Người thổi khèn sót lại

TRUNG VIỆT 06/05/2018 10:45

Mười năm, đúng mười năm, tôi một mình lên lại nhà ông. Đường phăng phăng. Quá… nhột vì những hỏi thăm qua đồng nghiệp từ ông, rằng sao lâu không thấy tôi lên thăm.

Ông Clau Bao thổi khèn.
Ông Clau Bao thổi khèn.

Hễ một lần nghe, là hình dung con đường đi xuống nhà ông, có lội qua cái suối, gần đó có gươl. Tôi nhớ đêm đó lạnh lắm, tôi ngồi bên bếp với ông, im lặng trong miên man rì rào của suối, trong tiếng thở như cố nín của rừng khuya. Vẫn nhớ ánh lửa đủ soi chiếc răng vàng của ông ánh lên khi nói về cái gì đó, mà cái đó là thứ mà ông cố kiệm lời, từ từ nhả chữ. Cũng chẳng có chi cao xa. Ở rừng, có chi cao xa hơn rừng. Những người như ông, đều là con của  mẹ rừng. Nói về rừng, mọi thứ như cúi xuống, thấp xuống, nhỏ bé, khiêm cung, thậm chí sợ sệt, đầy âu lo mà như xít lại thật gần, ấm cúng, thân mật, gần gũi, như chạm vào tà áo người thương. Mười năm, tôi đi cũng nhiều, nhưng thiệt có lỗi với những lời nhắn của ông, những lời ngắn ngủi, không oán trách mà như ngậm ngùi.

1. “Nhà cũ đằng kia, bỏ rồi, em không nhớ sao, ừ, lâu quá em mới lên, chà chà…”. Vẫn ông đó, như không già đi, vẫn bước chân tập tễnh. Căn nhà vững chãi, tinh tươm. “Chà chà, em ở lại không, mà 10 giờ trưa nay, anh đi tuần ở các thôn  rồi”. “Anh sinh năm mô quên rồi hè?”. “Anh sinh 1943, nhưng không biết sao giấy tờ là 1948”. “Còn đi tuần cái gì?”. “Anh là phó chủ tịch hội TNXP xã  mà, các  hội đoàn thể đầu tuần họp, chia nhau đi tuần ở thôn giáp biên”. Tôi nhìn ông, ái ngại. Khi ông giở mũ ấm ra, đúng là già rồi. “Ừ, mệt, cái lưng vẫn đau…”. Lần đó, tôi lên đúng dịp ông vừa nằm bịnh dậy. Đi săn, ngã té gãy cột sống. Phải mất đến… 3 cái mật gấu, cái lưng mới gượng lên được. “Con anh đâu?”. “Thằng lớn là bí thư huyện đoàn, có vợ con ở dưới A Tiêng, thằng nhỏ đi bộ đội về chưa có việc làm. Ở lại trưa không, à mà anh phải đi rồi, chà chà có uống rượu không, cũng không có chi làm mồi hè…”. Giọng vồ vập như có lỗi. Tôi khoát tay: “Không, em phải đi A Xan rồi”. “Ừ à, không uống rượu à…”. Ông tặc lưỡi lần nữa. Có cái gì đó nghẹn trong tôi. “Mười năm em mới lên lại đây, anh không ở nhà được, việc ủy ban phân công rồi, tiếc quá”.

Tôi nhìn mắt ông. Vẫn lấp lánh sáng. Đôi mắt của ông già miền núi, thông minh từ trong bản thể, học bổ túc văn hóa đâu tới lớp 3, làm cán bộ y tế hồi chưa giải phóng, rồi cán bộ xã. Lên xã Tr’Hy (Tây Giang) mà hỏi ông Clâu Blao, ai cũng  biết. Chính ông đã tìm ra con đường từ đây xuống xã Lăng, thay vì đi bộ một tuần, thì sau khi theo hướng ông định, mở đường, đi bộ chỉ còn hai ngày. Đó là nói thuở chưa làm đường nhựa, chứ bây giờ đi thì nhanh hơn. Con đường đang đi bây giờ, là do công của ông đó. Ông không có kiến thức giao thông, chỉ biết trèo lên ngọn cây, ngó đường phân thủy từ núi xuống, tính khoảng cách vừa rút ngắn độ dài, vừa né được chỗ quá khó, cột dây màu đỏ trên nhánh cây, từ đó bà con các xã khu 7 cứ nhắm màu đỏ mà phát đường tới. Khu 7 Tây Giang, họ gọi là con đường Clâu Blao... Chuyện đã lùi xa hơn 40 năm rồi.

2. Với tôi, ở núi, có những người rất kỳ tài. Vì tài, nên hiếm, có khi một xã có một người, một huyện có một người, lạ lắm, như là rừng dồn hết ưu ái cho họ. Ở Tây Giang, bà con Cơ Tu có vài bậc lạ lắm. Bữa qua ở huyện, tôi nghe Briu Quân nói bác Clâu Nâm yếu lắm rồi, có thể mất nay mai. Ba ngày sau, ông Nâm mất. Với tôi, ông Nâm là kỳ tài. Ai đọc báo, xem ông biểu diễn hát lý, thổi khèn, đánh cồng chiêng, dáng phong sương mà cứng rụi, cái cười lành hiền, thoải mái, đặc biệt đôi mắt tinh anh, đều nể. “Ông Nâm yếu lắm, em nghe nói vậy”. Ông  Blao quay nhìn tôi: “Thế à, chà chà…”. Ở tuổi ông, chuyện trở về với Giàng, không lạ nữa, nhưng như mọi sinh thể đã góp mặt với cuộc đời lắm truân chuyên và vô thiên lủng những hành hạ đến bã cả xương xẩu này, sống vẫn vui hơn chết, vì thế không thể nào kìm được tiếc rẻ. “Anh còn đi săn không?”. “Không, súng giao hết cho xã từ lâu rồi, chỉ lâu lâu đi lấy mật ong thôi, mà mật ong ngày càng hiếm”. Tôi nhìn cây đàn trên vách. Ba cây chứ không phải một cây. “Anh vẫn chơi đàn chứ…”. “Ừ, lễ hội anh vẫn đánh, còn đàn kia là làm để bán”. “Cho ai ?”. “Khách lên thăm rừng pơ mu, ghé mua làm kỷ niệm, rồi cho anh em nhà báo. Hôm kia có 40 người lên, tối ngủ ở đây mà”.

Ông hạ cây đàn xuống, so dây và gẩy. Tôi nhớ, đây là điệu đánh khi đâm trâu xong rồi, sà vào rượu, rồi hát lý. Rộn ràng, réo rắt. “Anh bán được không?”. “Được, làm miết, mỗi cây 300 ngàn đồng, 3 ngày làm được một cây”. Ông chỉ trên vách, bộ sừng nai giả gỗ. “Làm cái đó mới mệt, tùy theo gỗ, kích cỡ, từ 500 ngàn đến vài triệu, trang trí, sơn màu, tốn công lắm”. Cái khèn đã lên nước, bóng láng. “Anh làm à?”. “Không, anh mua ở A Vương”. “Không làm được à?”. “Được chứ, nhưng mất công lắm, anh mua 1,8 triệu đó”. “Ở đó có ai làm được à?”. “Không, họ mua lại của người Lào. Anh định làm nhưng đi tìm ống, lựa ống, chọn nốt, đục lỗ… mất thời gian lắm”. “Anh Briu Pố làm được không? Ông Ketik làm được không?”. “Không, hai anh đó đẽo đồ vật, trang trí thôi, không còn được đâu. Khó lắm. Nếu làm được, thổi được thì có anh Clâu Nâm, à, yếu lắm à, tội hè…”. Ông ôm khèn thổi. Tôi dốt, chẳng hiểu ông thổi cái gì, nhưng điệu thức không như tiếng khèn của vùng Tây Bắc. “Anh bán đi, rồi làm cái khác, không làm cứng tay lắm”. Ông cười. “Không đâu, làm tốt mà”.

Ông Clau Bao chơi đàn.
Ông Clau Bao chơi đàn.

3. “Vậy sống đủ không?”. “Ừ có lương thương binh, rồi làm đồ bán, cũng đủ. Hôm trước, bí thư Liếc và chủ tịch Mia (huyện Tây Giang) đặt làm 4 cái nỏ, bán được hơn 5 triệu”. Ông cười hà hà. Trên vách còn một cái nỏ dài, cánh  căng cứng, thân nỏ bóng ngà. “Cái đó của anh, không bán, năm ngoái anh đi thi bắn nỏ đoạt giải nhất đó”. Lúc nãy ở chân cầu thang, tôi thấy mấy cái áo bằng sợi dây, vỏ cây rừng.  Cũng là bán cho khách du lịch, mỗi cái 300 ngàn… Tôi nhìn ông ngó xa xăm trong sương núi chưa tan dù đã 9 giờ sáng rồi, có nắng mà buốt lạnh, trào lên nỗi tiếc rẻ. “Anh làm rẫy không?”. “Có chứ, chút ít thôi, chị ở nhà làm, chứ anh đau lưng”. “Có đi xa không?”. “Không, đi đâu nữa, có lễ, dự thi gì thì đi, khó lắm”. Bây giờ tôi mới nghe ông than một tiếng, than cho sức khỏe và điều kiện của mình. Biên giới nghìn trùng xa. Tuổi như ông, bây giờ đi đâu đó, là nỗi cực hình. Đến lúc nào đó, người ta chỉ ngồi nhìn, nhìn thôi, không cần nghĩ, bởi mọi thứ rỗng không, nếu còn sót lại, là cái gì đó không thể quên được. Với ông, đó là gì, nhớ gì, tất nhiên là tôi đành chịu. “Anh có mang khèn đi thổi thi không?”. “Diễn văn nghệ thì thổi chứ”. “Có bày lại cho ai làm không?”. “Bày cũng không ai học. Phải thuộc bài hát, biết nhạc, rồi phải làm được. Thanh niên bây giờ không cần biết cái đó  đâu, khó lắm…”.

Núi dần mất vì tay người phá. Những bản làng bị túm tụm lại. Những chiếc áo mang màu núi rừng bị xóa nhòa đi. Xa lắc lư rồi những câu chuyện rì rầm bên bếp lửa của làng, nói chuyện cha ông giữ làng, giữ rừng, dạy nhau đánh đàn, nhảy múa, dạy cho nhau biết cốt tủy dân mình là cái gì. Người miền núi, bây giờ, ngay cả dáng gùi lên xuống dốc của họ cũng khác đi rồi. Tôi đã ngồi với nhiều người, họ lắc đầu ngao ngán. Không gì ngăn cản được họ, những người miền núi tưởng chừng chỉ đóng đinh trong nhà sàn, trước cơn sóng của đồ ăn nhanh, tư duy nhanh và ham muốn nhanh. Họ bước ra, đón nhận và thay đổi, không cần nhìn lại mình, dù chiếc áo trên người, dẫu có là đồ tây, thì đôi mắt vẫn là thẳm sâu của rừng, rừng đã bạc màu. Đã quá trễ để giữ lại. “Biết làm sao em, muốn lắm, dạy cho mọi người, nhưng không ai học. Nhà nước nên tổ chức cho con em, cho thanh niên học, vì nó hay lắm…”. Ông không dùng chữ, không triết lý, không cao giọng. Tôi hiểu “nó hay lắm”, chính là ánh trăng chảy tràn trên suối, là tiếng rừng thổn thức trong nỗi nhớ con nai gọi đàn, là giai điệu thiết tha của lá trong mùa chồi biếc thay nhau nở, là lời ngậm ngùi khi đông giá ngủ quên trong mờ mịt lạnh tê…

“Em đi nghe”. “Ừ, chà, có lên lại không?”. Tôi gật. Không phải gật bừa đâu. Tôi thấy ông cầm cái khèn treo lên vách. Cơn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Bao mùa rẫy nữa, tiếng khèn kia còn vang vọng? Bà vợ ông với theo: “Lần sau lên báo trước nghe, chị kiếm đồ ăn ở lại”. Ông ngó theo, chân thấp chân cao nơi bậc cửa nhà sàn. Tôi mang cây đàn ông tặng về, Briu Quân nói: “Em đánh được, nhưng bố em đánh hay hơn”. Ông già ra tay. Thánh thót. Hỏi chú biết làm khèn không, thì  lắc đầu…

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT