Dấu tích một ngôi trường

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 05/12/2017 13:12

Ngôi miếu Nam Sơn ở thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh Nam (Núi Thành) gần 170 năm tuổi, được nhân dân phục dựng vào năm 2010 là nơi sau Cách mạng Tháng 8.1945, chính quyền địa phương mở trường dạy bình dân học vụ. Dấu xưa vẫn còn đó cho đến bây giờ...

Cây đa hơn 100 năm tuổi luôn được các thế hệ con cháu giữ gìn. Ảnh: N.Đ.N
Cây đa hơn 100 năm tuổi luôn được các thế hệ con cháu giữ gìn. Ảnh: N.Đ.N

Dựng trường tranh tre

Tháng 8.1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân thành công, các địa phương nhanh chóng thành lập Ban bình dân học vụ với phương châm “người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”. Tất cả đình làng, chùa chiền, nhà thờ tộc họ… đều được trưng dụng làm lớp học. Riêng tại thôn Mỹ Sơn không chỉ có một trường tiểu học dạy từ lớp vỡ lòng đến lớp 5 mà còn có một trường cấp 2, thu hút đông đảo con em xã nhà và các địa phương bị địch tạm chiếm như Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An… tản cư vào học.

Ông Nguyễn Văn Bá - Xã đội trưởng Tam Anh (giai đoạn 1950 - 1954), hiện ở  phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) cho biết: Khu vực miếu Nam Sơn thuộc thôn Mỹ Sơn (xã Tam Anh Nam) lúc bấy giờ là khu rừng rậm, cây cối um tùm, cách xa dân cư, ít người qua lại. Xét thấy đủ điều kiện, cuối năm 1946, Ủy ban hành chính xã quyết định thành lập tại đây một ngôi trường nhằm tạo điều kiện để con em theo học. Tuy nhiên, nhân tài vật lực của địa phương hầu như không có, phải vận động nhân dân đóng góp để xây dựng trường. Được nhân dân đồng tình hưởng ứng đóng góp ít nhất mỗi hộ vài tấm tranh, một ít cây tre, dăm ba ngày công, nhiều nhất cũng được vài chục cân lúa, khoai... chỉ trong thời gian ngắn ngôi trường đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Không có nguồn nhân lực tại chỗ, phải huy động gần chục giáo viên từ các địa phương khác đến đứng lớp. Không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm để lo cái ăn hàng ngày cho hàng trăm học sinh, nhất là đối với học sinh là con em của các địa phương bị địch tạm chiếm tản cư về học tại trường mà nhân dân còn tự nguyện góp gạo nuôi giáo viên đứng lớp nhằm động viên thầy cô giáo vượt qua khó khăn, hoàn thành chương trình các năm học. Nhờ vậy, địa phương được Ủy ban hành chính Nam Trung bộ tặng Bằng khen vì có thành tích về thanh toán nạn mù chữ.

Hai lần bị ném bom

Ông Phạm Diễn, sinh năm 1927, hiện ở tại thôn Mỹ Sơn, cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân thôn Mỹ Sơn đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Ngoài ra, nhân dân còn nuôi dưỡng hàng chục trẻ em mồ côi của xã Hòa Thắng và Hòa Tiến (Hòa Vang). Nhận đỡ đầu hàng trăm con em các địa phương ở các vùng bị địch tạm chiếm để các em được đi học. Bên cạnh đó, nhân dân còn tạo điều kiện để các hộ dân tản cư có nơi ăn chốn ở, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Với nghĩa tình cao cả đó, đến nay vẫn còn lưu truyền những câu ca: “Ngó lên, ngó xuống thì vui/ Ngó về tạm chiếm bùi ngùi nhớ thương/ Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Giúp vùng bị chiếm là thương giống nòi”. Còn theo ông Phạm Tánh, sinh năm 1941, ở thôn Mỹ Sơn, năm học 1951 - 1952, ông học lớp 3 tại trường Nam Sơn. Ngôi trường này được xây dựng bằng mái tranh, phên tre, nền đất, mỗi lớp có hơn 40 học sinh, đủ các độ tuổi khác nhau. Không chỉ có học sinh là con em của Tam Anh theo học mà phần lớn học sinh là con em các địa phương ở vùng bị địch tạm chiếm tản cư vào Tam Anh ở theo học. Đời sống vật chất lẫn tinh thần rất khó khăn nhưng các bạn đều chăm học, có không ít bạn học rất giỏi. Rồi một ngày trung tuần tháng 3 năm 1952, ngôi trường bất ngờ bị máy bay Pháp ném bom tan hoang. Tháng 6 bọn chúng lại ném bom lần nữa, rất may không có ai bị tử vong chỉ có một cán bộ cơ sở và một giáo viên bị thương.

Xã đội trưởng Tam Anh (giai đoạn 1950 - 1954) Nguyễn Văn Bá cho biết thêm, từ khi thành lập trường, chị gái của ông là bà Nguyễn Thị Mẹo được Ủy ban hành chính xã nhận vào làm cấp dưỡng, phục vụ đời sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong khi dọn dẹp bếp núc sau bữa ăn trưa của thầy cô giáo và học sinh, phát hiện tiếng máy bay của địch, bà Mẹo lập tức đánh kẻng báo động. Cán bộ, giáo viên và học sinh kịp thời xuống hầm trú ẩn nên không gây thương vong. Lần thứ hai cũng vào một buổi trưa, đang thu dọn đồ đạc trong bếp thì phát hiện máy bay địch đang quần thảo trên đầu. Để bảo toàn tính mạng cho thầy cô giáo và các em học sinh, bà Mẹo trực tiếp đưa từng người xuống hầm trú ẩn an toàn, đến người cuối cùng thì cũng là lúc quả bom nổ chát chúa làm bà bị thương ở mạn sườn, còn cô giáo Huờn bị thương nặng ở đầu gối. Sau khi bị thả bom lần thứ hai, Ủy ban hành chính xã quyết định chuyển trường đến địa điểm mới, tiếp tục giảng dạy, giúp hàng trăm con em trưởng thành, phục vụ kháng chiến.

Đi giữa rừng keo lá tràm xa tít tắp, những hố bom ngày nào vẫn còn loang lổ. Nơi đây đã một thời đùm bọc, cưu mang hàng trăm cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong số đó có không ít người đã và đang đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, trường học, xí nghiệp… Ngôi miếu Nam Sơn đã được nhân dân đóng góp kinh phí phục dựng vào năm 2010 và cây đa cổ thụ được các thế hệ con em Mỹ Sơn giữ gìn coi như báu vật của làng. Nguyện vọng của đông đảo nhân dân là mong được Nhà nước đầu tư xây dựng tại đây một nhà bia tưởng niệm để làm nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC