Lang thang ở "đất nước thần linh"
Ấn Độ - đất nước của những vị thần, cùng những phong tục, tín ngưỡng tôn giáo có lịch sử cả nghìn năm - đang phát triển mạnh mẽ và là quốc gia có nền kinh tế nằm trong top 10 thế giới. Những hình ảnh tương phản trong cuộc sống thường nhật của người dân Ấn đã mang đến cho chúng tôi những cảm nhận thú vị về đất nước nhiều màu sắc này.
Hầu như rất ít người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.Ảnh: TẤN CHÂU |
Tôi bắt đầu chuyến bay từ phi trường Đà Nẵng để thực hiện hành trình dài khám phá đất nước của các vị thần theo chương trình học bổng toàn phần của Chính phủ Ấn Độ. Sau khi trung chuyển tại Kuala Lumpur - Malaysia, cuối cùng tôi cũng đến Hyperabad, thành phố miền nam Ấn Độ.
Chuyện ăn uống của người Ấn
Khóa học nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, phát triển sinh kế vùng nông thôn mà tôi tham gia, hầu hết học viên đến từ các quốc gia đang phát triển như Zimbabwe, Sri Lanka, Ethiopia, Tanzania, Niger, Nambia, Malawi, Guyana, Mauritius… Các học viên đều có khả năng tiếng Anh khá tốt nên hòa nhập nhanh chóng. Theo quy định chung của trường thì ăn sáng lúc 8 giờ, bắt đầu học lúc 9 giờ, ăn trưa lúc 13 giờ 30 và kết thúc ngày học lúc 17 giờ 30, ăn tối lúc 20 giờ. Chuyện ăn uống cũng rất nhiều điều thú vị. Trước khi đến đây tôi được biết người Ấn có truyền thống ăn… bốc. Điều này hoàn toàn chính xác, thế nhưng chứng kiến cách người Ấn ăn bằng tay mới thấy không dễ chút nào.
Món ăn của Ấn Độ có mùi vị rất khác lại nấu theo kiểu sền sệt nên tập tục ăn bằng tay là cả một nghệ thuật, không đơn thuần như cầm cái bánh bỏ vào miệng hay cầm ổ bánh mì mà cắn. Nhìn cách họ dùng ngón tay trộn thức ăn và vo cục cơm lấm tấm màu làm tôi nhớ tuổi thơ nhiều kỷ niệm. Ngày nào cũng vậy, khi tan trường, chúng tôi không về nhà ngay mà tụ tập đá banh bằng rơm buộc lại từ chiếc quần cũ xé ra, chơi năm mười, bắn bi, đánh tổng… nên khi đến nhà thì cái dạ dày cứ cồn cào, gào thét, ra lu sau vườn làm một ca nước lạnh mát rượi thỏa mãn cơn khát, rồi chạy ngay vào bếp kiếm cục cơm nguội, cầm cục cơm nguội ghế khoai khô nhìn khói lam chiều thì lũ trẻ chúng tôi ngày ấy chắc cũng chẳng ước gì hơn.
Anh Prakash Balmala - người phục vụ bếp tại một nhà hàng nhỏ thành phố Hyberabad rất vui tính và thân thiện, chính vì thế tôi hay ghé và nhờ anh chế biến món ăn thêm đậm đà gia vị theo khẩu vị ưa thích của mình. Những lúc rảnh rỗi anh Prakash chia sẻ về cách chế biến món ăn của người Ấn cho tôi nghe một cách hào hứng. “Những món ăn của chúng tôi không nhiều nước, hơi đặc và dẻo một chút và như thế cơm sẽ hòa quyện vào thức ăn, tạo sự kết dính. Món cà ri nổi tiếng của Ấn cũng vậy, rất ít nước. Theo người xưa thì ăn bằng 5 ngón tay thể hiện sự thành kính tổ tiên, chạm đến các giác quan và tượng trưng cho yếu tố giao hòa với thiên nhiên…”.
Đó là chuyện ăn của người Ấn ở những nơi được xem là sang trọng, còn những hình ảnh mà tôi bắt gặp trên đường cũng lắm thú vị. Buổi sáng, mọi người ở đây muốn uống cà phê ư, không được thoải mái và sung sướng như ở Việt Nam đâu - có bàn ghế, máy quạt, máy lạnh, phục vụ nước uống tận bàn. Cà phê ở Ấn được xem là một thức uống xa xỉ. Hầu hết thành phố lớn, thị trấn có quán phục vụ cà phê, nhưng người dân Ấn chủ yếu uống trà. Trà là thứ nước uống được yêu thích tại Ấn Độ. Chính vì thế có hàng ngàn quán trà được mở trên khắp nơi. Trà được pha chung với đường hay những thứ khác như sữa tươi, bạch đậu khấu và gừng, mùi vị rất ấn tượng. Hầu hết tầng lớp bình dân và người nghèo muốn có ly trà nóng thì tập trung tại góc con đường, có một chiếc xe đẩy 4 bánh, người chủ đun nước sôi và pha trà phục vụ những ai có nhu cầu, mỗi ly nhỏ giá chỉ 1 rupi. Tương tự như ở Việt Nam, uống cà phê thì có thêm trà. Ở Ấn Độ uống trà thì có thêm nước lọc, mỗi người cầm một cái ca lớn bằng nhựa đựng nước lọc, lần lượt từng người một ngửa mặt lên trời đổ nước vào miệng. Nhìn cảnh này tôi lại nhớ những năm 1980 ở các làng quê xứ Quảng, mấy mẹ, mấy chị quang gánh đi chợ về hay cánh đàn ông đi làm đồng về thường ghé quán nước chè ven đường để mua một bát uống giải khát, có mấy đồng thì mua thêm cái bánh tráng sắn và miếng dừa, như thế là sang lắm lúc bấy giờ. Có gì bằng khi cắn miếng dừa, thêm miếng bánh tráng nghe vị béo vừa ngọt tan dần trong miệng. Ôi những ngày xưa.
Không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay ở trung tâm thành phố Hyderabad cũng vậy, những chiếc xe đẩy, hay xe máy chở theo những thùng bánh, có người đội cái thau trên đầu mời chào khách, nhìn những chiếc bánh vàng rộm trông rất ngon, khi bán cho khách họ thường lấy ngón tay thọc sâu vào giữa chiếc bánh và bốc nhân bỏ vào trong, không quan tâm những du khách nước ngoài nhìn ngơ ngác, họ thưởng thức những chiếc bánh ngon lành giữa khói bụi, ồn ào phố thị.
Âm thanh hỗn độn trên đường
Thành phố Hyderabad nơi tôi đang ở nằm phía nam Ấn Độ, thuộc bang Andhra Pradesh. Nơi đây là một trong những trung tâm thương mại nổi tiếng, sầm uất chỉ đứng sau Mumbai hay New Delhi… Ở thành phố này hầu như rất ít hãng xe taxi như ở Việt Nam, chỉ có uber taxi và xe tuk tuk là phương tiện đi lại chính của du khách và người dân Ấn Độ. Phương tiện đi lại cá nhân của người dân chủ yếu là mô tô hoặc xe ga, ở đây rất hiếm bắt gặp phụ nữ lái xe máy hoặc ô tô cá nhân ngoài đường, có chăng chỉ số ít những người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, tuy nhiên họ lái xe trên đường cũng e dè, trùm kín mặt. Ở Việt Nam mọi người thường la ó, phàn nàn về tình trạng đường giao thông kém chất lượng, ngập nước, kẹt xe… Hãy đến Ấn Độ để thỏa mãn sự càm ràm của mình, bàn chuyện ý thức chấp hành giao thông cả ngày không hết. Những năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống giao thông, đảm bảo tốt hơn nhu cầu người dân, giảm thiểu tai nạn đường bộ. Thế nhưng dân số đông, phương tiện cá nhân phát triển quá nhanh đã làm cho tình trạng giao thông ở đây rất lộn xộn. Nếu ai từng đến Ấn Độ sẽ cảm nhận được sự hồi hộp, lo lắng và cả căng thẳng khi tham gia giao thông trên đường. Những chiếc xe tuk tuk, xe bus, xe tải trang trí đầy màu sắc, sặc sỡ như những gì huyền bí vốn có ở đất nước thần linh này. Ngoài đường phố, những chiếc xe tuk tuk chạy như thoi đưa, đan qua đan lại, còn những chiếc xe bus chật như nêm thì hễ có chút khoảng trống là nhích lên cái ào rồi phanh gấp ngay sát đuôi ô tô, cũng chẳng thấy hành khách phàn nàn. Động cơ những chiếc mô tô rất êm nhưng còi xe thì ngược lại, có những chiếc xe tải còn trang bị dàn âm thanh hifi mở hết công suất. Thế nên đi trên đường tai bạn sẽ ù đi và không nhận biết được thứ âm thứ gì trong mớ hỗn độn ấy.
Người Ấn Độ luôn giữ cách ăn truyền thống bằng tay. |
Những ngày cuối tuần, tôi thường bắt xe tuk tuk đi chợ, đến các trung tâm mua sắm, thăm di tích văn hóa, đền đài, bảo tàng. Ông Satay Ranajan đã chạy xe tuk tuk trong thành phố này gần 20 năm, nói tiếng Anh đủ để du khách hiểu. Mỗi lần đón xe, ông Satay Ranajan đường như hiểu ý nên chạy chậm rãi để giảm bớt căng thẳng của một du khách mới đến thành phố này, và có thể dừng bất cứ lúc nào để tôi chụp ảnh. Hành trình qua những ngả đường, con phố cùng với ông Satay Ranajan, tôi chứng kiến những chiếc xe tải nặng, tải nhẹ đều có thể dừng lại trên đường để tài xế có thể… đi tiểu. Các mô tô thình lình đổi hướng để tránh một xe đẩy chở đầy trái cây đang lao nhanh từ làn đường kế bên. Những tài xế vừa nói chuyện điện thoại vừa vào số để sang đường, gương chiếu hậu thường bị gập vào trong hoặc không có. Người lái mô tô thì kẹp điện thoại giữa tai và vai để nói chuyện. Trong khi đó, nhiều mô tô, xe tuk tuk đậu tràn xuống lòng đường, tài xế thích thì dừng lại nói chuyện ngay trên đường, mọi chuyện dường như cứ thế diễn ra, chẳng thấy ai phàn nàn một câu...
Ở Ấn Độ, luật đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy chỉ áp dụng với nam giới, chứ không có hiệu lực với phụ nữ. Chính phủ nước này vẫn đang cố gắng vận động phụ nữ đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Thế nhưng nhiều người dân cho rằng đội mũ bảo hiểm gây khó chịu do thời tiết nắng nóng và ẩm. Trong khi đó, đàn ông của cộng đồng Sikh được miễn thi hành luật, lý do chủ yếu vì yêu cầu tôn giáo buộc họ phải đội khăn xếp.
Ghi chép của CHÂU TẤN