Tiến bộ vượt bậc điều trị HIV toàn cầu
Cơ quan phòng chống AIDS Liên hiệp quốc (UNAIDS) vừa công bố những tiến bộ vượt bậc trong công tác điều trị căn bệnh thế kỷ - HIV/AIDS.
Các nhà khoa học vẫn tích cực nghiên cứu về thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh HIV. Ảnh: innovation |
Theo đó, tiến bộ nổi bật nhất là số bệnh nhân nhiễm HIV trên toàn cầu được tiếp cận với phác đồ điều trị bệnh bằng thuốc kháng vi rút HIV tăng cao. Mặc dù đây không phải là một cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn (hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng chống bệnh HIV), nhưng có thể kiểm soát vi rút để người bệnh sống khỏe mạnh hơn, kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Nếu như năm 2000, có khoảng 650 nghìn người được tiếp cận với thuốc kháng vi rút HIV, đến tháng 6.2017, con số này tăng lên 29 triệu người. Riêng tại châu Phi, số người được tiếp cận thuốc kháng vi rút HIV tăng từ 90 nghìn người của năm 2000 lên 4 triệu người năm 2017. Trong 10 năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì HIV giảm 50% trên thế giới. Theo UNAIDS, kết quả này là cộng hưởng từ sự quyết tâm của người nhiễm bệnh, sự hậu thuẫn vững chắc của nhà lãnh đạo và các cam kết về tài chính liên quan.
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, nguy cơ lây nhiễm từ một bệnh nhân nhiễm HIV và được điều trị với ARV cho hiệu quả giảm tới 97%. Trong khi phương pháp điều trị dành cho phụ nữ mang thai giúp giảm mạnh nguy cơ lây truyền vi rút từ mẹ sang con. Trong giai đoạn 2010 - 2016, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con giảm khoảng 56% tại các quốc gia Đông và Nam Phi, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của HIV và giảm khoảng 47% trên toàn cầu. Do đó, Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibé nói, sự tiến triển trong công tác điều trị HIV rất đáng khích lệ, cần được duy trì và nhân rộng. Vào tháng 9 vừa qua, một nghiên cứu mới của Viện Y tế quốc gia Mỹ phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi đã tìm ra một kháng thể có khả năng tấn công 99% chủng HIV. Được biết, các nhà nghiên cứu sẽ đưa những kháng thể mạnh này vào một cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người, dự kiến tiến hành vào năm 2018.
Lần đầu tiên, Liên hiệp quốc ghi nhận quy mô của đại dịch HIV/AIDS đã được kiểm soát và công bố nhân hội nghị quốc tế về HIV/AIDS diễn ra tại Paris (Pháp) vào tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, UNAIDS đặt ra thách thức hiện nay khi thế giới vẫn còn khoảng 17 triệu người nhiễm HIV; trong đó bao gồm 1,2 triệu trẻ em cần được tiếp cận với thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, mục tiêu Liên hiệp quốc đặt ra là vào năm 2030 sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS. Vì vậy, mọi sáng kiến thúc đẩy việc người nhiễm HIV/AIDS và nguy cơ nhiễm được tiếp cận điều trị là vấn đề cốt lõi để hoàn thành mục tiêu trên.
Kể từ khi HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1981 tại Mỹ, đến nay đã có 3 bệnh nhân may mắn được chữa khỏi HIV, bao gồm một bệnh nhân người Nam Phi và hai người tại Mỹ. Tuy kết quả không mấy đáng kể so với số lượng hàng chục triệu người nhiễm bệnh nhưng cũng mở ra hướng tiếp cận chữa bệnh mới cho y học. Một khó khăn khác là nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế phòng chống HIV/AIDS đang giảm đi, kể cả cho nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS.
NAM VIỆT