Khi đồng bào vay vốn làm ăn

LÊ DIỄM 11/01/2018 14:16

Ngày càng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở  huyện Nam Giang tìm đến Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để vay vốn làm ăn, thoát nghèo hiệu quả.

Chính sách tín dụng ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Giang về tận các xã đã giúp đồng bào vùng cao giảm nghèo hiệu quả. Ảnh: L.D
Chính sách tín dụng ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Giang về tận các xã đã giúp đồng bào vùng cao giảm nghèo hiệu quả. Ảnh: L.D

Từ đồng vốn vay

Cuối năm 2015, với mong muốn có vốn đầu tư nuôi heo rừng, bà Aviết Bớt ở thôn Pà Xua, xã Ta Bhing đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang. Đầu tiên, bà Bớt nuôi hơn 10 con heo rừng phát triển rất tốt nên mua thêm heo về nuôi. Ở miền núi, thức ăn cho heo rừng có sẵn, bà Bớt chỉ cần chịu khó đi hái rau, chặt chuối mang về cho heo ăn. Bà Bớt nói: “Heo rừng dễ nuôi. Nhà có vườn rộng nên tôi thả heo, làm vài chỗ cho heo uống nước, tắm, tối đến có chỗ cho heo về nằm ngủ. Heo rừng lại không bị bệnh dịch nên không sợ mất vốn. Ở đây, bà con cũng nuôi heo nhưng thả rông chỉ 1, 2 con, không có vốn nên không dám nuôi nhiều. Heo rừng bán được giá, ở dưới xuôi lên đây hỏi mua ngày càng nhiều hơn”. Từ khi nuôi heo đến nay, bà Bớt đã xuất bán được 16 con, với giá 2,5 - 3 triệu đồng/con. Với số tiền thu được, bà mua thêm heo rừng để nuôi. Bây giờ, đàn heo rừng của bà có 18 con, đến tết này bà Bớt có thể bán và thu hồi nguồn vốn vay, thậm chí cho lãi.

Tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, từ khi có chính sách tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện triển khai đến nay, nhiều hộ dân đã tiếp cận được với nguồn vốn để tạo kế sinh nhai. Theo ông Đinh Văn Thia - Tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn thôn Dung, hiện toàn thôn có 58 hộ vay vốn, tổng dư nợ lên đến 1.493 triệu đồng, trong đó có đến 90% hộ vay vốn là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Thia cho biết: “Đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để trồng keo, nuôi bò, nuôi heo, gà, vay vốn sinh viên cho con đi học. Bây giờ, người dân vay vốn đúng mục đích, chứ không dám vay tiền về để mua xe máy hay ti vi như những nơi khác”. Nhiều hộ vay vốn làm ăn có hiệu quả, như hộ ông Arất Mon vay 20 triệu đồng trồng keo. Sau khi khai thác keo, ông Mon đã trả đủ số tiền vay, số tiền còn dư, ông đầu tư trồng tiếp mùa keo khác. Hoặc như hộ bà K’hiên Thị Thảo vay 20 triệu đồng mua bò nuôi. Đến năm 2017 bà Thảo bán bò mẹ và trả được nợ vay, lãi được 2 con bê. Đặc biệt, theo sự vận động của ông Thia, bà con biết tích lũy bằng cách gửi tiết kiệm, giúp họ giảm bớt phần nợ gốc phải trả khi đến hạn.

Hiệu quả sử dụng vốn vay

Đến cuối năm 2017, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang cho bà con vay với tổng dư nợ hơn 134 tỷ đồng. Trong đó,  năm 2017, có 1.315 hộ dân vay vốn hơn 40 tỷ đồng. Người dân vay vốn thuộc diện hộ nghèo, hộ thoát nghèo bền vững, cho con đi học, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hoặc xây dựng nhà ở... Ông Nguyễn Hữu Hải - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nam Giang cho biết: “Người dân đã tiếp cận vốn vay tốt hơn và sử dụng vốn vay đúng mục đích. Đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn ngày càng nhiều, mạnh dạn vay nguồn vốn lớn để xây dựng các mô hình. Chúng tôi thường xuyên bám sát, kiểm tra các mô hình có vay nguồn vốn lớn, vừa giúp đỡ bà con biết cách sử dụng nguồn vốn, vừa động viên bà con làm ăn. Dù ở miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi đã vay vốn thì bà con lo làm ăn để trả nợ. Nhờ vậy mà tỷ lệ nợ quá hạn của chi nhánh chỉ chiếm tỷ lệ 0,047% trong tổng doanh số cho vay (57 triệu đồng)”.

Sự vào cuộc tích cực của các hội, đoàn thể ở Nam Giang cùng Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện đã làm tốt các nội dung công việc được ủy thác như tuyên truyền, vận động bà con vay vốn làm ăn và gửi tiết kiệm, thường xuyên bám sát hộ vay vốn kiểm tra giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, giúp chất lượng tín dụng ngày càng tốt hơn. Chi nhánh Ngân hàng CSXH Nam Giang mỗi tháng đều dành phần lớn thời gian về tận xã để giao dịch, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay tốt hơn. Qua đó, cán bộ tín dụng cũng tranh thủ tìm hiểu, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân ra sao để kịp thời nắm bắt hiệu quả sử dụng vốn, có phát sinh vấn đề thì có hướng xử lý kịp thời. Cùng với nhiều chính sách đảm bảo an sinh cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách tín dụng ưu đãi trong thực tế đã giúp cho người dân có được nền tảng để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM