Cổ vật

C.B.L 13/04/2018 09:49

Một hòn đá, một mẩu xương hóa thạch, một mảnh gốm vỡ… nằm im lìm trong lòng đất. Hàng ngàn năm, hàng triệu năm. Một hôm được đào lên, chuyền tay nhau, soi xét tỉ mỉ…

Và người ta đọc ra từ đó những câu chuyện ly kỳ về sự chuyển dịch của lục địa, của đại dương, hay của một giống loài. Những câu chuyện về sự phát triển của một nền văn minh, về tập quán sinh sống, cái ăn cái mặc, các quan hệ xã hội ở một thời xa xưa mà chữ viết chưa ra đời, hay những trang sử chưa từng chép tới.

Đó là cách mà con người tìm lại quá khứ của mình, nhờ vào sự phát triển của các ngành khoa học, và khoa khảo cổ học.

Quá khứ, bằng nhiều cách đã luôn hiện diện trong đời sống, tạo ra những xung lực hướng đời sống theo một chiều nào đó. Cách ứng xử với các xung lực đó như thế nào sẽ tạo nên vận mệnh của mình hôm nay, và để lại gì cho thế hệ mai sau.

Sự hiểu biết quá khứ càng đầy đủ, càng sáng rõ, càng giúp người ta dễ dàng nhận diện những quy luật của tự nhiên và lịch sử, giúp chúng ta hành động phù hợp hơn với những quy luật đó. Đó là nền tảng để xây dựng một cuộc sống có tri thức và hạnh phúc, và là cơ may để lại được nhiều nhất điều tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

Theo ý nghĩa đó, thì các thành tựu của khảo cổ và khoa học lịch sử ngày càng xóa đi nhiều khoảng đen, minh định nhiều khoảng nhá nhem trong tiến trình lịch sử nhân loại, cung cấp cho con người ngày càng nhiều phương tiện để hiểu biết quá khứ của mình.

Và các bảo tàng, các cuộc trưng bày khảo cổ khắp nơi trên thế giới ngày càng có nhiều câu chuyện để kể cho công chúng.

Bước vào bảo tàng, vào một cuộc trưng bày, nhìn ngắm từng cổ vật, đọc và nghe thuyết minh về các cổ vật đó… ban đầu có thể là một sự giải trí lành mạnh. Nhưng điều lớn hơn là trưng bày đó sẽ dẫn dắt công chúng đi từ sự thú vị được nhìn ngắm những thứ lạ lẫm, đến chỗ kích thích trí tưởng tượng, khơi lên sự ham muốn tìm tòi hiểu biết về lịch sử, và cuối cùng là quy hồi tất cả vào cuộc sống của chính mình.

Thông qua sự tìm hiểu các hiện vật, công chúng còn được tiếp cận với các thành tựu khoa học liên ngành, hình dung được khía cạnh thực tế nhất của những nghiên cứu hàn lâm, đó là sự liên kết hữu ích để tạo nên một công chúng có tinh thần học tập.

Một công chúng có hiểu biết về lịch sử, văn hóa và sự tò mò khoa học, chắc chắn là tiền đề của một xã hội tiến bộ - ở đó mỗi cá nhân ý thức rõ mình là một chủ thể hiểu biết, đồng thời là một mắt xích trong cái mạng lưới dệt lên bởi chiều sâu của lịch sử và chiều rộng của không gian xã hội hiện đại.

Nghĩ đến đó và mơ ước, làm sao để các viện bảo tàng ở nước ta có được sức hút đối với công chúng xứng đáng như sự hấp dẫn mà chúng đang mang trong lòng? Và mong cuộc trưng bày “Báu vật khảo cổ Việt Nam” (trong đó “Chămpa và di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn” được trưng bày 1 gian) ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia mở cửa hôm qua 12.4 – sẽ kéo được càng nhiều người đến xem trước khi khép lại cuối tháng 7.2018 này.

C.B.L

C.B.L