Truyền cảm hứng khởi nghiệp, sáng tạo
Qua một năm tổ chức, cuộc thi báo chí viết về “Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo” năm 2017 đã góp phần phát hiện, biểu dương những mô hình khởi nghiệp - sáng tạo tiêu biểu, qua đó gợi mở, truyền cảm hứng và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên các lĩnh vực.
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát động phong trào khởi nghiệp - sáng tạo và chọn lọc, tập hợp các tác phẩm báo chí có chất lượng tham dự cuộc thi báo chí “Những tấm gương khởi nghiệp – sáng tạo”, ngày 27.3.2017, Báo Quảng Nam mở chuyên trang “Khởi nghiệp - sáng tạo” trên báo in và chuyên mục “Khởi nghiệp” trên phụ trang truyền hình online. Một năm qua, chuyên trang “Khởi nghiệp - sáng tạo” trên báo in có hơn 60 trang báo với khoảng 80 tác phẩm báo chí được đăng tải, trong đó có 59 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi báo chí về những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo do UBND tỉnh tổ chức, phát động. Ngoài trang báo định kỳ vào số thứ Hai hằng tuần, trang “Khởi nghiệp - sáng tạo” cũng được đăng tải ở các số báo đặc biệt, tăng tần suất tuyên truyền trên các số báo ngày. Trong khi đó, chuyên mục “Khởi nghiệp” trên phụ trang truyền hình online có dung lượng 2 chương trình/tháng, phát sóng vào thứ Tư tuần thứ 2 và thứ tuần thứ 4 hằng tháng. Tính đến nay, chuyên mục “Khởi nghiệp” trên truyền hình Báo Quảng Nam online đã sản xuất 29 số truyền hình, trong đó có 28 phóng sự dự thi.
Cuộc thi báo chí “Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo năm 2017 do UBND tỉnh chỉ đạo; Báo Quảng Nam, Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam phối hợp tổ chức, trong đó Báo Quảng Nam là Thường trực Ban tổ chức. Cuộc thi kéo dài từ ngày 3.4.2017 đến 28.2.2018. Qua gần một năm tổ chức, có 87 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Ban tổ chức trao 16 giải ở 2 thể loại báo viết và báo hình cho các tác giả, nhóm tác giả. Giải nhất thuộc về tác phẩm “Trai xứ dừa làm du lịch sinh thái” của tác giả Vinh Anh - Song Anh (thể loại báo viết) và phóng sự “Khởi nghiệp với cao chè vằng” của tác giả Phan Vinh - Thu Sương (thể loại báo hình). |
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi báo chí “Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo”, các tác phẩm dự thi đã phản ánh nhiều ý tưởng sáng tạo, mô hình khởi nghiệp có tính khả dụng cao như mô hình khởi nghiệp từ du lịch cộng đồng ở Cẩm Thanh - Hội An, do anh Nguyễn Tuấn Liên làm chủ. Anh Nguyễn Tuấn Liên cũng đã được vinh danh gương “sáng tạo trẻ” của Tỉnh đoàn, có nhiều hoạt động vì cộng đồng. Hoặc sản phẩm máy ấp trứng gia cầm tự động của anh Phạm Văn Linh (Núi Thành) rất ấn tượng, có khả năng tiếp cận tốt thị trường nếu hình thành chuỗi cung ứng. Mô hình làm dịch vụ cung ứng, thiết kế, lắp đặt thiết bị làm “rau cho nhà phố” của Nguyễn Quốc Phong (quê Núi Thành) cũng là ý tưởng khởi nghiệp tốt, tiến triển trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, một số nhân vật khởi nghiệp khác biết tạo lối đi riêng như Võ Khắc Lĩnh (Hội An) chuyên về gỗ mỹ nghệ, tranh 3D, đèn gỗ trang trí; hay mô hình trường mầm non tư thục được đầu tư bài bản ở khu vực đông dân, đô thị của cô giáo ở Duy Xuyên rất cần xiển dương...
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Phó Trưởng ban giám khảo cuộc thi nhận xét: đề tài, thể loại tác phẩm tham dự cuộc thi những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo khá đa dạng; phản ánh các tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo ở nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ mới, dịch vụ, du lịch… Tuy nhiên, mảng đề tài nông nghiệp - nông thôn vẫn là lĩnh vực được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư khai thác nhiều nhất. Nhà báo Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, Trưởng tiểu ban giám khảo báo hình cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp với một địa phương như Quảng Nam khi mà toàn tỉnh có hơn 61% dân số lao động trong ngành nông nghiệp.
Tương tự, 28 tác phẩm truyền hình lọt vào vòng chung khảo cuộc thi “Những tấm gương khởi nghiệp - sáng tạo năm 2017” là 28 mô hình sản xuất, kinh doanh đầy sáng tạo. Đó là chân dung những nông dân, những thanh niên nông thôn nuôi ước mơ, động lực để vươn lên chinh phục khát vọng khởi nghiệp, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Theo nhà báo Nguyễn Kim Sơn, đó là 28 chân dung, mà mỗi người một vẻ, đã được các tác giả khắc họa một cách chân thật, sống động về ý chí, nghị lực, khát khao khởi nghiệp, sáng tạo. Nhà báo Nguyễn Kim Sơn nhận định, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong nông nghiệp theo xu hướng ứng dụng công nghệ lại càng khó hơn, nhưng lĩnh vực này đang dần trở thành một xu hướng mới trên cả nước. Đó là mô hình khởi nghiệp của lương y Nguyễn Viết Vinh ở xã Bình Phú (huyện Thăng Bình) với sản phẩm cao chè vằng, tận dụng nguyên liệu tại địa phương, thay đổi cách chế biến, ông Vinh đã tạo ra một sản phẩm cao chè vằng độc đáo và chỉ trong một thời gian ngắn sản phẩm đã được thị trường đón nhận. Câu chuyện của 5 người trẻ ở Tiên Phước, Phú Ninh, Duy Xuyên, Hiệp Đức được khắc họa trong phóng sự “Hợp tác xã của những cử nhân” được coi là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp Quảng Nam, khi họ mạnh dạn từ bỏ cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp để về quê hương khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và đạt được thành quả khả quan. Mỗi người một cách làm, một sự sáng tạo riêng biệt, độc đáo, nhưng tất cả họ đều gặp nhau ở một điểm chung là vượt qua chính mình, nuôi dưỡng giấc mơ khởi nghiệp, làm giàu ngay trên quê hương mình... “Từng phóng sự có sự đầu tư nhất định cả về nội dung và hình ảnh. Các tác giả đã dành thời gian chăm chút, xử lý từng góc máy, khuôn hình, bố cục, có ý đồ ở khâu tiền kỳ và xử lý hậu kỳ. Nhiều tác phẩm đã thể hiện những nỗ lực, trăn trở đáng ghi nhận, tạo nên sự lan tỏa nhất định cho phong trào khởi nghiệp - sáng tạo của tỉnh” - nhà báo Nguyễn Kim Sơn đánh giá.
CHÂU NỮ - HÀ QUANG