Xuân, từ những làng hoa
Từ những làng hoa, mùa xuân như thoát thai qua biết bao đôi tay cần cù, tạo nên những sắc màu, cả mùi hương nữa, để thêm những nụ cười của tết.
Từ cát, những đóa hoa xuân đua nhau khoe sắc. Ảnh: XUÂN THỌ |
Về làng mai
Chiếc xe kéo chở các chậu mai, sau mấy bận ì ạch vì một bánh lún sâu trong cát, cuối cùng với sự góp sức của mấy thanh niên trai tráng, cũng chịu thoát ra, lăn đều và đi đến những nhà trong danh sách khách hàng của ông Đoàn Văn Dũng (thôn Quảng Lăng 4, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn). Ông Dũng là người trồng mai có nhiều cái khác nhất ở xứ này. Là ông trồng mai từ hạt chứ không trồng từ chiết, ghép cành. Và nếu không phải chỗ thân hữu, thì hầu như ông đều lắc đầu trước những lời đề nghị mua mai.
Ông chỉ tay vào một chậu mai, tôi ước cao chừng 2m, gốc to và già, dáng “trực chỉ”: “Cây này năm nay đúng 18 năm”. Đó là mốc thời gian bằng đúng quãng thời gian ông bắt đầu trồng mai tết. Ngược về 18 năm trước, sau bao nhiêu năm làm nông, thấy người làng mình trông mai tết có tiền, ông bắt đầu đặt những bước chân vào địa hạt này. Một… chân còn lại, vẫn gắn bó với nghề nông. “Vì tui làm mai từ hạt gieo mà, nên không thể bỏ hẳn nghề nông liền được, mà coi như lấy đó “nuôi” nghề trồng mai” - ông cười nhớ lại. “Răng chú không làm như nhiều người ở đây là chiết cành, ghép cành cho nhanh?” - tôi hỏi. Ông không quay lại để trả lời câu hỏi, mà tiến đến một chậu mai cổ thụ, chỉ vào từng nhánh trổ ra từ thân cây: “Đây, cái hay của mai trồng từ hạt, là mình uốn nắn thế từ nhỏ, nơi trổ cành từ thân không có sự xù xì, gấp gãy như những cành chiết, ghép. Người chơi mai tinh lắm, nên mai trồng từ hạt luôn có sức hút mạnh đối với họ”.
Tôi theo ông sang một cây mai khác đang trổ đầy hoa. Bất chợt ông quay lại, chỉ sang một cây mai cách đó vài bước chân: “Cây này với cây đó, là hai cây trong vườn đang trổ hoa nhiều, đều khắp thân. Là tui cho nó nở kiểu đấy, để họ đến tham quan cho “đã”. Còn lại, tui chưa cho nở, mà chỉ vừa bóc lụa, vài ba hôm nữa là nở đều, vô tư chưng tết. Một điều nên nhớ, là hoa từ mai trồng nở từ từ, và không nhanh tàn như mai ghép”. Năm nay ông có 200 chậu tất cả, đều cho thuê, trong quãng thời gian 10 ngày cho thuê ấy, ông thu về 10 - 20 triệu đồng mỗi chậu. Ông chỉ chậu mai có người trả 80 triệu đồng nhưng ông không bán, giải thích: “Bán được 80 triệu đồng, một lần rồi thôi. Chậu này, cho thuê 4 năm là được 80 triệu đồng, nhưng nó vẫn còn là của mình, chớ bán là coi như không còn nữa”. Vì là mai thế, nên sau tết, khi khách hàng trả, là ông lại tiếp tục cần mẫn chăm sóc mai, để chuẩn bị cho cái tết mới.
Sang làng quật
Cách đây hơn một tháng, lang thang làng quật, đã thấy chộn rộn. Cái chộn rộn ấy, không chỉ từ nội tại làng quật, mà còn được góp phần bởi rất đông thương lái từ nơi xa đến. “Họ đến để đặt hàng. Quật năm nay trúng mà” - ông Nguyễn Viết Ninh - một người nổi tiếng trồng quật “khủng” ở Hội An cho hay. Hôm bữa trở lại, thì cái chộn rộn này đã lan ra các trục đường, nhất là tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối TP.Hội An với thị xã Điện Bàn. Hai bên đường, những chậu quật tươi sắc được bày ra, tấp nập người đến xem, mua bán.
Tôi tấp xe vào chỗ có hai chiếc xe tải biển số Quảng Trị đang có người bốc quật lên, cũng vừa lúc chủ vườn và thương lái hoàn tất giao dịch tiền bạc. Anh Hà Thanh Trung (xã Cẩm Hà) nhìn tôi cười, nói từng câu gọn lỏn: “Tết này no. Quật được. Giá bán được”. Tôi quay sang chị Kiều Thu Trang, là thương lái vừa mua quật của anh Trung, chị bảo gần hai tháng trước, đã cùng chồng vào dạo khắp và đặt hàng các chủ vườn ở làng quật. “Tưởng đâu sớm, ai dè còn nhiều thương lái đến sớm hơn vợ chồng em nữa. Cũng may là gom mua được gần 1.000 chậu để chở về quê ở Đông Hà bán” - chị Trang cho hay. Đây là năm thứ 4 vợ chồng chị Trang ngược vào Hội An để mua quật về Quảng Trị bán tết. Chị kể, ngoài quật, vợ chồng chị còn mua mai ở Điện Bàn.
Những năm gần đây, sự thất thường của thời tiết đã khiến cho người trồng quật không khỏi lo lắng. Nhưng cũng từ đó, họ học được rất nhiều kinh nghiệm, để “lái” vườn quật ra trái đẹp theo ý của mình. Tôi nhớ gương mặt hồ hởi của anh Phạm Hữu Phước (cũng ở xã Cẩm Hà) khi nhìn vườn gần 2.000 quật chậu lớn của mình tươi mơn mởn và đã được đặt mua với giá cao trước đó. Năm nay, niềm vui ấy, là của chung gần 400 hộ dân trồng quật ở Cẩm Hà khi họ đều chăm quật tốt, đều bán quật được giá cao với 300 - 700 nghìn đồng mỗi chậu nhỏ, từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng một chậu lớn. Năm ngoái, theo thống kê của UBND xã Cẩm Hà, dù không “lý tưởng” như năm nay, nhưng quật tết cũng giúp thu về đến hơn 36 tỷ đồng - một con số rất lớn giúp dân vùng quật “sống tốt”. Và năm nay, con số này dự kiến sẽ còn lớn hơn nhiều.
Qua làng hoa
Rời làng hoa xuân Hội An, tôi quyết định làm thêm một cuốc xe nữa, để thăm lại mấy vựa hoa ở Duy Xuyên. Đầu tiên là xã Duy Thành, nơi được xem là vựa hoa cúc, hoa vạn thọ của Duy Xuyên. So với làng quật ở Hội An, thì lúc này, làng hoa ở Duy Thành chưa chộn rộn bằng. Nguyên nhân là sự thất thường của thời tiết, khiến cho các loài hoa này không được nở đẹp như ý người trồng. Anh Nguyễn Hồng, người có hơn chục năm kinh nghiệm trồng các loại hoa này thừa nhận rằng, đây là những loài hoa dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhất. Do đó, nếu không có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, thì dễ… mất tết như chơi! Năm nay chưa biết thế nào, chớ còn năm ngoái, phải xoay xở dữ lắm trong mưa lũ, anh mới lãi được vài chục triệu đồng từ vườn hoa của mình.
Chạy lên Duy Trung, không khí có phần nhộn nhịp hơn. Vùng đất toàn cát này, non chục năm trở lại đây, nổi tiếng với những loại hoa Thái Lan như dạ hương thảo, thu hải đường, xác pháo… Để có những đóa hoa tươi đầy màu sắc ấy, là cả hành trình dài cải tạo đất cát - loại đất khó trồng hoa. Chị Nguyễn Thị Bi Na nhớ lại quãng thời gian của 5 - 6 năm trước, thời điểm vợ chồng chị quyết định chuyển 1ha đất cát sang trồng các loại hoa Thái Lan. Để cải tạo đất cát, chị phải mua đất bồi, đất thịt từ nơi khác về. Và để chống chịu cái nóng của đất cát, chị còn đầu tư làm mái che. Sự cần cù chịu khó ấy, đã mang lại niềm vui cho vợ chồng chị từ những đóa hoa nhiều màu sắc bung nở. Hôm tôi đến trại hoa của chị Na, có vài chiếc xe tải loại nhỏ đang đợi để chở hoa tỏa đi các nơi...
XUÂN THỌ