Loay hoay tìm đất sắp xếp dân cư

HỮU PHÚC 02/03/2018 14:47

Nghị quyết của HĐND tỉnh về sắp xếp, ổn định dân cư khu vực miền núi như “chiếc phao” giúp người dân thoát khỏi vùng thiên tai nguy hiểm; là cơ hội  sắp xếp lại không gian sống, phát triển kinh tế, giảm đói nghèo. Tuy nhiên, nhiều xã ở huyện Phước Sơn vẫn đang lúng túng trong việc tìm đất tái định cư an toàn và bền vững.

Nhiều xã vùng cao của huyện Phước Sơn thực hiện sắp xếp dân cư chậm tiến độ do người dân chưa được giải ngân cơ chế hỗ trợ của Nhà nước kịp thời. Ảnh: H.P
Nhiều xã vùng cao của huyện Phước Sơn thực hiện sắp xếp dân cư chậm tiến độ do người dân chưa được giải ngân cơ chế hỗ trợ của Nhà nước kịp thời. Ảnh: H.P

Hạn chế nguồn lực

Nghị quyết 12/NQ-HĐND ban hành năm 2017 của HĐND tỉnh là chính sách dẫn đường cho cuộc tổng sắp xếp dân cư quy mô ở các địa phương miền núi. Tại huyện Phước Sơn, sau các trận lở đất diễn ra hồi gần cuối năm ngoái đã đặt ra nhiều thách thức để giải quyết rốt ráo câu chuyện an cư gắn với sinh kế lâu dài.

Sau khi làng cũ sạt lở đất nặng, đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 5A xã Phước Lộc chuyển về làng mới sinh sống. Tuy vừa đón một cái tết đủ ăn, đủ ấm nhưng bà con vẫn còn bao khó khăn chồng chất ở nơi định cư mới. Để có chỗ ở tạm thời, cách đây hơn vài tháng người dân xây nhà tạm tại nơi ở mới. Thời điểm trước Tết Mậu Tuất 2018, do mưa rét kéo dài, địa hình đồi núi phức tạp, xã Phước Lộc thực hiện giải pháp tình thế chọn địa bàn cao ráo để người dân đến dựng nhà bằng tiền hỗ trợ của Nhà nước. Còn phương án tái định cư tập trung phải chờ đợi thêm thời gian. Ở một số xã vùng cao của huyện, thực tế trước đây đã có nhiều mô hình tái định cư tập trung rất thành công về kết hợp giữa tạo sinh kế bền vững gắn liền với định canh, định cư. Ngôi làng mới ở thôn 1A xã Phước Thành có tổng diện tích hơn 2,5ha đã được Nhà nước đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi thiết yếu cho hơn 45 hộ đồng bào sinh sống ở những khu vực thường xuyên có nguy cơ bị sạt lở đất trong mùa mưa đến định cư lâu dài. Tính ưu việt của làng mới là chính quyền địa phương bố trí đất ở nằm ở khu vực thuận lợi với giao thông đi lại, giao đất sản xuất, khoán rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng cho đồng bào. Số hộ nằm trong vùng sạt lở chuyển đến đây đều rất hài lòng do làng mới gần làng cũ,  điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để phát triển kinh tế vườn rừng, trang trại. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ về khai hoang đất sản xuất, phát triển sinh kế bền vững đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, từng bước tiến tới giảm nghèo.

Thiếu quỹ đất ở

Nguồn lực đầu tư có hạn, cộng với thiếu mặt bằng sắp xếp dân cư nên chính quyền huyện Phước Sơn đã triển khai Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh không đạt kế hoạch đề ra. Năm 2017, theo kế hoạch huyện di dời, bố trí ổn định 300 hộ dân  trong vùng sạt lở thì chỉ mới thực hiện 89 hộ, chủ yếu bằng hình thức xen ghép. Năm nay, ngân sách giải ngân hỗ trợ cho 11 hộ di chuyển nhà với kinh phí gần 600 triệu đồng, còn lại hơn 3,8 tỷ đồng vẫn đang làm thủ tục giải ngân cho 88 hộ thuộc diện hỗ trợ di dời nhà. Hầu hết tiền hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách sắp xếp dân cư được tập trung vào việc hỗ trợ di chuyển nhà ở, san lấp nền nhà, hỗ trợ đầu tư công trình nước sinh hoạt, điện, đường dân sinh, đất sản xuất và đất ở. Năm qua, hạng mục hỗ trợ đất ở nhiều nơi ở Phước Sơn không giải ngân được do địa phương không có quỹ đất bố trí đất ở.

Năm 2018, theo kế hoạch, Phước Sơn sẽ bố trí sắp xếp lại dân cư cho 439 hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng. Theo quy định, diện tích đất ở bố trí cho mỗi hộ tối thiểu 200m2, nhưng ở các xã như Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc phần lớn không đủ diện tích đất bố trí. Đề cập vướng mắc triển khai Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - ông Nguyễn Quảng cho rằng, thiếu mặt bằng đất ở, vùng núi cao có độ dốc lớn, địa chất - địa hình phức tạp… là các nguyên nhân gây cản trở tiến độ sắp xếp dân cư. “Bên cạnh đó, phong tục tập quán của đồng bào cũng ảnh hưởng đến quy hoạch bố trí như vùng đất có chôn người chết, nơi sét đánh, đất ở cũ… thì không làm nhà ở” - ông Quảng cho biết thêm.

Theo chính quyền huyện Phước Sơn, Nghị quyết 12 mới đưa vào thực hiện nên các xã còn lúng túng trong khâu thanh toán hỗ trợ. Do ảnh hưởng mùa mưa bão năm ngoái dẫn đến chậm trễ tiến độ, đơn cử như một số hạng mục không triển khai kịp như làm đường dân sinh, đào giếng. Các xã vùng cao hầu hết chậm trễ trong lập hồ sơ rà soát quy hoạch, thiếu hướng dẫn kiểm tra thực hiện hộ di dời, làm nhà và nghiệm thu thanh toán hỗ trợ chính sách kịp thời cho người dân. “Địa phương kiến nghị cho điều chỉnh kinh phí hỗ trợ những hạng mục không thực hiện được như đất ở và các hạng mục hỗ trợ khác còn thừa của năm 2017 sang năm 2018 để hỗ trợ di chuyển nhà, tạo nền nhà. Điều chỉnh quy định diện tích đất ở tối thiểu 150m2/hộ để phù hợp với điều kiện thực tế” - ông Quảng nói.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC