Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4
1. Có hiệu lực từ ngày 1.4, Thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng. Theo đó, các cơ sở sản xuất vật liệu, khai thác khoáng sản làm vật liệu, sản xuất sản phẩm cơ khí có trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường mỗi năm một lần và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 31.12 hàng năm. Thông tư này cũng quy định, các nhà thầu phải có nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định. Trong trường hợp phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất, xây dựng bị buộc dừng thi công.
2. Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, có hiệu lực từ 15.4, quy định cơ quan, tổ chức và cá nhân (gồm trường học, chung cư, rạp chiếu phim...) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc trong các trường hợp sau: cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC); cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC.
3. Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ 15.4 bổ sung thêm đối tượng được xét tuyển thẳng vào các trường đại học. Theo đó, người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại những kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
4. Có hiệu lực từ 10.4, Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan. Theo đó, tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả. Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thu tiền nhuận bút theo danh mục hội viên, tác phẩm được quy định tại hợp đồng ủy quyền.
T.S (Tổng hợp)