4,3 triệu người sử dụng Internet ở Việt Nam được kết nối qua IPv6
(QNO) - Trung tâm Internet Việt Nam vừa cho biết, theo số liệu của APNIC và phòng Lab Cisco, tính đến cuối tháng 10/2017, chỉ số tỷ lệ người dùng của Việt Nam truy cập Internet qua IPv6 đạt khoảng 10%, với khoảng 4.300.000 người sử dụng IPv6.
Từ tháng 4/2017 cho đến nay, ỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã liên tục tăng trưởng mạnh (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC cũng cho hay, trong 20 năm qua, tài nguyên địa chỉ IP của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, phục vụ đắc lực cho sự tăng trưởng chung về Internet.
Năm 2007, Việt Nam đã đạt 1 triệu địa chỉ IPv4 và chỉ 3 năm sau, vào năm 2010 số lượng địa chỉ IPv4 đã tăng lên, đạt 10 triệu địa chỉ. Theo số liệu của potaroo.net, sau 20 năm Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu, tổng địa chỉ IPv4 của Việt Nam hiện đã đạt hơn 15,9 triệu địa chỉ IPv4, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, sau Indonesia; đứng thứ 8 châu Á và thứ 29 toàn cầu.
Biểu đồ tăng trưởng địa chỉ IPv4 của Việt Nam từ năm 2000 cho đến cuối tháng 10 năm nay (Nguồn: VNNIC) |
Hiện nay, trên mạng Internet Việt Nam có tổng số 350 mạng độc lập. Những năm gần đây, gia tăng đáng kể các tổ chức có mạng lưới kết nối đa hướng, đăng ký sử dụng số hiệu mạng ASN và vùng địa chỉ độc lập. Điều này thể hiện sự đa dạng, phát triển trong mạng lưới hạ tầng thông tin với sự trưởng thành trong mạng lưới người sử dụng.
Một điểm nhấn trong công tác quản lý phát triển tài nguyên số chính là quá trình thúc đẩy phát triển ứng dụng địa chỉ Internet phiên bản mới IPv6, thay thế cho nguồn IPv4 đã cạn kiệt để tiếp nối các hoạt động phát triển Internet.
Đón trước xu thế cạn kiệt tài nguyên địa chỉ IPv4, Việt Nam đã triển khai các hoạt động chuyển đổi IPv6 từ năm 2008, bắt đầu từ Chỉ thị 03 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.
Cụ thể, năm 2009, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã được thành lập để nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam. Tiếp đó, vào năm 2011, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với 3 giai đoạn: Chuẩn bị (2011 - 2012); Khởi động (2013 - 2015); và Chuyển đổi (2016 - 2019), với mục tiêu đảm bảo Internet Việt Nam hoạt động ổn định, bền vững trên nền tảng công nghệ IPv6.
Từ sau sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam năm 2016, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam bắt đầu tăng trưởng tốt. Số liệu thống kê từ hệ thống Trung tâm mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho thấy, tính đến ngày 31/10/2017, chỉ số tổng thể triển khai IPv6 của Việt Nam đạt mức 10%, có mặt trong Top 3 khu vực ASEAN và Top 5 châu Á, sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan. Cũng tại thời điểm cuối tháng 10 năm nay, số lượng người dùng IPv6 tại Việt Nam là khoảng 4,3 triệu người, theo nguồn từ phòng Lab Cisco.
Biểu đồ về tăng trưởng tỷ lệ triển khai IPv6 tổng hợp của Việt Nam qua hệ thống theo dõi của APNIC. |
VNNIC nhận định, tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung của Việt Nam có được là do kết quả triển khai dịch vụ IPv6 tốt của 2 doanh nghiệp tiêu biểu là FPT Telecom, Tập đoàn VNPT và hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng mạng DNS quốc gia và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX).
Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2017, FPT đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 882.230 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Theo số liệu của APNIC, tỉ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của FPT Telecom thời điểm đó đạt khoảng 29,61%.
Với VNPT, tính đến tháng 7/2017, VNPT đã triển khai dịch vụ IPv6 cho hơn 500.000 thuê bao khách hàng băng rộng cố định trên 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh đó, tập đoàn này đã thử nghiệm triển khai dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6. Thống kê của APNIC cho thấy, tỉ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của VNPT đã tăng trưởng bứt phát từ 0,003% vào tháng 1/2017 lên khoảng 7,53% vào cuối tháng 9/2017.
Ngoài FPT Telecom và VNPT - 2 doanh nghiệp tiêu biểu đã triển khai IPv6 tới các khách hàng đầu cuối, số liệu của APNIC cũng cho thấy, một số nhà mạng khác đã nỗ lực trong việc triển khai IPv6 như CMC Telecom, Viettel, NetNam, MobiFone...
Năm 2017 là năm thứ hai của giai đoạn 3 - giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019) của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Là giai đoạn dài nhất, quan trọng nhất, quyết định kết quả cuối cùng trong việc thực hiện mục tiêu tổng thể quốc gia về triển khai ứng dụng công nghệ IPv6 trong hoạt động mạng Internet Việt Nam, giai đoạn chuyển đổi hướng tới các mục tiêu hoàn thiện và nâng cấp mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia; hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam; đảm bảo cho Internet Việt Nam hoạt động hoàn toàn tương thích, an toàn với IPv6.
Tại Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2017 đã được Bộ TT&TT ra quyết định ban hành hồi trung tuần tháng 3 năm nay, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã xác định rõ 30 nhiệm vụ theo 5 mảng công tác sẽ được tập trung triển khai, bao gồm: Kiện toàn nhân sự Ban công tác; Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Đào tạo, hợp tác quốc tế; Phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6.
Trong đó, với nhiệm vụ mở rộng dịch vụ IPv6 tới người sử dụng, Ban công tác dự kiến trong năm nay, toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng FTTH; đồng thời nhân rộng việc cung cấp IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định với tỷ lệ tăng trưởng đều hàng năm. Các ISP vừa và nhỏ được yêu cầu hoàn thiện công tác thử nghiệm và đi đến triển khai chính thức IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định vào cuối năm 2017.
Theo ictnews.vn