Hồi nớ, ở Kỳ Kim (Tiếp theo và hết)

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 23/01/2018 08:58

Tin liên quan

  • Hồi nớ, ở Kỳ Kim

Tuổi thơ tôi cũng rất đỗi thơ mộng và ngọt ngào. Những chiều hè oi ả, đợi cho nắng dịu xuống, tôi theo chị ra bờ sông Trường Giang xúc tôm. Tôm núp đâu đó trong vạt lác, bụi cỏ, hang hốc bên bờ sông cạn. Người ta đặt cái rổ xuống rồi đưa tay quậy nước. Kéo rổ lên khỏi mặt nước, người ta bắt được những con tôm đất, tôm bạc, có khi là con tôm cỏ lớn nhảy soi sói. Những chiều thu êm ả, mát rượi, tôi theo chị lên đồi hái sim chín. Trái sim chỉ bằng đầu ngón tay út nhưng vừa ngọt, vừa thơm lại thoáng một chút vị chát. Đi qua mấy chục năm trên đường đời, tôi chưa thấy loại trái cây nào hiền, sạch và thân thiết như trái sim giữa quê nhà yêu dấu.

Tôi không có bạn để chơi đùa, chỉ biết chơi với anh Rứt, con bác Vũ nhà bên cạnh. Anh Rứt hơn tôi mấy tuổi, không đi học ngày nào nhưng rất khéo tay, biết làm được những đồ vật khá đẹp. Anh chẻ tre, đan lờ bắt cá. Nhà anh có một cái mương nhỏ, mùa mưa nước trong veo có thể nhìn thấy bầy cá rô thóc không biết từ đâu đến chạy qua chạy lại. Chúng tôi móc đất đắp bờ, giữa lòng mương đặt chiếc lờ vào đó. Anh Rứt lên đầu mương, quậy cho nước đục lên và rượt bầy cá chạy. Cá lọt vào lờ, anh lấy cọng lạt xỏ xâu rồi đốt lửa nướng chín và rủ tôi ăn.

Tháng 3 là mùa hoa dủ dẻ trong vạt rừng nở. Hoa thơm vào buổi chiều khi trời sắp chạng vạng; cái mùi hương tinh khiết, cao quý và dịu dàng không thể tả nổi được. Anh Rứt rủ tôi vào rừng hái những chùm trái dủ dẻ già. Đem dủ dẻ về, anh cuốc hai lỗ, một cho anh và một cho tôi, vùi dủ dẻ vào trong lòng đất rồi khỏa cát lại. Chỉ hai ngày sau, những chùm trái dủ dẻ đã chín vàng. Chúng tôi bới cát lên, rửa sạch rồi ăn dủ dẻ. Tháng 5 gió Lào về, là mùa trái trâm chín. Cây trâm cao, cành nhánh rất giòn, chúng tôi không dám leo lên. Tôi và anh Rứt đi theo những bầy két núi, chờ những trái trâm chín múp, thơm lừng rụng xuống. Bầy két đúng là những thiên tài chọn trái chín; cái mỏ chúng khoằm khoằm chỉ cạp đúng một miếng để ăn thì trái trâm chín rơi xuống đất. Chúng tôi cứ lượm mà ăn.

Bữa cơm của người dân trong thời kháng chiến chống Pháp rất khiêm tốn và rất lạ. Người ta ít khi được ăn cơm tinh tuyền nấu bằng gạo, trừ những ngày mới vừa thu hoạch mùa lúa mới. Nhà nào khá lắm cũng phải ăn cơm ghế - cơm có độn khoai lang hay sắn lát (khoai mì) vào. Những năm người Pháp bao vây đốt phá lương thực, không nhà nào có gạo, phải nấu khoai lang khô, sắn khô làm “cơm”.
Lương thực thì như vậy nhưng thực phẩm thì dư dả. Tam Kỳ có một vạt biển ngang đầy tôm cá. Một ngư dân có khoảng trăm mét lưới quát, đánh sát bờ vài trăm mét đã có thể trúng cả trăm ký cá nục, cá hố, cá thu... Người ta kêu gọi những bà con trên bãi biển phụ kéo lưới vào bờ và chia cho những con cá tươi còn nhảy soi sói mới bắt từ biển lên. Ngày nào cũng những người bán cá dạo qua đường quê, cung cấp những trẹt cá mới tươi rói. Nhà nào cũng có cá, có tôm, có mực trong bữa cơm. Họ không mua, phần lớn trao đổi bằng hiện vật. Ấy bởi vì biển ngang Tĩnh Thủy hào phóng, cho con người nhiều tôm cá hơn bất cứ một vùng nào khác.

Có lẽ sống trong cuộc sống thiếu thốn về kinh tế, người ta mới thấy rõ hơn những giá trị về văn hóa, tình người. Đời nghèo nhưng chẳng ai trộm cắp cái gì của ai; hai nhà chung một hào tre nhưng cây măng mọc ra từ mé đất nhà anh thì anh hưởng…

Cha tôi ngày ấy làm nghề thợ may. Giao dịch kinh tế ít ai tính ra bằng tiền tín phiếu mà chủ yếu là trao đổi. Một bà bán cá nào đó gánh cái gánh cá đi ngang qua, đưa cho mẹ tôi một xấp vải ta, nói nhờ cha tôi may cho chiếc áo. Sau khi cha tôi lấy số đo, nói ra công may bao nhiêu tiền thì bà bán cá đưa ra vài con cá hố to, vài trẹt cá cơm nhỏ, trao đổi với mẹ tôi. Mẹ tôi nhận mớ cá làm bữa ăn; cha tôi may áo cho người. Con gà, con vịt hay ký thịt heo, thịt bò cũng trao đổi như vậy. Chỉ có ai ra chợ mua bán hay giao dịch, mua bán lớn thì mới dùng tiền mặt. Thí dụ như mua một con trâu về cày ruộng thì người mua mới gánh đôi bầu đựng đầy tiền tín phiếu mà đi.

Thời đó, anh tôi đi Việt Minh, đóng quân đâu đó trên Bồng Miêu hay Tiên Phước. Chiều chiều, mẹ tôi hay ra ngồi dưới bóng râm bên hiên nhà sàng một ít gạo hay lựa một ít đậu, thường hướng mắt về những rặng núi xa xa kia. Tôi biết mẹ nhớ mong anh tôi lắm. Lâu lâu, anh tôi được về nhà một vài ngày, có khi đi một mình, có khi đi cùng đồng đội. Căn nhà tranh lặng lẽ chợt ấm cúng hẳn lên, vang động tiếng cười, tiếng đàn mandoline, tiếng hát. Những người thanh niên ấy dựng lại giàn bầu giàn bí, vun lại những vồng khoai, cột lại những tấm tranh nghiêng đổ vì gió bấc. Những ngày đó tôi cảm thấy rất hạnh phúc, chỉ ngồi xem anh và đồng đội làm việc giúp cha mẹ.

Có lẽ sống trong cuộc sống thiếu thốn về kinh tế, người ta mới thấy rõ hơn những giá trị về văn hóa, tình người. Đời nghèo nhưng chẳng ai trộm cắp cái gì của ai; hai nhà chung một hào tre nhưng cây măng mọc ra từ mé đất nhà anh thì anh hưởng. Không ai bắt gà, trộm chó, cắp lúa, đào khoai. Làm được một mẻ dầu phụng ngon hay gói được nồi bánh tét đẹp cũng đem biếu hàng xóm một ít, làm quà.

Làng quê nghèo nhưng mỗi năm cũng có vài đêm vui văn hóa. Đoàn văn công về thì chiều ấy xóm thôn vang vọng tiếng loa mời mọi người đi xem văn nghệ. Đêm văn nghệ diễn ra dưới rừng sơn, trên nổng cát cao. Văn công chơi đàn guitare, banjo alto, mandoline và hát. Các chị nữ văn công chải tóc thật mượt, kẹp tóc bằng những cây kẹp màu sáng, hát những bài hát quen thuộc theo nhịp hành khúc như “Đường chiều”, “Tăng gia sản xuất”, “Đóng thuế nông nghiệp”, “Đào kênh Ba Kỳ”... Chính những người văn công đó đã gợi cảm hứng cho tôi đến và làm quen với âm nhạc. Mười hai năm sau, đứa bé gầy gò đi xem văn công ca múa giữa rừng sơn trở thành nhạc sĩ.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

VŨ ĐỨC SAO BIỂN