Bất cập xử lý chất thải rắn

TRẦN NGUYỄN 27/04/2018 09:33

Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh đang tồn tại nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi.

Lò đốt rác thải sinh hoạt thủ công tại huyện Bắc Trà My. Ảnh: T.N
Lò đốt rác thải sinh hoạt thủ công tại huyện Bắc Trà My. Ảnh: T.N

Ở nơi được đánh giá là mô hình điểm trong xử lý rác thải nông thôn như xã Duy Phước (Duy Xuyên) vẫn gây bức xúc cho người dân. Tại bãi đất trống nằm đối diện trụ sở UBND xã, thỉnh thoảng xuất hiện đống rác to đùng. Theo người dân, do trên địa bàn chưa đầu tư quy hoạch điểm tập kết rác nên người dân lén lút mang rác ra các chỗ vắng vẻ, thậm chí đối diện cổng trụ sở UBND xã đổ tùy tiện.

Tại khu vực nội thị Tam Kỳ hay Hội An, rác được thu gom hằng ngày; các huyện đồng bằng thu gom 2 - 3 lần/tuần, còn ở các huyện trung du, miền núi, tần suất thu gom thấp hơn, khoảng 2 lần/tuần. Khu vực nông thôn và miền núi, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt chỉ đạt 35 - 42%. Đối với CTR công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất trong các khu - cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, làng nghề..., lâu nay phần lớn chủ nguồn rác thải tự thu gom và hợp đồng xử lý chung với CTR sinh hoạt. Tuy đã quy hoạch quản lý CTR từ hơn 5 năm trước, nhưng nhiều địa phương vẫn lúng túng trong quá trình thực hiện do đầu tư hạng mục xử lý môi trường rất hạn chế. Khâu xử lý rác thải chủ yếu bằng hình thức chôn lấp. Trong số 20 bãi rác đang hoạt động, chỉ có 6 bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh, gồm bãi rác Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (Núi Thành), Đại Hiệp (Đại Lộc) và 3 bãi chôn lấp ở xã Ba (Đông Giang), Đông Phú (Quế Sơn) và Trà Sơn (Bắc Trà My). Tồn tại nữa trong xử lý CTR là hầu hết các địa phương chưa phân loại rác thải tại nguồn một cách triệt để. Thêm nữa, các bãi rác tập trung luôn trong tình trạng quá tải; nhiều địa phương thiếu các hạng mục công trình xử lý rác thải đồng bộ, công suất lớn. Công nghệ xử lý thủ công, lạc hậu như hiện nay cũng gây lúng túng cho công tác xử lý CTR.

Trước những bất cập trong quản lý, thu gom, xử lý CTR hiện nay, UBND tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR  được Sở Tài nguyên và môi trường tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các ngành hữu quan và chính quyền địa phương. Điều quan trọng là cần lựa chọn hình thức thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý các loại CTR thích hợp, mang hiệu quả cao về môi trường. Một số khu vực miền núi vì người dân nghèo không có tiền dành cho chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt thông thường nên đầu tư các lò đốt rác thủ công tại chỗ. Điển hình như ở thôn 3 xã Trà Tân (Bắc Trà My) đã đầu tư lò đốt rác thủ công tại chỗ. Lò đốt này được xây bằng gạch ống có tô trát xi măng bên ngoài; đáy lót bằng tấm lưới thép ngăn không cho rác thải rơi xuống khu vực lấy tro thải, ống khói làm bằng đất nung. Đây là công trình phục vụ cho hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xa đường giao thông chính nên không thể thu gom rác thải. Trong khi nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn eo hẹp, thì lò đốt thủ công như ở xã Trà Tân là giải pháp chọn lựa trước mắt tốt nhất, phù hợp với các địa bàn xa xôi, không đủ điều kiện để triển khai thu gom, vận chuyển rác thải. Tuy nhiên, theo UBND xã Trà Tân, lò đốt này hiện đang tạm dừng hoạt động vì người dân lo sợ sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống chung quanh.

Để triển khai đề án xử lý CTR, năm 2017 UBND tỉnh ra quyết định về việc quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, theo Sở Tài nguyên và môi trường, ngân sách tỉnh cần bố trí kinh phí để triển khai thực hiện cắm mốc giới các khu xử lý rác thải trên địa bàn theo đề án quy hoạch đã được phê duyệt để giữ quỹ đất và công khai minh bạch về thông tin quy hoạch cho người dân được biết. Đồng thời giao cho cấp huyện chủ động tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong xử lý CTR để giải quyết lượng rác thải ngày càng phát sinh, cũng như lượng CTR còn tồn đọng chưa xử lý trên địa bàn tỉnh; hướng đến xử lý dứt điểm tình trạng hàng chục nghìn tấn rác tồn đọng lâu nay tại bãi rác Cẩm Hà (TP.Hội An). Về lâu dài cần đầu tư mới hoàn toàn công nghệ hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN