Hỏi ai còn nhớ...
Có những thứ tưởng đã chìm sâu trong ký ức, đến mức như đã mất hút tự lúc nào, chợt một ngày, một người bạn quê Quảng Nam đưa lên fanpage “Tình quê hương Quảng Nam” hình ảnh các thức quà quê, cảm xúc bỗng rủ nhau ùa về. Ai mà chẳng xốn xang, quay quắt với kỷ niệm xưa cũ đó? Một hũ kẹo ú, một chùm sim tím chín mọng, chùm bông dủ dẻ thơm mê hoặc suốt từ chiều vào đêm, mấy trái bứa chua lè mỗi khi ăn phải trợn mắt mà nuốt cả hạt cho bớt cảm giác chua, một đĩa khóm mít trộn, một ổ bánh tổ... hay chỉ là những trò chơi dân gian như chiếc ná thun, cái ống thụt bời lời, bộ nẻ, nhúm sỏi chơi ô làng... Những thứ quá quen thuộc đối với những đứa trẻ thế hệ 6X, 7X - bình dị thôi, mà là niềm vui một thuở, mà giờ đây gợi thương gợi nhớ đến vô cùng...
Học sinh Trường THCS Trần Phú (Phú Ninh) với ngày hội trò chơi dân gian. Ảnh: D.T |
Kẹo ú. Với ai không biết, chứ riêng tôi, tin rằng câu nói “mừng như mẹ đi chợ về” bắt nguồn từ những viên kẹo ú vàng sẫm được “mặc áo” là lớp bột sắn trắng tinh. Là bởi, mỗi khi mẹ đi chợ về, trong giỏ xách thể nào cũng có vài chiếc kẹo ú gói trong lá chuối. Có khi mẹ đi chợ xa, trưa mới về đến nhà, thì kẹo đã chảy nước. Nhưng không sao, kẹo ú vẫn là món ăn “thần thánh” của tuổi thơ. Vị đường đăng đắng, hăng hắc mà thơm ngon ngọt ngào như tình mẹ. Hay như hình ảnh bác bán cà rem gầy gò bên chiếc xe đạp cũ kỹ, chung quanh là lũ trẻ cầm dép nhựa đứt quai, chai lọ, sắt vụn (nhiều khi là mảnh bom, vỏ đạn...) để đổi lấy những cây kém mát lạnh. Có ai đã từng mong dép đứt để được đổi cà rem? Có ai chỉ dám mút sẽ sàng từng chút một chứ không dám cắn, vì sợ cây kem nhanh hết, như tôi đã từng? Có khi cả nhóm con nít chúng tôi mút chung một cây cà rem, mắt đứa nào cũng vừa thòm thèm, vừa “cảnh giác” vì sợ có đứa tham lam cố tình cắn mất một góc que kem... Giờ gặp lại ảnh hình quen thuộc một thuở, mới hay vị kem ngọt ngào mát lạnh ngày ấy đến bây giờ vẫn chưa tan trong tâm hồn...
Bạn tôi, bất chợt một hôm thấy mẹt bánh nổ “chính hiệu” Quảng Nam (phải nói như vậy, là bởi Quảng Ngãi, Bình Định... cũng có bánh nổ, nhưng bánh nổ Quảng Nam có đặc trưng, cách làm khác, mẫu mã cũng khác) chễm chệ trên vỉa hè Sài Gòn, liền xuống xe để mua. “Lâu lắm rồi mới thấy lại bánh nổ. Mà chưa ăn vội. Để ngắm. Để nhớ cái thời các mẹ ra đầu làng nổi lò rang nổ. Rồi đám con nít về nhà phụ lượm vỏ trấu. Cái mùi gừng và nước đường. Âm thanh gõ gõ cho bánh nổ rớt khỏi khuôn, quên sao được!” - bạn giãi bày trên facebook.
Chưa hết, còn nhiều món toàn là thức dân dã: này là khóm mít chấm muối ớt hay khóm mít trộn; này chén mắm cá cơm nguyên con dằm ớt; này là rổ khoai, rổ sắn luộc..., chỉ là hình ảnh thôi, mà gợi nhớ vô cùng. Và cả những lời bình nữa, khá nhiều. Những câu, những chữ như ồ lên, như bật ra trong sự thích thú, ngạc nhiên, sung sướng... như gặp lại người thân xa cách mấy chục năm. Người Quảng xa quê thấy bánh tổ, reo vui xen lẫn tự hào: “A, bánh tổ, chỉ có quê mình mới có”. Nhìn chén khóm mít, thì: “Ôi, ngon hết sẩy!” hoặc là: “Mắm cá cơm nguyên con, trời lạnh ăn món ni với cơm nóng thì ngon hết chỗ chê”. Đại khái như rứa...
Chưa hết mơ màng với những món ăn, lại bắt gặp ảnh hình bọn trẻ ngồi chơi ô làng (ô ăn quan). Để rồi ký ức về bao nhiêu trò chơi khác nữa cứ xúm xít kéo về: bắn bi, nhảy dây, ná thun, bịt mắt bắt dê, trốn tìm, u mọi, chơi chuyền, ống thụt... Ví như chỉ với những chiếc dây thun thôi (mà hồi đó dây thun cũng là xa xỉ lắm), đám trẻ con cùng chơi nhảy dây, búng thun, làm ná... Quên sao được những trưa hè trốn ngủ, hay những đêm trăng cùng lũ bạn chơi trốn tìm. Lũ trẻ trong xóm tôi còn có những trò tinh nghịch như trèo rào hái trộm trái cây nhà hàng xóm, bị chó rượt chạy “có cờ”. Chơi chán, rủ nhau ùa ra sông vẫy vùng. Giờ nhớ lại mới thấy đúng là “tuổi thơ dữ dội”. Và lại mơ màng: “Bao giờ cho đến... ngày xưa”.
CHÂU NỮ