Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 5.2018

(Theo VOV) 02/05/2018 14:29

(QNO) - Từ tháng 5.2018, doanh nghiệp nhà nước mua xe cũng phải qua đấu thầu; giả mạo chứng từ kế toán bị phạt đến 30 triệu đồng...

Doanh nghiệp nhà nước mua xe cũng phải qua đấu thầu

Khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả mua xe), doanh nghiệp nhà nước cũng phải thực hiện đấu thầu là nội dung quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1.5.2018.

Cũng theo nghị định, doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm…

Đối với các dự án doanh nghiệp nhà nước là chủ đầu tư đang triển khai hoặc xây dựng dang dở được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án.

Đối với doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu, phân phối điện, bán buôn xăng dầu, vận tải đường sắt… sẽ không được nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp kể từ thời điểm 1.5.2018.

Giả mạo chứng từ kế toán bị phạt đến 30 triệu đồng 

Nghị định 41 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập có hiệu lực từ ngày 1.5.

Theo nghị định này, những hành vi sau bị xử phạt tiền 20-30 triệu đồng: giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh...

Ngoài ra, nếu cá nhân tẩy xóa chứng từ kế toán cũng sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng.

Giảm 20% giá cước các mạng điện thoại di động

Sau đợt khuyến mãi 50% giá cước lần cuối vào tháng 3, bắt đầu từ ngày 1.5, các nhà mạng sẽ đồng loạt giảm 20% giá cước cuộc gọi.

Thông tư 48 của Bộ Thông tin truyền thông quy định về giá cước điện thoại có hiệu lực từ 1.5.

Theo đó, giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng thông tin di động được giảm từ 500 đến 550 đồng/phút còn: 400 đồng/phút đối với mạng di động của Tập đoàn Viễn thông quân đội; 440 đồng/phút đối với mạng di động của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, MobiFone, Vietnammobile, Công ty CP Viễn thông di động Toàn cầu.

Ngoài ra, giá cước kết nối cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động giảm còn 320 đồng/phút (quy định hiện nay là 415 đồng/phút).

Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu đồng

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi ngày 21.3.2018 bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định 48 chỉ rõ: phạt tiền 90-100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự.

Đặc biệt, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền 40-50 triệu đồng.

Riêng với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, là 60-70 triệu đồng, thay vì chỉ 10-20 triệu đồng như trước.

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường là nội dung được quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với tài sản không phải là hàng cấm còn phải dựa vào: giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm; giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này…

Nghị định có hiệu lực ngày 1.5.2018.

Ngoài ra, còn có quy định: nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng; phối hợp xử lý vi phạm trong nghiên cứu khoa học trên vùng biển; tiêu chuẩn nhân viên kiểm soát an ninh hàng không; giảm thời hạn phải lưu trữ nhật ký hành trình tàu bay còn 12 tháng; tiêu chí xác định hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 5.2018.

Cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, các khoản cho vay được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện: đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng; đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích; là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.

Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 20.5.2018, áp dụng cho các khoản giản ngân vốn vay từ ngày 10.12.2015.

(Theo VOV)

(Theo VOV)