Làn sóng khởi nghiệp tại Đông Nam Á
Khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến sự nở rộ của phong trào khởi nghiệp (start-up), thu hút vốn đầu tư mạo hiểm kỷ lục vào năm ngoái.
Nữ doanh nhân Hooi Ling Tan (trái) và Anthony Tan, đồng sáng lập Grab. Ảnh: Grab |
Trong số các công ty khởi nghiệp thành công nhất của khu vực tính đến thời điểm hiện tại phải kể đến thương hiệu Grab. Đây là công ty công nghệ do hai nhà khởi nghiệp trẻ Hooi Ling Tan và Anthony Tan đồng sáng lập vào năm 2012 tại Malaysia, nhưng có trụ sở chính tại Singapore. Grab hiện trở thành dịch vụ đặt xe công nghệ lớn nhất tại khu vực, bao gồm dịch vụ xe tư nhân, xe máy, taxi và dịch vụ đi chung xe. Grab có mặt tại gần 180 thành phố ở nhiều quốc gia khu vực, trong đó có Việt Nam và hơn 81 triệu lượt tải ứng dụng này cho điện thoại di động. Grab còn lấn sân cả dịch vụ thanh toán trực tuyến và mới đây bắt tay cùng Công ty tín dụng Credit Saison (Nhật bản) chuyên cung cấp các sản phẩm tài chính ở khu vực. Grab được định giá 6 tỷ USD và chính thức trở thành start-up có giá trị lớn nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh tài năng, tinh thần khởi nghiệp, sự hỗ trợ tích cực của các chính phủ ở Đông Nam Á, mạng lưới công nghệ số phát triển, nền kinh tế khu vực phát triển năng động và ổn định, phong trào khởi nghiệp bùng nổ tại khu vực còn nhờ vào những nhân tố thuận lợi khác. Đơn cử, thị trường khu vực với 650 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ và tầng lớp trung lưu phát triển có xu hướng tiêu dùng gia tăng, thúc đẩy thị trường cung cấp hàng hóa và tiêu thụ. Với trình độ học vấn và văn hóa ngày càng cao, những người trẻ có xu hướng bắt đầu các hoạt động kinh doanh một cách độc lập. Kéo theo đó, doanh nhân trẻ và các công ty khởi nghiệp xuất hiện nhiều hơn. Số người sử dụng điện thoại thông minh và truy cập internet phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được cải thiện góp phần không nhỏ vào sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, bao gồm việc thành lập và thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Sự đóng góp của quỹ đầu tư mạo hiểm cũng quyết định đến việc nở rộ phong trào khởi nghiệp, ngược lại qua đó các khởi nghiệp Đông Nam Á cũng chứng minh được ý tưởng và tiềm năng kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư. Trang techinasia.com cho biết, trong năm 2017, Đông Nam Á ghi nhận 335 thương vụ đầu tư thành công, giúp các khởi nghiệp bỏ túi 7,86 tỷ USD, tăng 75% so với một năm trước đó và cao nhất kể từ năm 2013. Các lĩnh vực nhận nhiều vốn nhất chủ yếu là fintech (các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực tài chính bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, vay nợ, gây quỹ, quản lý tài sản, bảo hiểm giúp cung cấp cho người tiêu dùng nhiều dịch vụ tiện ích nhanh chóng và hiện đại) nhận 3,18 tỷ USD, theo sau là thương mại điện tử (2,87 tỷ USD) và sản xuất trò chơi (553 triệu USD). Ngoài Grab, công ty khởi nghiệp Tokopedia (Indonesia), sàn thương mại điện tử kết nối giữa người bán và người mua thông qua nền tảng riêng, nằm trong số các khởi nghiệp nhận được vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm nhiều nhất. Cụ thể là 1,1 tỷ USD từ Alibaba hay sàn thương mại điện tử Lazada, cũng của Indonesia nhận 1 tỷ USD.
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng khởi nghiệp tại khu vực đang cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các chính phủ trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Bao gồm các yếu tố cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hỗ trợ doanh nghiệp trẻ tiềm năng, xây dựng năng lực nội bộ để đẩy mạnh tăng trưởng khởi nghiệp, có tính cạnh tranh cao.
QUỐC HƯNG