Ký ức rừng dương
Họ dẫn tôi ra chỗ mà chỉ chừng một năm trước thôi, là rừng dương của họ. Bây giờ, mịt mù giữa không gian mà họ thấy như khi xem trong phim Hàn Quốc, to và đẹp. Và sang trọng. Và xa lạ với họ quá. Những lộng lẫy ấy, chắc phải lâu lắm, họ mới quen mắt.
Nhóm hộ dân thôn 6, xã Bình Dương (Thăng Bình) chỉ khu vực rừng dương trước đây - bây giờ là Khu nghỉ dưỡng Vinpearl. |
Vài ngày nữa, dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An đi vào khai thác. Người dân thôn 6 xã Bình Dương không ai nghĩ đến chuyện chỉ trong vòng hơn một năm cả khu đất rộng lớn, hoang sơ đã biến thành khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô và bề thế trên cát. Cũng không dám mơ được nghỉ một đêm trong những khách sạn sang trọng ngay bên cạnh nhà mình. Vui mừng, phấn khích vì sự đổi thay xen lẫn những băn khoăn, lo lắng về một vài điểm khúc mắc trong bồi thường, giải tỏa rừng dương chưa được giải quyết rốt ráo.
Tin ở mênh mông
Một cây dương liễu, theo giá bồi thường là 35.000 đồng, trồng bao nhiêu cây lớn lên, mới ngủ được một đêm ở đó? Bà Nguyễn Thị Mai (78 tuổi) lắc đầu, tui tính không ra. Bà nói tui có 7.286m2, chỗ mô trong cái bản đồ nớ thì con dâu tui chỉ cho. Bà ôm nỗi tiếc công giữ đất trồng cây, hễ ai hỏi tới là nước mắt chảy. “Tôi nhờ con dâu lên xã hỏi thì họ nói cứ yên tâm, từ từ họ cũng đền bù cho bà”.
Bà Phan Thị Liện (60 tuổi) kể: “Hồi nhà đầu tư cày ủi, mấy đứa con tôi cũng chỉ vác được vài cây. Nhà mô đàn ông nhiều, còn sức khỏe thì thuê xe, chở đại chở càng. Như vô chủ. Trong khi trước đó tôi chăm chút từng khoảnh, tới mùa trồng dặm từng cây”. Theo tờ bản đồ bà giữ từ năm 2008 thì mảnh đất của bà ở thửa số 506, diện tích 6.440m2. Bà Liện cũng như các ông Nguyễn Hắc Long, Nguyễn Toàn Năng, Đặng Phước Nhật, Lê Văn Anh, Trương Văn Tám, Lê Văn Chính, bà Nguyễn Thị Tám (cùng ở thôn 6) đều giữ tờ bản đồ đó. Như của làm tin.
Ngược lại quá khứ, khi có chủ trương giao đất theo Nghị định 02/CP, ngày 15.1.1994, nhiều người trong số họ, dù có chăm sóc cây cho dự án 4304 (trồng rừng phòng hộ) nhưng không ai mấy mặn mà. Năm 2008, khi có người đàn ông tên Khanh (Bộ TN-MT) về đo đạc lại diện tích rừng. Khoảnh thửa được xác lập. Họ nghĩ sẽ được cấp quyền sử dụng đất cho khoảnh rừng đó. Vậy là thay đổi. Chăm nom kỹ hơn. Mùa nắng cây chết, mùa mưa họ mua cây về dặm.
Ông Nguyễn Toàn Năng (72 tuổi) trước là kiểm lâm viên của xã, bảo vệ khu rừng 4304 thời đó. Chừng năm 2002, ông được giao bảo vệ rừng từ thôn 6 đến giáp xã Bình Minh. Ông kể: “Rừng đó, ban đầu giao khoán cho dân trồng nhưng họ không giữ, vì chẳng có quyền lợi chi ngoài tiền công trồng cây. Ông Khanh đó ở nhà tôi 3 tháng để đo đạc, kiểm tra đất cấp cho dân, trong đó có khoảnh đất rừng của tôi. Sau đó, ông Khanh nói chúng tôi làm đơn xin cấp đất, photo hộ khẩu, đưa vô để xã ký làm bìa. Từ đó, bà con mới ra sức trồng cây, giữ rừng”.
Dấu vết rừng dương
Ông Phạm Văn Đề - Trưởng thôn 6 khẳng định, từ năm 2008 bà con đã có trồng dặm vào đất rừng dự án 4304, còn trồng bao nhiêu thì không thể biết. Cây rừng mà. “Có người nói tất cả người dân thôn 6 sẽ… kiện xã nếu xã cấp đất cho các hộ dân này. Điều đó đúng không?”. “Làm chi có chuyện đó!” - ông Đề nói. Về lịch sử đất đai này, ông Đề cho rằng do những “lộn xộn” thời ông Yên (ông Cao Văn Yên, nguyên chủ tịch xã Bình Dương), nên dù đo đạc rồi nhưng nhiều người vẫn không được xã xác nhận. Ông Nguyễn Văn Sơn (một người ở thôn 6) nói: “Không có rừng dương của bà con trồng đó, hẳn cát đã ngoạm hết nhà cửa ở thôn 6 ni rồi. Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao bây giờ xã cứ khẳng định rừng đó chỉ có cây tái sinh của dự án 4304”.
Rơm rớm nước mắt, bà Liện cho rằng, nếu chừ đất không được đền bù, thì cây trên đất, nhẩm tính bà được bồi thường chừng 100 triệu đồng. Chia ra tiền công 10 năm trồng và giữ rừng, mỗi năm bà được chưa đầy 10 triệu đồng. Nếu tính theo giá cho lao động phổ thông 200 ngàn đồng mỗi ngày, thì chừng đó cũng chẳng tới đâu, chưa kể tiền mua cây con dặm vào mỗi mùa mưa. Nhưng thôi cũng kệ. Tôi ngồi nghe bà… đếm cua trong lỗ, vừa nói vừa nhìn ra phía mênh mông nắng cát. “Xã nói đền bù nên mình để họ ủi, chớ phải xã nói không đền bù mô mà mình phản đối, mình ngăn cản. Gửi đơn vô tỉnh thì họ nói để gửi về huyện, về huyện thì họ nói để nhắc xã, về xã thì họ nói từ từ, cái nớ đền bù nhưng phải từ từ” - bà Liện kể.
Dường như họ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc cầu xin lòng trắc ẩn. Đàn bà thì mau nước mắt. Đàn ông thì kể ấm ức, xong buông cái nhìn thẫn thờ. Họ nói xã hứa hẹn, có người còn nêu cả tên người hứa với mình là một phó chủ tịch xã. Hẳn nhiên, xã không xác nhận điều này.
Và chẳng có gì để chứng minh cho lời hứa đó. Việc đền bù hỗ trợ cho dân công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng có lẽ sẽ không được tính tới, vì xã cho rằng đây là rừng 4304. “Giờ xã kêu là đất trống nên không đền bù chi cả. Chừ chỗ Vinpearl vẫn còn giữ lại nhiều cây cao 5 - 7m, những cây to để phục vụ cho họ. Chứng cứ đó” - ông Nguyễn Diễn (chồng bà Liện) nói.
Dấu vết dương chỉ còn trong ký ức và trong những câu chuyện hằng ngày của người miệt biển. Bà Liện, may mắn hơn những người khác trong nhóm hộ đồng gửi đơn cầu cứu, là còn giữ được vài hình ảnh chụp rừng dương trong ngày bị cày ủi. Nhưng chừng đó, vẫn không là chứng cứ minh chứng cho rừng.
Khó xác minh nguồn gốc
Là trưởng thôn, nên ông Phạm Văn Đề được bà con cho là biết nhiều hơn họ, ít ra là về các thủ tục liên quan giấy tờ, đất đai. Họ phó thác cho ông cũng nhiều, nhưng ông chịu, vì bảo đưa cái gì chứng minh đất đó họ được giao trồng rừng giữ rừng từ năm 2008, thì tất cả đều lắc đầu, ngoại trừ ông có được cái giấy giao đất từ năm 1995. Họ chỉ đưa ra được thửa đất trên bản đồ địa chính - một bản photo, không có chữ ký và con dấu. “Sao ông không hướng dẫn cho bà con?”. Ông nói: “Đất rừng ở đây, cứ cắm cây xuống trồng, rồi chăm, rồi đi biển, mỗi ngày cũng phải tính chuyện làm ra cái ăn để nuôi con cái. Cái ăn cực nhọc, có ai nghĩ đến chuyện hối thúc làm sổ đỏ để chứng minh với luật pháp. Họ nghĩ đương nhiên luật pháp thừa nhận họ”.
Ông D. người được xã mời làm chứng việc có hay không trồng cây dương của 8 hộ dân này nói: “Xã mời tôi lên hồi trước tết, tôi chỉ biết chỗ của bà Liện ông Diễn thôi chớ có biết mấy hộ kia đâu mà xác nhận hết. Chỗ bà Liện là tôi đi thả bò, thấy bả có trồng cây keo trồng dương nhưng cũng có nhiều cây chết. Biết từng nớ thì nói từng nớ thôi. Rừng của mấy người kia thì tôi không biết”.
Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương khẳng định: “Bản đồ mà dân có hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Năm 2008 theo ý kiến của lãnh đạo xã là thống nhất chủ trương của tỉnh và huyện, không đo đạc cấp mới mà chỉ đo đạc cấp đổi. Năm đó, đoàn đo đạc của bộ về đo kiểm tra lại rừng, nhưng vì có nhiều điều không minh bạch nên xã không ký xác nhận”.
Tôi thắc mắc, dân thì cần đất sản xuất nhưng tại sao năm 2008 xã lại có chủ trương không cấp mới cho dân khu vực này, trong khi dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được công bố quy hoạch lần đầu vào cuối năm 2010? “Chỉ nghe chủ trương từ các vị lãnh đạo thời đó chứ không có văn bản. Chúng tôi đang tập hợp hết các yếu tố như lấy ý kiến cộng đồng dân cư, những lão nông tri điền, các văn bản liên quan để làm tờ trình lên huyện. Chúng tôi không quyết cái này” - ông Phan Thanh Vân nói.
Ông Hoàng Châu Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện nói: “Huyện đã thành lập tổ công tác xử lý đơn thư khiếu nại vùng đông. Thời hạn đưa ra để giải quyết đơn thư của 8 hộ dân là ngày 15.4, sau đó dời tiếp ngày 20.4, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Vì lịch sử đất đai khu vực này khá phức tạp. Hơn nữa hiện trạng rừng đã mất nên việc xác định nguồn gốc tương đối khó”.
Dân thì nói rừng trồng của dân. Xã nói rừng phòng hộ. Rừng dương đã bị cày ủi nên vụ việc thêm mù mờ. Ở đó vài hôm nữa, khách sẽ ùn ùn kéo về điểm vui chơi hứa hẹn nhiều mới lạ…
Phóng sự của PHAN HOÀNG