Bắt đầu bằng "cái nhìn văn hóa làng"...
Có “cái nhìn văn hóa làng” trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, để giữ những làng quê Việt không bị xô đẩy hay phá nát? Liệu có còn đó không những kiến trúc nông thôn đặc sắc, để kịp khiến những nhịp chân về làng bớt dần vội vã?
Không gian làng quê. Ảnh: Lê Trọng Khang |
Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, những vùng ven Hội An - với rất nhiều những ngôi làng có dấu ấn văn hóa đặc sắc, hiện phải đối mặt với thách thức của phát triển du lịch. Nhìn rộng ra, không chỉ Hội An gặp phải câu chuyện “khó” ở những vùng nông thôn khi sự phát triển luôn hướng về những thành phố, thì đô thị hóa nông thôn vẫn là điều tất yếu. Trong một cuộc hội thảo không lâu về những giá trị của văn hóa làng Việt Quảng Nam, nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông nhìn nhận làng xã truyền thống dưới tác động của đô thị hóa tại Hội An đang diễn ra theo nhiều hướng. Quá trình đô thị hóa ở Hội An mang tính chất đan xen “làng trong phố, phố trong làng”, nhưng không hẳn làng xã ở Hội An phát triển hoàn toàn theo hướng như vậy... “Hiện tại có nhiều xu hướng đô thị hóa, như đô thị hóa diễn ra trong chính đô thị, đó là chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch. Xu hướng thứ hai là đô thị hóa nông thôn theo quy hoạch, các xã ngoại thị được phát triển thành phường, giãn cư dân phố về nông thôn kéo theo yếu tố đô thị hóa. Và xu hướng cuối cùng khiến các nhà quản lý đau đầu là đô thị hóa tự phát. Sự chuyển đổi ngành nghề khiến cho việc thờ tự, hay thậm chí cả lễ hội cổ truyền như các lăng thờ cá Ông, lễ cầu ngư ở làng biển phai lạt dần” - ông Phùng Tấn Đông nói.
Và hẳn, khi sự phát triển du lịch đang bắt đầu chọn điểm nhấn ở những vùng ven đô, thì chuyện người ở làng thích nghi nó như thế nào vẫn đang khiến chính quyền thành phố này phải suy tư. Do sự dịch chuyển dân cư nên việc bảo tồn các di tích cũng hạn chế bởi cư dân bản địa vừa ít, lại vừa “già” bởi biến động dân số. Một con số thống kê từ đô thị này cho thấy, nếu năm 1999 dân số Hội An là hơn 89 nghìn người, trong đó, dân số thành thị hơn 34 nghìn người. Từ chỉ sử dụng diện tích đất phi nông nghiệp lên hơn 1,9 nghìn hecta cho năm 2000, thì đến năm 2010 đã tăng lên 3,2 nghìn hecta, và hiện tại con số này đã lên đến gần 5 ngàn hécta. “Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh khiến nhà ở theo kiểu thức cổ truyền như nhà ba gian, hai gian, nhà rường, nhà vườn ngày càng vắng bóng, số nhà hộp kiểu bao diêm tăng lên, nhiều di tích thờ tự, công trình kiến trúc cổ như miếu, mộ, giếng cổ bị xâm hại về cảnh quan, bị vây kín giữa các khối nhà cao tầng” - ông Đông nói.
Ở một góc độ khác, dưới cái nhìn của kiến trúc, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng, những kiến trúc nông thôn từ xưa đã cho thấy cái nhìn tinh tế cũng như tôn trọng văn hóa làng như thế nào. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, khi đi sâu vào các kiểu nhà ở những làng quê, từ những chi tiết cụ thể trong việc kiến trúc, xây dựng, cho thấy rõ có những phát hiện, những mẫu hình kiến trúc khác biệt. Có những chi tiết được gọi là cuộn vỉa múi cam, mộng trơn, mộng thắt. Có những kiểu như cửa võng, cửa xếp, cửa ô con tiện... Có những kiểu nhà như: nhà trình tường, nhà rọi, nhà rường, nhà chồng diêm... Theo ông, so với những kiểu nhà mới theo nghệ thuật tiên tiến của phương Tây, thì mỗi bên có cái đẹp riêng. Và chính cái nhìn văn hóa làng trong phương hướng kiến trúc cho nông thôn là điều cần phải khẳng định, phải được tôn trọng trong câu chuyện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Việt Anh của Hội Kiến trúc Việt Nam cho biết, do quy luật phát triển, ngày trước, sự phát triển của khu vực nông thôn chủ yếu trông chờ vào nông nghiệp. Nhưng khi nông nghiệp không còn vai trò quan trọng nữa mà thay thế dần là nghề phụ, dịch vụ, người ở nông thôn tiến ra thành phố tìm kiếm việc làm ngày càng nhiều. Khi cơ chế hoạt động nội tại, cấu trúc xã hội của nông thôn thay đổi, thì sự thay đổi về diện mạo, kiến trúc, không gian của khu vực này là điều tất yếu. “Xu hướng hiện nay là cả đô thị lẫn nông thôn đều đang mở dần về phía ngoại ô và phát triển khá lộn xộn. Nếu không điều chỉnh kịp bằng quy hoạch thì 10 hay 20 năm nữa, khó mà hình dung nổi diện mạo nông thôn” - ông Trần Việt Anh chia sẻ.
Quảng Nam vẫn còn đó những “không gian thuần khiết”, như các làng Lộc Yên, Đại Bình hay Triêm Tây. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc chia sẻ, một công trình kiến trúc thành công, đơn cử như Triêm Tây, với dạng thức điển hình của kiến trúc bền vững – tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cộng đồng, nâng niu văn hóa bản địa và huy động sự chung tay của cộng đồng. Hẳn nhiên, cũng đã đến lúc những nhà hoạch định mô hình phát triển của nông thôn mới, cần phải chú trọng nhiều đến yếu tố văn hóa truyền thống trong không gian của làng quê. Và nó, phải bắt đầu từ cái nhìn văn hóa làng…
LÊ QUÂN