Trầm tích Cu Đê

LÊ QUẢNG NAM 08/04/2018 10:59

Các hệ sông của Quảng Nam chủ yếu chạy theo hướng tây - đông lãnh thổ. Nếu kể theo thứ tự từ bắc đến nam thì hệ sông Cu Đê là đầu tiên. Dòng sông nằm ở phía cực bắc, dưới chân dãy Hải Vân vì thế có vị trí chiến lược quan trọng, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử.  

Sông Cu Đê. Ảnh: L.Q.N
Sông Cu Đê. Ảnh: L.Q.N

Sông Cu Đê

Sông Cu Đê còn có tên là sông Trường Định, là con sông nhỏ nằm ở vùng tây bắc của TP.Đà Nẵng. Gọi là sông Cu Đê vì phần hạ lưu sông chảy qua làng Cu Đê. Sông được hợp thành bởi hai dòng sông Bắc và sông Nam đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Sông Bắc xuất phát trên dãy Bạch Mã thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, sông Nam xuất phát từ vùng núi của huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Hai sông Bắc và Nam giao nhau tại thôn Tà Lang xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang (vị trí Cầu Sập). Từ Tà Lang sông chảy 38km theo hướng tây - đông rõ rệt qua các xã (phường) Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang), Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và đổ ra vịnh Đà Nẵng ở cảng Liên Chiểu. Gần 80% chiều dài của sông chảy trên địa phận của huyện Hòa Vang (30km).

Sông Cu Đê được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại khá rõ trong sách Đại Nam nhất thống chí: “Sông Cu Đê ở cách huyện Hòa Vang 18 dặm về phía bắc, có hai nguồn, một trên núi Đại Giáo Lao thuộc phủ Thừa Thiên, chảy đến đổ vào vực ngã ba, đấy là nguồn nước phía tây bắc của nguồn Cu Đê; một ngọn từ núi Trà Ngạn ở trong Man chảy đến, cũng đổ vào vực ngã ba, đấy là nguồn nước phía tây nam của nguồn Cu Đê. Hai ngọn hợp lưu ở vực ngã ba chảy qua xã Cu Đê.  Đến đây sông nhận thêm nước của sông Hoa Ổ chảy vào làm thành sông Cu Đê đổ ra cửa biển Cu Đê” (Nxb Thuận Hóa năm 2006, trang 362). Năm 1868, cụ tú tài Trần Nhật Tỉnh (người làng Quan Nam - nay thuộc xã Hòa Liên - nằm bên hữu ngạn dòng sông) đã theo sông lên tận đầu nguồn để khảo sát và đã bổ sung thêm nhiều thông tin thú vị được ghi lại trong sách Hòa Vang huyện chí.

Trầm tích lịch sử Cu Đê

Sông Cu Đê là một vị trí quan trọng về mặt quân sự vì vậy đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Phía bờ nam sông Cu Đê, nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, dưới chân tháp Trà Bi (tháp Xuân Dương) có một ngôi mộ cổ, được người dân làng Nam Ô phường Hòa Hiệp Bắc gọi là mộ Tiền hiền… Tương truyền đây là ngôi mộ của một vị tướng dưới trướng của Thượng tướng Trần Khắc Chung. Tháng 10.1307, sau khi cứu Huyền Trân công chúa thoát khỏi giàn hỏa, quân Đại Việt dong thuyền thẳng tiến về Thăng Long. Do quân thủy bộ của Chiêm đuổi theo, mùa này lại có gió bấc thổi mạnh nên đến cửa Đại Chiêm thì quân Đại Việt phải bỏ biển để đi theo đường sông Cổ Cò. Đến Đà Nẵng quân Đại Việt lên bộ, định vượt đèo Hải Vân. Đến bờ nam sông Cu Đê, một vị tướng tình nguyện ở lại ngăn quân Chiêm. Vị tướng và 200 quân đã chiến đấu anh dũng nhưng cuối cùng phải hy sinh. Thời gian chiến đấu cũng đủ để đoàn quân Đại Việt đưa công chúa qua đèo một cách an toàn, thoát khỏi sự truy đuổi của quân Chiêm. Dân làng đã đưa thi hài ông về chôn dưới chân tháp Trà Bi và tôn làm tiền hiền của làng.

Sử gia Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong cho biết, năm 1311, vua Trần Anh Tông đã cùng các tướng Trần Quốc Chấn, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Đoàn Nhữ Hài đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khi sắp khởi hành thì sứ thần Chiêm là trại chủ trại Cu Chiêm (Cu Đê) đến nạp cống phẩm của vua Chiêm là Chế Chí. Đoàn Nhữ Hài đã ra lệnh cho sứ về bảo Chế Chí phải đến để thần phục. Vua Trần chia quân làm 3 đạo nam tiến. Đến cửa sông Cu Đê  đã bắt được Chế Chí đưa về an trí ở Gia Lâm và phong cho em Chế Chí là Chế Năng tạm thời trông coi việc nước.

Trong cuộc nam chinh của Lê Thánh Tông vào năm 1471, dọc sông Cu Đê là một phòng tuyến quan trọng, cửa sông là một đồn kiên cố của người Chiêm, trấn giữ cả hai mặt thủy bộ từ đèo Hải Vân tràn xuống và theo đường thủy từ vịnh biển Đà Nẵng đổ vào. Ngày 6 tháng Giêng năm 1471, đạo quân tiên phong do tướng Cang Viễn chỉ huy vượt đèo Hải Vân, tập kích vào phòng tuyến Cu Đê  bắt sống được viên tướng giữ trấn là Bồng Nga Sa. Đột phá khẩu được mở tạo điều kiện cho hai đạo quân thủy, bộ cùng ồ ạt tiến vào đất Chiêm. Trận đánh vào tiền đồn của Chiêm trên sông Cu Đê vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm 1471 là trận đánh nhỏ nhưng chiến thắng đó lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là trận đánh mở màn cho một chiến dịch lớn, tạo ra một đột phá khẩu, một bàn đạp để quân Đại Việt thẳng tiến về phương nam, đưa biên giới Đại Việt vào tận đèo Cù Mông và hình thành vững chắc vùng đất Quảng Nam.

Năm 1635, khi Nguyễn Phúc Nguyên mất, Nguyễn Phúc Lan lên kế vị. Nguyễn Phúc Anh lúc này đang là Tổng trấn Quảng Nam muốn tạo phản bèn lập một phòng tuyến dọc sông Cu Đê từ núi ra đến biển để ngăn quân đội từ Phú Xuân vào. Nhờ sự nội ứng của viên Ký lục họ Phạm, quân Nguyễn Phúc Lan mới hạ được lũy Cu Đê của Nguyễn Phúc Anh. Xứ Đàng Trong vì vậy được giữ vững.

Năm 1775, khi quân Trịnh tấn công vào Phú Xuân, chúa Nguyễn Phước Thuần phải chạy vào Quảng Nam đã chọn cửa sông Cu Đê làm chiến lũy để Đông cung Nguyễn Phúc Dương ở lại chống giữ quân Trịnh, còn mình thì cùng hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Gia Định. Khi quân Hoàng Ngũ Phúc tấn công vào đây Hoàng tôn Dương phải bỏ chạy.

Dưới thời nhà Nguyễn bờ nam sông Cu Đê được xây dựng thành một đồn kiên cố nằm trong hệ thống phòng thủ Đà Nẵng gọi là tấn biển Cu Đê. Nói về tấn biển này sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Ở cách huyện Hòa Vang 27 dặm về phía bắc, tức chỗ cửa sông Cu Đê. Cửa lạch rộng 25 trượng thủy triều lên sâu 4 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước. Đầu đời Gia Long đặt một viên Thủ ngữ và thủ dân để tuần phòng ngoài biển, xét hỏi những người đi lại. Năm Ất Mùi, (1775) Duệ Tông chạy vào Gia Định để Đông cung Dương giữ Cu Đê tức là chỗ này; năm Đinh Tỵ (1801) đầu thời Trung hưng, đại quân tiến đánh Đà Nẵng, sai Nguyễn Văn Trương đem binh thuyền đến đây để giữ chỗ hiểm …” (trang 372 - 373).

Trong trận chiến chống Pháp năm 1858, vào ngày 16.1.1860, quân của tướng Nguyễn Thao từ tấn Cu Đê đã hợp cùng quân của Trần Đình Túc (đồn Hóa Ổ) và  Thống chế Nguyễn Trọng Thao (đồn Hải Vân) hai mặt tấn công quân Pháp, khai thông con đường  từ chiến trường Đà Nẵng về kinh đô Huế.

Mỗi bước chân dọc theo con sông hiền hòa này đều ghi dấu tích của tiền nhân vì vậy ngày nay không chỉ cần bảo vệ cho dòng sông không bị ô nhiễm mà còn phải bảo vệ những trầm tích văn hóa lịch sử của nó.

LÊ QUẢNG NAM

LÊ QUẢNG NAM