải (trực thuộc Liên đoàn LĐ huyện Duy Xuyên) đã có hơn 250 thành viên với hơn 100 tàu; trong đó có 28 chiếc tàu hơn 90CV chuyên đánh bắt cá xa bờ. Sau khi thành lập, công tác tương trợ, giúp đỡ nhau trên biển được các thành viên trong nghiệp đoàn quan tâm và thực hiện tốt. Từ đó giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt năm 2017, Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải đã mua bảo hiểm tai nạn LĐ cho 100% đoàn viên với mức bảo hiểm 20 triệu đồng/người. Ông Nguyễn Tấn Hải, thuyền trưởng tàu QNa-3292, thành viên Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải nói: “Tham gia nghiệp đoàn, chúng tôi có một tổ chức đại diện cho quyền lợi của mình, các thuyền cùng sát cánh bám biển, bám ngư trường nên mang lại hiệu quả tốt hơn. Chẳng hạn các tàu cá thành viên cùng nhau ra khơi, khi một tàu gặp được luồng cá lớn thì báo hiệu, điện đài cho các tàu khác đến cùng đánh bắt; đồng thời hỗ trợ nhau khi có sự cố. Từ khi tham gia nghiệp đoàn đến nay, các tàu cá ở xã Duy Hải luôn được nghiệp đoàn và công đoàn cấp trên quan tâm hỗ trợ nhiều mặt nên chúng tôi vững tâm vươn khơi”.

Trong 5 năm qua, các cấp công đoàn cơ sở toàn tỉnh đã phát triển mới 58.979 đoàn viên (đạt 119% so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động giao), nâng tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên 126.414 đoàn viên; thành lập mới 255 công đoàn cơ sở, đến nay có 1.917 công đoàn cơ sở trong các đơn vị, doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cơ sở đã trở thành cầu nối quan trọng giữa chủ sử dụng LĐ và người LĐ, giúp các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ chính sách theo luật định, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của người LĐ ngày càng tốt hơn.

Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh bắt đầu từ năm 2013, đến nay đã thành lập 9 nghiệp đoàn tại các huyện Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình và TP.Tam Kỳ với 2.371 đoàn viên. Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập ở các xã đã trở thành chỗ dựa vững chắc của ngư dân, là cầu nối giữa ngư dân với nhau trong hoạt động sản xuất cũng như với chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Bà con ngư dân tham gia các nghiệp đoàn nghề cá đều được công đoàn các cấp vận động các tổ chức hỗ trợ ngư cụ, bảo hiểm tai nạn, động viên khi ốm đau, gặp hoạn nạn.

Xây dựng lực lượng vững mạnh

Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Liên đoàn LĐ tỉnh nhận định, trong 5 năm qua, cùng với sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh tăng nhanh, kéo theo số lượng công nhân LĐ tăng. Quá trình đô thị hóa của tỉnh diễn ra mạnh mẽ, việc hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cùng chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhằm trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp đầu tư, giải quyết hàng vạn việc làm. Qua đó, đội ngũ công nhân, viên chức, LĐ toàn tỉnh cũng trưởng thành đáng kể, phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành nghề đa dạng hơn. Các tổ chức công đoàn cơ sở được thành lập ở các doanh nghiệp, ngành đã tham gia tích cực vào bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của đoàn viên, người LĐ một cách thiết thực nhất. Hiện nay toàn tỉnh có 145.394 công nhân, viên chức, LĐ, trong đó có 86.783 công nhân LĐ ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Chất lượng đội ngũ công nhân, viên chức, LĐ trong các lĩnh vực từng bước được nâng lên, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, thích ứng với cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống.

Theo đánh giá của Ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn LĐ tỉnh), các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ quy định pháp luật LĐ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, tổ chức ký kết thỏa ước LĐ tập thể, hợp đồng LĐ với người LĐ đảm bảo; xây dựng và đăng ký thang, bảng lương theo quy định. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện cơ bản đầy đủ như chế độ tiền lương, tiền công, tiền tăng ca, làm thêm giờ và các chế độ đãi ngộ, độc hại… Người LĐ được nghỉ phép hàng năm, nghỉ dưỡng và khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Điều kiện môi trường làm việc trong các doanh nghiệp từng bước được cải thiện, doanh nghiệp luôn chú trọng công tác bảo hộ LĐ, an toàn vệ sinh LĐ, phòng chống cháy nổ.

LÊ DIỄM

PHÁT HUY SÁNG KIẾN CẢI TIẾN

“Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào do tổ chức công đoàn phát động đã thu hút sự tham gia của đông đảo người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ở nhiều lĩnh vực.

Công nhân lao động của Điện lực Quảng Nam luôn phát huy sáng kiến kỹ thuật trong quá trình lao động sản xuất.  Ảnh: H.L
Công nhân lao động của Điện lực Quảng Nam luôn phát huy sáng kiến kỹ thuật trong quá trình lao động sản xuất. Ảnh: H.L

1. Là một kỹ sư thuộc phòng kỹ thuật của Công ty Điện lực Quảng Nam, anh Nguyễn Bách Thảo có điều kiện phát huy chất xám, đưa những giải pháp vào thực tiễn công việc. Anh Thảo cùng đồng nghiệp có khá nhiều sáng kiến được ứng dụng trong thực tế sản xuất của Công ty Điện lực Quảng Nam, nhưng anh tâm đắc nhất là sáng kiến “Lắp đặt hệ thống giám sát điều khiển máy cắt Recloser trên lưới điện”. Giải pháp này được anh Thảo cùng hai đồng nghiệp khác là Nguyễn Đình Đức và Trần Ngọc Thành thực hiện thành công từ năm 2016 trên hệ thống lưới điện của tỉnh. Anh Thảo mô tả: “Sáng kiến này khi được áp dụng trong thực tiễn đã giúp tiết kiệm chi phí cho việc vận hành máy cắt Recloser. Khi chưa có giải pháp, anh em công nhân phải trực tiếp đến máy cắt ngoài hiện trường để thao tác. Nhưng đối với các địa hình xa xôi, miền núi hiểm trở, việc điều động nhân lực đến kiểm tra và thao tác tốn thời gian của lao động, làm thời gian mất điện của khách hàng kéo dài. Với phương pháp mới, chúng tôi triển khai lắp đặt hệ thống giám sát điều khiển xa máy cắt Recloser trên lưới điện. Từ đó đảm bảo an toàn cho lưới điện khi có sự cố và tăng độ tin cậy cung cấp điện khi thời gian mất điện được giảm thiểu tối đa”. Khi giải pháp này được ứng dụng, thời gian mất điện của khách hàng giảm được 320 giờ/tháng, giúp ngành điện tăng sản lượng điện thương phẩm khoảng 500 triệu đồng, tiết kiệm chi phí nhân công thao tác trực tiếp hơn 21 triệu đồng/năm. Giải pháp của nhóm anh Thảo đã đoạt giải Nhất trong Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh năm 2016 - 2017.

Tại Công ty Điện lực Quảng Nam, hàng năm công đoàn cơ sở đều phát động đợt thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công việc, được người lao động hưởng ứng tích cực. Như năm 2016, toàn công ty có 39 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được công ty công nhận, giá trị làm lợi mang lại gần 2,2 tỷ đồng; năm 2017 có 48 giải pháp ứng dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho công ty khoảng hơn 1 tỷ đồng. Ông Trần Gia Trực - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết: “Phong trào ứng dụng các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật tại công ty luôn có sức lan rộng đến người lao động, nên năm sau thường có nhiều sáng kiến hơn năm trước. Các sáng kiến luôn được ứng dụng rộng rãi trong công việc nên mang lại giá trị cao, cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất lao động. Những cá nhân có sáng kiến luôn được xét thi đua, khen thưởng xứng đáng”.

2. Trong hoạt động nghiệp vụ của Viễn thông Quảng Nam (VNPT), sáng tạo kỹ thuật, ứng dụng sáng kiến trong công việc không chỉ là phong trào của công đoàn mà còn là chủ trương chung của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam. Mỗi năm, VNPT căn cứ trên chỉ tiêu của tập đoàn sẽ giao chỉ tiêu cụ thể từng đơn vị nhằm tạo động lực thi đua sản xuất hiệu quả. Ông Nguyễn Viết Hà - Phó Giám đốc VNPT Quảng Nam cho biết: “Những sáng kiến của người lao động đều được lãnh đạo VNPT khuyến khích thực hiện, áp dụng trong thực tế nhằm mang lại hiệu quả công việc cao hơn. Sáng kiến được cấp tỉnh hoặc cấp tập đoàn công nhận thì chủ yếu tập trung ở những đơn vị hạt nhân của VNPT. Ở các đơn vị huyện, thành phố cũng có giải pháp kỹ thuật nhưng ít hơn. Ở cơ sở chủ yếu tập trung nâng chất lượng công việc, đảm bảo độ hài lòng của khách hàng là chính”.

Dù bản thân không có nhiều sáng kiến, nhưng ý thức làm việc cũng là một tiêu chí để VNPT Quảng Nam đánh giá thi đua đối với người lao động. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Phước (Đài Viễn thông Thăng Bình), chỉ là một công nhân lao động bậc 4/4 nhưng đã được chọn là điển hình tiên tiến được đi báo công dâng Bác do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức năm 2017. Ông Phước tâm sự: “Bản thân tôi lúc trước chỉ là thợ bậc 2/7, nhưng qua quá trình làm việc, tôi cũng có những giải pháp nhỏ giúp cho công việc của mình hiệu quả hơn, bảo vệ tài sản của đơn vị. Vận động khách hàng phát triển máy tốt, được khách hàng tin cậy là hai tiêu chí chính giúp tôi trở thành điển hình tiên tiến cấp tập đoàn”. Những giải pháp nhỏ mà ông Phước nhắc đến đơn giản như chỉ là có mỗi quan hệ tốt với khách hàng, địa phương nơi ông phụ trách theo dõi công việc. Từ mối quan hệ tốt này, khi có sự cố hay bị cắt trộm cáp viễn thông, ông Phước được người dân, địa phương báo kịp thời để khắc phục, hoặc ngăn chặn được việc mất cắp cáp viễn thông. Từ đó, việc cung ứng dịch vụ cho khách hàng không bị gián đoạn, nâng cao uy tín của VNPT.

HOÀNG LINH

DIỄM LỆ (thực hiện)