Trở lại Vĩnh Thành
Dù đã được giải tỏa di dời đến nơi ở mới, nhưng những năm qua, người dân tại “ốc đảo” Vĩnh Thành (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) vẫn ngày ngày quay về chốn cũ để mưu sinh, thậm chí có người còn chấp nhận khó khăn mà ở hẳn nơi đây. Quê hương đã thấm sâu vào máu thịt khiến họ không thể rời mảnh đất này.
Phía trước hàng cau già là căn nhà cũ kỹ của những người trở lại Vĩnh Thành sinh sống sau di dời. Ảnh: PHAN VINH |
1. Chúng tôi trở lại “ốc đảo” Vĩnh Thành ngày tháng Giêng. Những ngôi nhà cũ kỹ nằm lúp xúp sau hàng cau già cỗi, bao phủ bởi những đám bắp, đám đậu... Sau gần 8 năm, “ốc đảo” một thời đông đúc dân cư nay đã trở thành cánh đồng lớn canh tác hoa màu. Ngày đó, tại nơi đây đã diễn ra “cuộc đi” lớn, với hơn 100 hộ dân được di dời tái định cư vào đất liền, phân rã ra các khu dân cư mới ở Cẩm Kim, Thanh Hà và Cẩm Hà. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Nguyễn Văn Nhiều (67 tuổi, khối phố Trảng Sỏi, phường Thanh Hà) kể, khi quyết định di dời được thi hành, người trong thôn một nửa rạo rực về nơi ở mới, một nửa lại lưu luyến không nỡ rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nhưng là chủ trương chung, phải di dời ra khỏi vùng sạt lở, vùng nguy hiểm khi có mưa bão, nên người người, nhà nhà thu dọn tài sản về khu tái định cư. Gia đình ông Nhiều được bố trí tái định cư về phường Thanh Hà, căn nhà mới dựng lên nhưng ông chỉ ở với con cái được 4 tháng. “Ở nơi mới không quen, sáng tối đi ra đi vô không biết làm chi, tôi cảm thấy vô cùng bức bối. Sau khi bàn với con cháu, tôi và bà nhà quyết định về lại căn nhà cũ ở “ốc đảo” này, lợp vài tấm tôn mà ở, rồi trồng cây bắp, cây đậu cho tay chân đỡ buồn chán, thoải mái tinh thần và kiếm thêm ít thu nhập” - ông Nhiều chia sẻ.
“Khó khăn vậy nhưng vẫn ở thôi, ở để mưu sinh. Và chừ có đi đâu cũng sống không được, quen chốn cũ rồi. Ở cái chỗ đã gắn bó hơn nửa đời người, bỏ đi là một điều không hề dễ dàng”. (Bà Lê Thị Chưa, 65 tuổi, tâm sự) |
Từ đó, ông Nhiều ở luôn tại ốc đảo, hiếm khi qua lại bên kia sông. Chỉ có người vợ hay qua về để đi chợ mua mắm muối. Về lại chốn cũ, vợ chồng ông Nhiều trồng bắp nếp, đậu phụng và cỏ nuôi 7 con bò trên gần 2 mẫu đất. Ông nhẩm tính, với chừng đó đất canh tác cộng thêm chăn nuôi bò, mỗi năm cũng thu về hơn 150 triệu đồng, khoản tiền khá lớn, nếu ở nơi tái định cư suốt ngày đi ra đi vô chẳng làm gì ra tiền. Ở Vĩnh Thành hiện có đến 15 hộ đang canh tác trên tổng diện tích 19ha, đều là những người sau khi di dời về khu tái định cư đã quay lại nơi ở cũ để sản xuất, có người ở hẳn như vợ chồng ông Nhiều, có người đi đi về về mỗi ngày. Ông Nguyễn Ánh (53 tuổi, thôn Đông Vĩnh, xã Cẩm Kim) ngày ngày vẫn đi đi về về nơi đây, chia sẻ: “Nhà nước đã quan tâm bố trí cho dân làng chúng tôi nơi ở mới an toàn. Nhưng chỉ những ai lâu nay tích góp được tiền của mới có điều kiện chuyển sang kinh doanh, buôn bán; còn chúng tôi không có vốn nên đành quay về đây bám víu lấy mảnh vườn cũ để làm lụng trang trải cuộc sống”.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhiều với bữa cơm đạm bạc ở làng cũ. Ảnh: PHAN VINH |
2. Đưa chúng tôi đi gặp một vài người nữa trên “ốc đảo” này, ông Ánh chỉ tay xuống con đường đất nhưng lại bảo là đường bê tông. Quả thật, đi được một đoạn, đến chỗ có nước chảy qua, phần đất bị trôi đi, lộ ra lớp bê tông bên dưới. Ông Ánh giải thích, đường trước đây rộng 2,5m nhưng nay chỉ còn lối đi nhỏ, cỏ mọc um tùm bởi chẳng ai phát quang, dọn dẹp sau mỗi đợt lũ lụt bồi lấp. Người ta ra đây, làm xong rồi về; chỉ khoảng 6 hộ dân với gần 20 người ở lại thường xuyên như vợ chồng ông Nhiều không đủ sức để vệ sinh đường sá thông thoáng như trước. Họ sống chính ở đây nhưng cứ như kiểu sống tạm bợ. Bà Lê Thị Chưa (65 tuổi) có nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi ở khối phố Trảng Sỏi, phường Thanh Hà nhưng lại để cho con ở rồi dọn về Vĩnh Thành, dựng căn nhà lụp xụp để sống cùng với chồng và người mẹ già. Trong nhà chỉ có chiếc nồi cơm điện, 1 bóng đèn và cái máy bơm nước để tưới cây. Bà Chưa về đây canh tác trên diện tích 3.500m2, thu nhập đủ trang trải cơm áo qua ngày nếu được mùa. Còn năm nào lụt ngập lâu, cây cối chết thì coi như trắng tay. Như 3 giàn thiên lý bà chăm sóc hơn 3 năm đã chết khô sau đợt lụt hồi cuối năm 2017.
“Việc di dời các hộ dân ở thôn Vĩnh Thành cũ ra khỏi vùng sạt lở và nguy hiểm vào mùa mưa bão trong nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực. Trên phần diện tích cũ, nhiều người dân vẫn còn canh tác hoa màu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, vào mùa mưa lũ chúng tôi thường xuyên cắt cử cán bộ túc trực theo dõi, yêu cầu người dân di chuyển người và tài sản vào đất liền. Đối với những hộ không chấp hành, chúng tôi sẵn sàng tiến hành cưỡng chế để tránh những mất mát do thiên tai”. (Ông Phan Trọng Nhân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim) |
Những hộ sống ở Vĩnh Thành còn chấp nhận khó khăn nữa là khi đau ốm bệnh tật mà cách trở sông nước. Phần lớn họ là những người lớn tuổi, chuyện ốm đau đến bất thình lình, mỗi lúc như vậy phải nhờ chiếc ghe máy duy nhất của một người sống ở đây đưa sang sông rồi chuyển đến bệnh viện. Nhưng chuyện nhờ vả, nhiều lúc cũng khó có thể kịp thời. Ông Ánh cho biết thêm, ngoài những khốn khó đó ra, người dân ở lại “ốc đảo” còn chịu cảnh sống một năm chỉ được sử dụng điện khoảng 6 tháng mùa nắng, còn mùa mưa bão, đơn vị cung cấp điện tạm ngưng đưa điện qua Vĩnh Thành để đảm bảo an toàn. Sống cách trở, không điện, người dân “ốc đảo” quay về thời cũ, nấu cơm bằng bếp củi, tối lại phải chong đèn dầu. “Khó khăn vậy nhưng vẫn ở thôi, ở để mưu sinh. Và chừ có đi đâu cũng sống không được, quen chốn cũ rồi. Ở cái chỗ đã gắn bó hơn nửa đời người, bỏ đi là một điều không hề dễ dàng” - bà Chưa tâm sự.
3. Theo bước ông Ánh, chúng tôi đến dãy nhà không mái nằm liền kề nhau. Nhà đã bỏ hoang, có cái được người dân lợp tạm vài tấm tôn hỏng rồi rào lại để nuôi bò. Nhìn những căn nhà bề thế gạch móng, sau nhiều năm vắng chủ vẫn đứng vững qua các đợt bão lụt, ông Ánh và nhiều người không khỏi xót lòng, tiếc nuối. Như căn nhà của ông Nhiều, vừa mới xây dựng được 2 năm, tốn 16 cây vàng đã phải tháo dỡ mái ngói để chuyển đến nhà mới. Lúc rời đi, ông Nhiều không cầm được nước mắt. Tuy nhiên, sau một thời gian dọn về nơi ở mới, điều mà người dân ở Vĩnh Thành tiếc nuối nhất là tình làng nghĩa xóm từ xưa đến nay. Hơn 100 hộ dân ở “ốc đảo” nay rã ra 3 nơi xa cách. Những người từng là hàng xóm, tình cảm khăng khít mà nay không còn được gần nhau. Ông Nhiều kể: “Lắm lúc nhớ mấy ông bạn quá, tôi lại chèo ghe qua bên kia sông, đi thăm hết nhà này tới nhà khác. Gặp chỉ để uống trà nói chuyện xưa cho khuây tình làng nghĩa xóm cũ”.
Nỗi niềm của ông Nhiều cũng là của hầu hết người dân thôn Vĩnh Thành cũ. Bởi vậy, sau khi ổn định ở khu dân cư mới được hơn 2 năm, họ bắt đầu liên lạc kết nối với nhau thành lập Hội đồng hương Vĩnh Thành. Mỗi dịp mùng 10 tháng Giêng hằng năm, hội đồng hương tổ chức gặp mặt để cùng giao lưu, ôn lại chuyện cũ. Ông Ánh được người dân bầu làm trưởng ban liên lạc xóm Vĩnh Thành, chủ công kết nối mọi người về gặp mặt. Ngoài ra, vào ngày 18.2 âm lịch hằng năm, ông Ánh còn lo việc cúng miếu Vĩnh Thành ở đất cũ, dịp này người làng đưa con cháu về lại “ốc đảo” để dự lễ. “Mỗi năm 2 lần dân Vĩnh Thành gặp lại nhau. Họ trở về cùng con cháu. Có những đứa trẻ không sinh ra và lớn lên ở đây nhưng ông bà, cha mẹ chúng luôn nhắc nhớ để dù có đi đâu, cũng không được quên gốc gác tổ tiên. Đa số người Vĩnh Thành đã có cuộc sống ổn định ở đất mới, nhưng ngày trở lại làng cũ, họ vẫn là hàng xóm nghĩa tình của nhau, như chưa hề có cuộc chia ly!” - ông Ánh nói.
Ghi chép của PHAN VINH - VĂN TRUNG