Chung tay vì bình đẳng giới

LÊ DIỄM 15/11/2017 08:49

Thời gian qua, bạo lực gia đình, nạn mua bán người, xâm hại trẻ em ở Quảng Nam dù chưa phải là vấn nạn nhưng đây đó cũng đã xảy ra những vụ việc đau lòng, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái.

UBND tỉnh tặng bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Bình đẳng giới. Ảnh: D.LỆ
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tiên Phước phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật lồng ghép tuyên truyền bình đẳng giới. Ảnh: L.D

Thực trạng đáng báo động

Từ năm 2013, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 9 vụ mua bán người, với 14 nạn nhân bị mua bán. Trong đó hầu hết nạn nhân là phụ nữ ở các vùng khó khăn, khu vực miền núi cao, nơi việc tiếp cận các thông tin xã hội còn hạn chế, dễ bị dụ dỗ đi làm thuê với mức thu nhập cao. Như trường hợp của Z.T.T. (huyện Nam Giang). Năm 2013, mới 16 tuổi, chưa học hết lớp 9, T.T. đã nghe lời người lạ dẫn dụ đi theo họ sẽ có công việc lương cao, thay đổi cuộc đời. Nhưng cuộc đời T. thay đổi theo hướng hoàn toàn ngược lại, khi bị bán sang Trung Quốc, đưa vào ổ chứa mại dâm. Bao nhiêu lần bị mua làm vợ, rồi lại bị bán vào ổ chứa, T. nghĩ đến chuyện trốn chạy. Rồi T. cũng quyết định thực hiện ý nghĩ táo bạo đó. Trốn, rồi bị bắt lại, qua vài lần thất bại T. mới trốn được và dò đường đến cửa khẩu, báo với lực lượng chức năng và nhận được sự giúp đỡ đưa về quê nhà. Về đến nhà, T. phải đối diện với bao ánh mắt dò xét, soi mói về thời gian T. vắng nhà. Trước ứng xử của cộng đồng, T. trốn trong nhà, không dám ra ngoài, sợ tất cả mọi người, sợ bị bắt trả thù, sợ người khác biết về quá khứ. Người thân phải túc trực bên cạnh để động viên, an ủi và phòng T. nghĩ cạn mà làm điều dại dột. Chỉ đến khi được chính quyền địa phương, tổ chức World Vision trợ giúp, T. mới dám tiếp cận với người khác. Giờ thì T. đang được giúp đỡ tiếp tục đi học, làm lại cuộc đời.

"Chúng ta cần lên tiếng, cần chung tay để phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái được đối xử bình đẳng, đầu tiên là bình đẳng từ trong gia đình”.
(Ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH)

Ở miền núi, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ngoài giá thú vẫn còn tồn tại. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hôn nhân ngoài giá thú vẫn xảy ra trên địa bàn các huyện miền núi. Ông Blúi nói: “Thời gian qua, huyện đã tuyên truyền rất nhiều trong nhân dân về những hiểm nguy của hôn nhân cận huyết thống và tích cực vào cuộc ngăn chặn nạn tảo hôn. Dù có giảm nhiều, nhưng thi thoảng điều này vẫn xảy ra. Đối với hôn nhân ngoài giá thú, khi có mâu thuẫn và không sống với nhau được nữa, chỉ phụ nữ và trẻ em chịu khổ. Bao nhiêu công sức của phụ nữ lao động làm ra cho gia đình chồng nhưng khi bỏ nhau người vợ không được hưởng gì cả, lại phải nuôi con, thiệt thòi đủ đường cho cả mẹ và con. Có trường hợp gia đình vay vốn nhưng do người nữ đứng tên vay, khi không còn sống chung chính họ phải chịu trách nhiệm chi trả, rất thiệt thòi cho phụ nữ. Chúng tôi rất cố gắng nhưng vẫn chưa thể giảm trường hợp hôn nhân ngoài giá thú”. Ông Blúi thông tin thêm, lao động nữ của Tây Giang khi đi lao động xa rất dễ bị lừa đảo. Gần đây ở huyện có một trường hợp nhờ được kịp thời phát hiện và ngăn chặn, nếu không đã trở thành nạn nhân của mua bán người.

Xóa bỏ bạo lực!

Bạo lực gia đình vẫn đang là câu chuyện nhức nhối của xã hội. Mới đây, chị P.T.T.H. ở xã Tam Lộc (Phú Ninh) gửi đơn tố cáo, kêu cứu vì bị chồng đánh đến mức phải nhập viện. Theo lời chị H. thì chồng chị là một lãnh đạo của xã Tam Lộc có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ khác, bị chị bắt được. Thay vì ăn năn quay về với vợ, chồng chị còn thách thức và thường xuyên đóng cửa đánh vợ. Lần bị bạo hành này, đã hết sức chịu đựng, chị làm đơn tố cáo để bảo vệ bản thân. Đến thăm chị H. tại bệnh viện, chúng tôi không khỏi xót xa khi có lúc chị bị rơi vào tình trạng “nhớ nhớ quên quên”, ôm lấy ngực mà kêu “em xin anh đừng đánh em”. Những người phụ nữ khi bị bạo hành thường cắn răng chịu đựng vì hạnh phúc gia đình hay vì con cái, sợ xã hội dị nghị, dòm ngó. Chỉ khi “tức nước vỡ bờ” họ mới đấu tranh để thoát khỏi cảnh ô nhục bị bạo lực. Đau đớn hơn, những trẻ em, nhất là trẻ em gái khi bị bạo lực, các em không có khả năng tự bảo vệ, nên không chỉ có nỗi đau thể xác, đáng sợ hơn là nỗi đau tinh thần ám ảnh dai dẳng.

Theo Sở LĐ-TB&XH, cơ quan thường trực thực hiện công tác bình đẳng giới của tỉnh, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Như năm 2014 có 256 vụ, năm 2015 có 233 vụ và năm 2016 có 181 vụ. “Đối tượng bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái; tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đặc biệt là trẻ em gái có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Để xóa bỏ thực trạng này, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Từ khi thực hiện Luật Bình đẳng giới đến nay đã thấy được sự vào cuộc của cộng đồng xã hội nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Bởi mọi người còn e ngại rằng bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình, không phải là chuyện của xã hội. Và cũng còn tâm lý sợ mất lòng nhau, nên có người dù biết gia đình hàng xóm có bạo lực nhưng lại không lên tiếng. Chúng ta cần lên tiếng, cần chung tay để phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái được đối xử bình đẳng, đầu tiên là bình đẳng từ trong gia đình” - ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH bày tỏ. Ông Thùy còn cho hay, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2017, nhiều hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái sẽ được tổ chức trên toàn tỉnh. Qua những hoạt động này, cơ quan chức năng hy vọng Luật Bình đẳng giới sẽ được tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, kêu gọi xã hội vào cuộc, chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi vấn nạn bạo lực.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM