Về miền Tiên Phước

PHÚ BÌNH 15/04/2018 10:42

Ai từng qua con đèo Liêu trên cung đường Trà My - Tiên Phước vào mùa xuân đều phải ngẩn ngơ vì nắng. Đó là một dáng nắng lạ lùng khiến nhớ hoài nhớ mãi!

Cầu bắc qua sông Tiên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cầu bắc qua sông Tiên. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nắng không vàng một sắc “xuân phân” trải miên man trên những triền đồi cõi bắc và cũng không chói chang như ánh hoàng hôn trên những dòng sông châu thổ phương nam. Cũng không rực rỡ một màu dã quỳ trên những triền thông cao nguyên… mà lành lạnh, lẩn khuất sau những tán cây rừng, chỗ có chỗ không, phất phơ một màu vàng của cỏ úa, của khói mây lấp lánh ráng chiều. Nó phủ một vẻ gì hiu hắt như cố phô cho hết cái lặng lẽ của những xóm làng sơn địa dưới chân con đèo - mà có người cố ý gọi cho văn vẻ là Cô Liêu, ngoằn ngoèo hướng về miền Tiên Cảnh - một địa danh nghe có vẻ thoát tục bồng lai gợi nhớ những lời ca bàng bạc một màu mây nước: “Qua bến nước xưa/ lá hoa về chiều/ Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa…/Nay anh về qua sân nắng/ chạnh nhớ câu thề tim tái tê…/ Nay anh về nương dâu úa/ giọng hát câu hò thôi hết đưa…/ Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi/ Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…”. (Nắng chiều - Lê Trọng Nguyễn).

Cách Tiên Cảnh một quãng ngắn thôi là đến cây cầu bắc ngang dòng sông Tiên muôn đời chảy ngược. Nhìn dòng chảy ào ạt băng qua bờ kè đá của chiếc cầu chìm bắc qua lòng sông, thấy bóng trời mây dập dềnh theo từng đợt sóng xao là hình ảnh rất riêng của xứ trung du Tiên Phước ăm ắp màu xanh; quê xứ của quế, chè, cau, của nam trân, hồ tiêu một thời nổi tiếng.

Đất này cũng nổi tiếng vì nhiều gia đình có con gái đẹp - nhiều đến nỗi đã tạo nên một định đề phong thủy lưu hành khắp nam Quảng Nam: “nơi nào có nước sông chảy ngược về phía tây, nơi ấy mỹ nhân nhiều vô kể!”. Bạn không tin ư? Cứ thử ghé về Tiên Phước một chuyến mà xem: có thể thấy thấp thoáng sau những ngõ đá rất đặc trưng của vùng này, những dáng uyển chuyển thướt tha, môi thắm má đào như bước ra từ câu thơ “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” của nhà thơ Thôi Hộ thời Đường.

Bây giờ là thế! Còn xưa cũ thì sao? Chẳng rõ “vẻ đẹp Tiên Phước” quá khứ có làm ngây ngất bao nhà nho xưa? Chỉ biết rằng, có một danh sĩ quê làng Tây Lộc thuộc địa giới Tiên Phước xưa, trên bước đường làm cách mạng chốn trời Tây, chẳng rõ có hồi ức về vẻ đẹp nào của cô gái xứ Tiên mà ông đã gặp để phả vào thần thái những nhân vật nữ yêu nước trong tác phẩm của mình? Nhà nho đó là cụ Phan Châu Trinh và tác phẩm có các mỹ nhân yêu nước kia là “Giai nhân kỳ ngộ” được cụ Tây Hồ (biệt hiệu của cụ Phan Châu Trinh) viết vào thời bôn ba trên đất Pháp.

Cũng theo truyền tụng ở địa phương, có một danh sĩ ở đây cứ nhất mực làm ngơ trước bao vẻ đẹp mỹ miều xưa - không chỉ ở quê mình mà còn cả trên những xứ kinh kỳ! Chuyện chính trị - cứu quốc cứ ám ảnh suốt đời ông; đến nỗi, trước cô Kiều - trang giai nhân từng làm rơi lệ biết bao người - ông cũng nhất quyết lạnh lùng; không những thế, còn nặng lời phán quyết: “Nghiêng nước trận cười gương mấy kiếp/ Đắm mình bể sắc tội ngàn thu” và “Cột đồng Mã Viện xô chưa đổ/ Sóng ác Kiều nương đắm lại sâu”... Nhà nho ấy là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Mấy câu trên được dẫn trong các bài thơ “Vịnh Kiều” của cụ. Nói thế là phiếm luận cho vui chứ thực ra cụ Huỳnh chẳng ghét bỏ chi Kiều! Cụ chỉ mượn chuyện cô gái bất hạnh trong tuyệt tác của Nguyễn Du để lên án nhiều kẻ có học đã đang tâm bán mình cho giặc Pháp vào cái buổi mà một nhà cách mạng lẫy lừng cùng quê với cụ là Phan Châu Trinh từng đau đớn nhận xét: “Vạn dân nô lệ cường quyền hạ”.

Cụ Huỳnh quê làng Tiên Cảnh, cụ Phan là người làng Tây Lộc cách đấy không xa; cả hai nơi đều thuộc huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam xưa. Đời hai cụ có rất nhiều điểm chung: cùng quê, thọ giáo cùng thầy, thi đỗ cùng khoa năm 1900, cùng chí hướng, cùng bị thực dân đày ải nơi Côn Đảo, cùng vì sự nghiệp cứu nước cứu dân mà bôn ba; đến giờ vĩnh quyết đều được an táng xa quê và anh linh được trân trọng phụng thờ ở chốn quê nhà - nơi hai cụ từng được sinh ra và lớn lên.

Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh ở thôn Tây Hồ, làng Tây Lộc; nhà thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm ở làng Tiên Cảnh bên kia đầu cầu sông Tiên. Hai ngôi nhà lưu niệm u mặc mà bề thế cách nhau không đầy mấy chục phút chim bay. Ai đến chốn này, nhìn qua những ngõ đá xanh rêu bên những hàng chè tàu u tịch lấp lánh nắng xuân dẫn đến những ngôi nhà có tuổi hàng trăm năm hẳn không hết lạ lùng và thành kính trước một nét gì rất riêng - huyền hoặc và u trầm - của một vùng “địa linh sinh nhân kiệt”.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH