Đô thị và văn hóa giao thông

HẠNH NGUYÊN TRANG 04/03/2018 11:31

Tôi đến xứ sở chùa vàng, rồi ngỡ ngàng với hệ thống đường sá hiện đại và văn hóa giao thông ở đây.

Tàu điện ngầm ở Bangkok.
Tàu điện ngầm ở Bangkok.

Giao thông ở Thái

Lần đầu tiên đặt chân đến Thái Lan, điều khiến tôi ngỡ ngàng hơn cả chính là đường sá, xe cộ và những tòa nhà cao chọc trời. Khắp các đại lộ lúc nào cũng ngập tràn ô tô đủ kích thước, chủng loại và màu sắc. Đặc biệt, trên đường phố nơi đây còn có các loại xe bán tải chuyên dùng để chở người và hàng hóa chạy như mắc cửi. Thành phố Bangkok yêu chiều khách đến nỗi chẳng hề có quá nhiều tiếng còi xe inh ỏi, nhức tai dù là khi đường vắng hay đang giờ cao điểm.

Tương tự như Việt Nam, phương tiện lưu thông chính ở Thái Lan cũng là xe máy và ô tô. Tuy nhiên, đó chủ yếu là đối với người dân Thái. Còn với khách du lịch, tàu điện trên cao (BTS), tàu điện ngầm (MRT) hay tuk tuk là các phương tiện chính. BTS và MRT là hai phương tiện được khuyên nên sử dụng nhiều nhất ở Bangkok bởi sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng và không sợ tắc đường. Các phương tiện hiện đại này lại rất phổ biến và thuận tiện, cứ khoảng 5 phút sẽ có một chuyến nên nhiều người thường ưu tiên sử dụng dù chi phí hơi cao, dao động khoảng 14 đến 56 bath tùy chặng. Nếu BTS hay MRT là biểu tượng của Bangkok thì có thể nói, tuk tuk làm nên nét chấm phá đặc sắc. Một chút nhốn nháo của đường phố, một chút trải nghiệm “cảm giác mạnh” như những thước phim hành động thường thấy trên màn ảnh chắc chắn sẽ khiến du khách không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn của xe tuk tuk. Thành thật mà nói, tuk tuk, taxi hay xe ôm… đều xứng đáng được liệt vào danh sách nên thử khi tới Thái Lan, nhưng để tiết kiệm chi phí, hãy chỉ nên sử dụng khi du lịch theo nhóm, càng đông… càng dễ chia sẻ chi phí.

Bangkok nổi tiếng là thành phố kẹt xe, có khi kéo dài từ 2 đến 4 tiếng. Nhưng những chiếc xe cứ thế nối đuôi nhau từng dòng một, không ai vội vàng hấp tấp chen lấn. Một điểm nữa làm nên sự khác biệt trong văn hóa giao thông ở Thái Lan chính sự nhường nhịn lẫn nhau: khi có người qua đường, đặc biệt là khách du lịch, người điều khiển phương tiện rất vui vẻ dừng lại chờ du khách qua đường xong xuôi rồi mới tiếp tục hành trình. Tính lịch sự, thái độ tôn trọng người khác là hai đức tính nổi bật đáng ngưỡng mộ của người dân Thái. Có thể nói, đất nước chùa vàng không chỉ quy mô, hiện đại trong lối thiết kế hệ thống đường sá mà còn cực kỳ văn minh trong cả tư duy và văn hóa tham gia giao thông của người dân cả nước.

Nhìn lại văn hóa giao thông ở Việt Nam

Cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông nước ta là vấn đề “nan giải”. Số lượng xe máy cá nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất, sau đó là ô tô và các phương tiện công cộng khác như xe buýt, xe chuyên chở hàng hóa, con người… Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng..., lưu lượng tham gia giao thông vô cùng lớn nhưng lại quá lộn xộn nếu so với những nơi như Bangkok, Chiang Mai ở Thái Lan. Nhiều tuyến đường không hề nhỏ hay hẹp hay khó di chuyển nhưng lúc nào cũng bị “ám ảnh” bởi tắc đường, còi xe và khói bụi. Người tham gia giao thông chen chúc, tranh nhau từng mét đường, thậm chí còn lấn làn, bật đèn pha trong phố, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm… mỗi khi có “cơ hội”. Dẫu hệ thống đường sá, xe cộ nước ta chưa thật sự tiến bộ như nhiều quốc gia phát triển khác nhưng phải thừa nhận một điều, ý thức tham gia giao thông của người dân còn yếu kém ở nhiều mặt, có lẽ đó mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự lộn xộn trên đường phố.

Giao thông ở Sài Gòn.
Giao thông ở Sài Gòn.

Nếu ở Thái Lan hiếm khi nhìn thấy hình bóng cảnh sát giao thông trên đường phố bình thường và đường cao tốc, thì ở Việt Nam, vẫn cần rất nhiều người để điều khiển và kiểm soát giao thông. Bởi vì xe máy là phương tiện lưu thông chính mà việc kiểm tra giấy tờ, bằng lái không được gắt gao nên những trẻ em chưa đủ tuổi vẫn có thể lái xe là chuyện khá phổ biến. Mật độ xe lưu thông cao, nhiều công trình đang triển khai thi công, bố trí giao thông không hợp lý, xe buýt lạm dụng quyền ưu tiên là những nguyên nhân khiến cho bức tranh giao thông thành phố xấu hơn. Mỗi ngày trôi qua trên các trang báo vẫn còn những cái chết và nhan nhản những vụ ẩu đả mà xuất phát điểm chỉ vì vài điều nhỏ nhặt khi tham gia giao thông như: bíp còi quá to, va quẹt và đụng chạm trên đường phố… Thay vì lời cảm ơn, xin lỗi đơn giản để hóa giải thì một số người lại có xu hướng sử dụng bạo lực để xử lý. Bây giờ nhiều khi ra đường không chỉ nhìn ngang ngó dọc các phương tiện không thôi mà còn phải bận tâm đến cả “sắc mặt” của người đi đường nữa kìa!

Người ta thường nói, giao thông là bộ mặt văn hóa của một đất nước, đô thị là nơi biểu hiện rõ nhất trình độ văn hóa của nhân dân, trình độ của các nhà quản lý. Bao giờ thì những bất cập trong văn hóa giao thông ở Việt Nam sẽ được giải quyết triệt để?

HẠNH NGUYÊN TRANG

HẠNH NGUYÊN TRANG