Mơ đổi đời trên cát

Ký sự NHẬT PHONG 19/02/2018 19:28

Người ta vẫn không thôi nói về chuyện sau 15 năm Chu Lai được gì, nhưng có một sự thật là nhiều nhà máy mọc lên như bến đỗ yên bình cho bao mảnh đời gieo khát vọng đổi thay.

Lượng lao động thu hút vào các nhà máy ở Chu Lai ngày càng đông. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Lượng lao động thu hút vào các nhà máy ở Chu Lai ngày càng đông. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Hồi sinh

Những ngôi nhà nửa phố, nửa quê thị tứ Tam Anh (Núi Thành) bị đẩy lùi về phía bờ sông Trạm, nhường chỗ cho những ngôi nhà mang dáng vẻ đô thị mọc lên. Đêm đêm, những vệt sáng choang trong các cửa hàng, cửa hiệu. Khó mấy ai biết được đâu là làng quê cát, đâu là phố. Nhiều người đã đoạn tuyệt nghề nông trên những mảnh ruộng chua phèn lấp ló sau những cồn cát, hay những vuông tôm bấp bênh để trở thành công nhân trong các nhà máy. Cách Tam Anh một quãng đường ven quốc lộ 1, ô tô chở hàng hóa, nguyên phụ liệu cuốn bụi mù, vào ra cảng Tam Hiệp. Tàu cập, rời cảng kéo những hồi còi dài, bỏ lại hàng trăm container chất đầy trên mặt cảng.

"Chu Lai chưa bao giờ thực sự được trao quyền để thử nghiệm chính sách, trái lại bị ràng buộc bởi một mạng lưới chằng chịt các quy định hiện hành cũng như sự can thiệp quá sâu của các bộ, ngành trung ương."(Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai)

Không khí ấy không lạ gì với những đứa trẻ vừa kịp lớn lên trên miền cát, nhưng với người cũ là một câu chuyện “thần kỳ”. Ba mươi năm trước, quân nhân trẻ Phạm Thanh Sang từ đất Đà thành đồn trú tại Chu Lai đã quyết định neo đời mình trên xứ cát vì một chữ “duyên” với cô gái bên bờ sông Trạm. Ký ức chưa xa của Sang qua trảng Bà Mù mênh mông cát về Tam Anh mỗi cuối tuần vẫn còn rờn rợn. Xứ ấy, khá nhiều người sống “trễ nải” bên những ngôi nhà cũ kỹ. Những năm tháng ấy, bao nhiêu người đàn ông trú ẩn, quăng quật đời mình trên những vuông tôm. Mới thấy bóng người qua đã mất hút. Số đông người chỉ chực chờ lên đường tha hương vì không biết làm gì trên những nổng cát đầy nắng, gió khô khốc...

Thế mà bây giờ xứ cát ấy, vẫn những con người ấy hình như đang rùng rùng chuyển động. Con số 86/136 dự án đầu tư đang hoạt động với vốn thực hiện hơn 1,1 tỷ USD là những gì có được của Khu kinh tế mở Chu Lai sau 15 năm. Thống kê ấy trở nên vô nghĩa nếu không nhìn đến tổng thu ngân sách 12.104 tỷ đồng năm 2017 và gần 24.000 người lao động có mặt trong các nhà máy mọc lên trên vùng cát lâu nay. Người miền cát có chỗ để bấu víu, để mơ giấc mơ đổi đời không còn là chuyện lạ. Chị Phạm Thị Kim Lan (công nhân nhà máy ghế Autocom) nói Thaco chính là ngôi nhà thứ hai của mình. Nếu không làm công nhân, rất khó để đứa con gái của gia đình chài lưới đông con có thể cùng chồng dựng nên một cơ ngơi khang trang ở khối II, thị trấn Núi Thành như hiện tại.

Chờ đợi và hy vọng

Khu kinh tế mang tính địa phương

Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng có lúc mô hình khu kinh tế mở tưởng chừng đã đóng lại bằng hai từ “thất bại” khi phải tự làm, tự xin cơ chế… Thành công bước đầu đã đến sau quá trình mò mẫm tìm ra lối đi không giống ai, chẳng giống mô hình nào. Chìa khóa thành công chính là chính quyền đồng hành,  “vướng đâu, gỡ đó” cho doanh nghiệp, không sử dụng “quyền lực” quản lý nhà nước. Cho đến nay, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư dành cho Khu kinh tế mở Chu Lai chỉ được áp dụng những điểm cao nhất của pháp luật Việt Nam về ưu đãi đầu tư như đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nếu không có khu kinh tế mở thì khu vực này vẫn được thụ hưởng quyền lợi này. Hệ thống cơ chế, chính sách chưa tạo đột phá và chưa thể hiện được tính “mở” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tất cả chỉ được áp dụng bằng nghị định, bị khống chế bởi các luật chuyên ngành, chưa đủ sức cạnh tranh ở cấp khu vực và quốc tế.

Sự phát triển trong gần 15 năm qua thực tế hoàn toàn mang tính địa phương. Thực chất của khu kinh tế mở này vẫn là kiểu khu kinh tế địa phương, không theo được dự định ban đầu là mang tầm quốc tế, được áp dụng các luật chơi quốc tế. Chu Lai từng kỳ vọng khu phi thuế quan gắn cảng Kỳ Hà, nhưng thiếu thị trường, tìm không ra nhà đầu tư nên dù có quy hoạch vẫn vậy. Nếu sân bay, có dự án khí điện và đô thị phát triển thì quy hoạch này sẽ được điều chỉnh qua logistics hàng không. Cùng với sân bay, cảng biển, trong quy hoạch sẽ có sân golf, casino... Chu Lai được cho là khá hấp dẫn với các nhà đầu tư tương lai.

Chu Lai cuối năm. Nắng vẫn lạnh. Thi thoảng tiếng phi cơ gầm rú trên phi đạo. Mỗi ngày có 8 chuyến bay lên xuống mở bầu trời về hai phía và 80% hành khách đến từ Quảng Ngãi. Con đường xuống biển cảng Kỳ Hà thưa vắng. Trong hàng rào phi trường Chu Lai, còn nguyên những máy xúc titan của doanh nghiệp nào đó bỏ lại. Ông Đỗ Xuân Diện – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nói đã quy hoạch khu phi thuế quan gắn cảng Kỳ Hà nhưng chưa có thị trường, thiếu nhà đầu tư nên dù có quy hoạch vẫn chưa thay đổi nhiều, đang chờ sự khởi động của một trung tâm điện khí.

“Mưu sự” xây dựng một khu kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thí điểm các chính sách kinh tế mới… bất thành. Nhiều cuộc hội thảo xác nhận sự thành công của khu vực này chỉ như một “khu công nghiệp bậc cao” hơn là vai trò của một khu kinh tế mở trên bình diện quốc gia như mong đợi. Kế hoạch xây dựng một khu kinh tế mở với “hạt nhân” khu thương mại tự do – mô hình mới, động lực mới, đã không thể thực hiện được. Nhiều người Quảng Nam vẫn ước ao nếu như Chính phủ không quyết định bãi bỏ toàn bộ cơ chế nguồn thu ưu đãi với Chu Lai (nguồn thu phát sinh được giữ lại trong 10 năm để đầu tư cơ sở hạ tầng và 50% của năm tiếp theo) chỉ sau 3 tháng thành lập thì Chu Lai đã khác. Nếu không áp dụng cơ chế cấp phát 50 - 60 tỷ đồng mỗi năm thì nguồn thu của Chu Lai có thể lên đến 500 - 600 tỷ đồng/năm, sẽ giúp nhiều dự án không phải chịu cảnh dừng, giãn hoặc hoãn dài hạn… Đó là câu chuyện cũ. Lịch sử không có chỗ cho chữ “nếu”, nên chỉ còn biết nhìn về tương lai và tự hoạch định cho riêng mình.

Dân miền cát đang sôi nổi bàn tán về một cụm vòng xoay ngay nút giao thông xuống cảng Tam Hiệp, về một khu đô thị hiện đại có đủ tiện nghi sẽ do Thaco đầu tư xây dựng. Họ bàn tán nhiều về quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai có hiệu lực kể từ ngày 5.9.2017 và sau cuộc giám sát của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ mới đây có hy vọng nào để có thêm chính sách đột phá phát triển Chu Lai đúng như tầm vóc của một khu kinh tế mở đầu tiên trên cả nước, hay cũng vẫn là câu chuyện cũ. Nguyên Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tiến nói người dân đã nhường lại những mảnh đất đắc địa để nhà đầu tư xây dựng dự án, để hy vọng xứ cát có sự thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Hành trình gian nan nhưng ắp đầy niềm vui và người dân không thôi chờ đợi.

Ký sự NHẬT PHONG

Ký sự NHẬT PHONG