Mai gửi
Năm ngoái, cây mai chỉ có lá là lá, tết về nhìn lá, không nén được cười, nghĩ bụng, phận làm hoa, mà nở không đúng dịp, hoa không có, sống ích chi. Bèn nhổ gốc bỏ sọt rác. Chiều 29 tết, chạy ra chợ hoa khuân về một cây hoa đẹp nhất, mấy ngày tết ngồi ngó, thấy mình như lên thiên đàng.
Cũng cây mai đó, chừng tháng 10 âm lịch, nói với tay bạn rượu hàng xóm: “Ông có tay thụ mộc, năm ni canh me ngắt lá cho tôi nghe”. Y cười phớt ăng lê, báu chi, để đó tôi. Mình đi công tác xa, một bữa ngang qua nhà ai đó, thấy họ đang lặt lá, bèn điện bạn rượu. Hắn nói ngày ni tôi lặt lá cho anh. Hôm sau về, hắn cầm ly rượu, vẻ thông cảm: “Anh để chỗ ni bị rợp, tôi sợ nó trễ rồi, búp lại xí xi”. “Thôi thôi, tôi biết rồi, kiểu ni điệp khúc năm cũ rồi đây”. Nhưng vẫn gắng gượng, làm răng hè, nhà bị khuất nắng, mà tiết trời cứ âm u miết. Y bật lên, chỉ tay qua chùa: “Ông qua nói sư thầy gửi đi, sân rộng, có nắng lên thì đỡ”. À, mình ngu hè.
Sáng qua chùa thấy sư thầy lặt lá, bèn lân la tỏ vẻ hiểu biết: “Trễ rồi, răng năm ni lặt trễ rứa thầy”. “Việc chùa lu bu quá anh, không biết có kịp ra hoa không. Năm ngoái kịp, năm ni mưa miết”. “Thầy cho gửi chậu mai, bên nhà thiếu nắng”. Thầy khoát tay: “Đó, chỗ nớ, anh để đi”. Khuân qua, sư thầy tỉ mẩn xem, lắc đầu: “Nếu nắng miết thì có, không thì cũng như mấy cây ở chùa thôi”. “Có cách chi không thầy?”. Sư cười ha ha: “Tui như anh, có chuyên nghiệp mô, mình trồng chơi, cứ theo lẽ tự nhiên mà lặt lá để nó ra hoa, còn không thì chịu, chứ họ làm nhà vườn, chong đèn, cho thuốc kích thích mới có hoa bán, không thì đói”. Đến lượt mình cười: “Phật pháp vô biên, gửi mà không nở, lỗi ở chùa”. Sư thầy hình như biết mình hay chơi xỏ, bèn cảnh giác: “Tùy duyên”. “Mai nở đúng mùa, là phận của nó, nhưng nó không nở, chắc nó lầm lạc hè...”. “Thôi, anh nghĩ lung tung, lầm chi, chẳng có chi lầm, nở hay không, tùy thuộc thời tiết, tay người chăm bón. Nó không ra hoa là lỗi của anh, đừng đổ cho nó, bởi anh cõng nó về mà. Y như nuôi dạy con cái, nó nên hay hư, đầu tiên là ở gia đình, sau mới đến xã hội, đừng đổ thừa”.
Mình lại cắc cớ: “Như thầy đi tu, tu miết, nếu không chánh quả, thì lỗi ở mô?”. “Ở tôi chứ ở mô”. “Không phải ở chùa, chẳng ở Phật hả?”. “Chẳng ai sống thay mình, giúp mình hết, tự mình phải biết”. “Vậy răng nói Phật pháp vô biên?”. “Đó là con đường ánh sáng, còn anh đi xa hay gần, được hay không, không phải do đường mà do anh có gia trì công phu chánh niệm không”. “Tôi biết rồi, nhưng gút lại, mai nếu nở hay không, là do ai? Thầy lưu ý là tôi đã nói, phận mai, đến tết là nở”. “Ai nói, ai bắt nó đến tết phải nở, sớm muộn tùy thời tiết chứ”. “Vậy thầy, nếu thực sự chân tu, tự thể tánh có Phật, mắc mớ chi vô chùa để chờ ngày lên niết bàn?”. “Đó là nghiệp, còn chùa, Phật, là nơi nương tựa để hành trì cho yên tĩnh”. “Yên hay không, thảy tự tâm”. Thầy không nói, tiếp tục lặt lá. Mình không tha: “Thầy đang chơi... công án với tôi phải không?”. Thầy cười: “Sáng ni anh ăn chi chưa?”. “Ngày mô cũng ăn, thầy ăn chưa?”. “Ngày mô cũng ăn”. “Vậy nếu mai không nở, thì cứ nghĩ như thầy, là hãy nghĩ nó đang nở và đã nở, khỏi băn khoăn phải không, bởi mọi thứ vô thường, nhưng không ăn là chết đói...”. “Cứ nghĩ vậy cho nhẹ lòng”. “Ảo ảnh hết”. “Chứ có chi thiệt”. “Rứa thì lặt lá làm chi?”. “Rứa thì anh gửi chậu mai qua chùa làm chi? Do anh tham”. “Vậy thầy lặt lá để nó phải nở, không tham chắc?”. “Thôi uống cà phê đi, nói nhiều quá”, thầy nhìn mình cười độ lượng...
Tay bạn rượu ghé vào, thầy nháy mắt: “Chậu mai của ảnh, chắc nở đó”. “Không đâu thầy, trễ rồi”. “Chẳng có chi muộn cả”. Mình cố gài: “Thôi mệt quá, bỏ mấy trăm nghìn mua chậu nở đúng dịp về cho khỏe”. “Biết vậy răng anh không làm, cứ nặng nề nở hay không”. “Thầy nói hay hè, cây nhà mình không nở, đâm đầu đi mua, hay ho chi”. “Đừng vọng”. “Thầy có thoát mô...”. “Anh có phải là tôi mô mà biết thoát hay không?”. “Ủa, tôi chứ phải thầy mô mà vọng với động?”. “Rứa thì đừng băn khoăn chi nở hay không, tự cây nó hiểu, mình không là cây”. Tôi ngó đồng hồ: “Chương trình thời sự sân chùa sáng đến đây là hết, A Di Đà Phật”. Thầy cười ha ha, vọng theo “hy vọng nắng miết thì nó nở, có hoa là vui mà anh”...
TRUNG VIỆT