Đấu thầu

CBL 02/03/2018 09:12

Quảng Nam “quên” báo cáo nhiều vi phạm trong đấu thầu là thông tin đáng chú ý trên báo Đấu thầu, hôm qua tiếp tục được báo Pháp luật dẫn lại.

Nhiều người bán, lợi người mua. Đó là cái lý căn bản của kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh. Nó ngược hẳn với kiểu kinh tế mậu dịch đã một thời neo chặt đất nước trong nghèo nàn lạc hậu.

Vậy mà thông tin về việc mời thầu, chỉ định thầu ở tỉnh nhà năm qua, thể hiện qua “Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2017” của Sở KH&ĐT, theo các báo, chưa thấy làm rõ những mặt hạn chế, thậm chí trái pháp luật trong hoạt động đấu thầu tại một số dự án trên địa bàn tỉnh mà báo chí đã phát hiện, phản ánh. Nghĩa là đây đó vẫn còn tình trạng triệt tiêu cạnh tranh, bất chấp các quy định của luật về đấu thầu công khai, minh bạch.

Thông tin về người trúng thầu không được công bố theo quy định. Ém hồ sơ dự thầu gây khó cho các nhà thầu muốn tham gia… Những dấu hiệu thiếu minh bạch trong hoạt động đấu thầu như vậy, nếu không được minh giải sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường đầu tư, đến chất lượng các dự án và việc sử dụng có hiệu quả tiền thuế của nhân dân? Đều là những việc cần làm rõ.

Kể ra thì tình trạng thiếu minh bạch trong hoạt động đấu thầu các dự án công, lâu nay đã thành một tập quán bất thành văn, ở địa phương nào cũng có chứ không riêng Quảng Nam. Tình trạng đó quen thuộc đến mức cộng đồng doanh nghiệp hầu như đã chấp nhận nó như một thực tế không thể thay đổi. Và thay vì nghiên cứu để tối ưu hóa giải pháp, nâng tầm chất lượng hàng hóa, cạnh tranh về giá cả…, các doanh nghiệp lại tìm kiếm, nuôi dưỡng các mối quan hệ “khó định nghĩa” với các cơ quan công quyền, coi đó như sự bảo đảm tốt nhất để trúng những gói thầu mong muốn. Tập quán đó lại thêm lần nữa làm méo mó môi trường kinh doanh, rời xa các tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường lành mạnh.

Người ta ra chợ, ai cũng mong có nhiều hàng hóa, nhiều người bán, để lựa chọn cho mình được thứ ưng ý nhất, hợp với túi tiền. Chẳng ai mong mỗi thứ hàng chỉ một người bán, đắt rẻ tốt xấu xin tùy hảo tâm của kẻ bán hàng cả. Sự cạnh tranh rộng rãi luôn mang đến lợi ích kép cho người tiêu dùng: tha hồ lựa chọn, và bắt buộc người bán phải cam kết chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất nếu không muốn bị tẩy chay.

Cho dù số lượng các dự án được dư luận phản ánh, khiếu kiện về những mập mờ, khuất tất trong hoạt động đấu thầu năm qua không nhiều, nhưng rõ ràng, nếu những sai phạm không được chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, công tác đấu thầu thiếu minh bạch sẽ khiến những tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, quản lý dự án đầu tư vẫn còn tiếp diễn.

CBL

CBL