Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
Tin liên quan
|
(QNO) - Một số câu hỏi - đáp về chính sách BHXH, BHYT.
Cách tính mức lương hưu hằng tháng
Một số bạn đọc hỏi: Trong những năm tới, tỷ lệ lương hưu hằng tháng của quân nhân (nam) được tính như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10.5.2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân:
1. Mức lương hưu hằng tháng của quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu (sau đây gọi chung là người lao động (NLĐ)) được tính bằng tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
2. Tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật BHXHđược tính như sau:
a) NLĐ bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2016 đến trước ngày 1.1.2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam; mức tối đa bằng 75%;
c) Lao động nam bắt đầu hưởnglương hưu hằng tháng kể từ ngày 1.1.2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%:
- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2018: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 16 năm;
- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2019: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 17 năm;
- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2020: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 18 năm;
- Năm bắt đầu hưởng lương hưu là 2021: Thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 19 năm;
- Từ 2022 trở đi, thời gian đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% là 20 năm.
3. Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật BHXH, được xác định như sau:
a) NLĐ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 nghị định này làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam;
b) NLĐ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 nghị định này thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi đối với nam;
c) Trường hợp hồ sơ của NLĐ không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 1.1 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.
4. Cách tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng do nghỉ hưu trước tuổi thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 56 Luật BHXH.
Hưởng trợ cấp thất nghiệp không ảnh hưởng đến thời gian đóng BHXH
Một bạn đọc hỏi: Em tôi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được 3 năm. Vừa qua em tôi bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ); hiện vẫn chưa tìm được việc làm mới. Nếu làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì em tôi sẽ được hưởng bao nhiêu tháng, mức hưởng so với lương lúc đi làm thế nào? Nếu đã hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi thì sau này thời gian đóng BHXH của em tôi để tính hưởng các chế độ BHXH có bị ảnh hưởng gì không?
Trả lời: Khoản 2, Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 quy định: Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng BHTN trước đó của NLĐ không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng BHTN cho lần hưởng BHTN tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị tòa án tuyên bố mất tích; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Điều 51 Luật Việc làm quy định về chế độ BHYT:
1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
2. Tổ chức BHXH đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ BHTN.
Đối chiếu với trường hợp bạn hỏi, em của bạn sẽ được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 3 tháng trên số thời gian đóng BHTN và được hưởng chế độ về BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số thời gian đã tính hưởng trợ cấp thất nghiệp này sẽ không được tính cho lần sau và việc hưởng trợ cấp thất nghiệp không bị ảnh hưởng đến thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để tính hưởng các chế độ BHXH đối với em bạn.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM