Nhòe cay mắt... núi
Sau cơn mưa núi dầm dề, đất rẫy bất thình lình đổ ập. Nhiều người vùi lấp, nhiều người bị thương và có nhiều người may mắn sống sót trở về. Nhưng, sau lũ, bao trăn trở về mùa giáp hạt cứ bám lấy những mảnh đời, khi cánh rẫy đang vào mùa thu hoạch đã bị chôn lấp. Hiện ra trước mắt, với họ, là bộn bề lo toan.
Chị Nguyễn Thị Viên (giữa) nghẹn ngào kể lại sự việc đau lòng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tôi lặng người, khi nghe họ kể về giây phút cứu nhau thoát khỏi cái chết trong trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra, khi đang thu hoạch lúa mùa trên cánh rẫy, vào chiều 5.11. Họ - những người từng sinh ra trên chòi rẫy giữa rừng.
1. Trưa 9.11, một ngày sau khi thi thể của vợ chồng Nguyễn Xuân Sơn (66 tuổi) và Lê Thị Thu (57 tuổi, cùng là dân tộc Bh’noong, ngụ thôn 4, xã Phước Hiệp, Phước Sơn) được người thân chôn cất, chúng tôi tìm về thắp nén nhang cho các nạn nhân xấu số. Anh Nguyễn Xuân Yêm, con trai thứ của vợ chồng ông Sơn, rầu rĩ ngồi trước di ảnh bố mẹ. Ngôi nhà nhỏ im ắng, lặng buồn dưới cơn mưa rừng rả rích. Chỉ có làn khói nghi ngút lặng lẽ tỏa ra từ phía bàn thờ, càng khiến không gian thêm trầm lắng, tang thương. Một người hàng xóm của nạn nhân kể, rằng số ông bà quá khổ. Hồi còn sống, luẩn quẩn trong cái đói, cái nghèo bám riết. Cả 7 người con, ai cũng lam lũ với cuộc sống gia đình, không giúp gì được bố mẹ. Con gái út Nguyễn Thị Vy đang học lớp 11 ở trường huyện. Bố mẹ ra đi đột ngột, Vy buồn bã trở về nhà, gào khóc thảm thiết. Ngồi trong căn nhà, tôi nhìn Vy. Cô bé có đôi mắt sáng, thẫn thờ nhìn lên di ảnh bố mẹ, rồi lại gạt dòng nước mắt. Tôi biết, Vy khóc thương cho bố mẹ và cũng khóc cho chính tương lai của mình. Bởi, mai mốt, trên chặng đường học tập, khó khăn là điều Vy đã có thể đoán trước. Vy nói, phải đủ 10 ngày sau đám tang của bố mẹ, em mới lên trường. Tập tục của người Bh’noong, từ bao đời vẫn thế. Rồi Vy lại khóc. Những giọt nước mắt trong mưa, mặn đắng, nghẹn ngào trong nỗi đau xé lòng.
Chị Nguyễn Thị Viên, ngồi cạnh tôi, cũng sụt sùi trong nước mắt. Chị nói không ngờ bố mẹ lại bị vùi lấp trên chính cánh rẫy của mình. Đau thương quá. Cánh rẫy của chị Viên ở tận thôn 8 (xã Phước Hiệp), nơi vợ chồng chị sinh sống bây giờ. Cả năm phát dọn, chăm sóc, đến mùa thu hoạch chưa kịp vui mừng thì đã xảy ra vụ sạt lở thương tâm. Bố mẹ, cùng một người cháu họ hàng bên chồng bị vùi lấp ngay trên cánh rẫy của vợ chồng. Chị Viên nói như trách móc bản thân, rằng nếu biết trước sự việc sẽ không nhờ bố mẹ đến gặt lúa giúp mình. Nhưng có ông trời mới biết được, mọi việc xảy ra quá bất ngờ. Dưới căn chòi đó, bình yên suốt bao mùa rẫy, nay trở thành nơi tang thương chỉ sau một ngày mưa lớn. Câu chuyện bị đứt quãng. Chị Viên lặng lẽ rời đi. Có điện thoại từ một người em của chị, là Nguyễn Thị Vân, lấy chồng ở thôn 2 (xã Trà Vân, Nam Trà My). Trong cuộc nói chuyện, tôi nghe tiếng khóc nấc của chị Vân đầy bất lực. Cũng vì mưa lũ, đường sá tại Nam Trà My bị chia cắt hoàn toàn. Dù biết tin bố mẹ mất, nhưng chị Vân không thể tìm đường về lo hương khói. Mà cũng chỉ trước đó vài ngày, bố chồng chị Vân cũng đột ngột qua đời.
Theo nguồn tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Phước Sơn, vụ sạt lở đất xảy ra vào khoảng 16 giờ chiều 5.11, tại khu vực khe Nước Đục (thuộc thôn 8, xã Phước Hiệp) trong lúc người dân địa phương vào rẫy thu hoạch lúa mùa. Sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng băng rừng ứng cứu. Đến khoảng 15 giờ 30 ngày 8.11, thi thể vợ chồng ông Nguyễn Xuân Sơn và Lê Thị Thu được tìm thấy, đưa về để người thân lo hậu sự. Riêng thi thể của Hồ Văn Đức, hiện còn chôn trong rừng, cạnh hiện trường vụ sạt lở. |
2. Căn nhà của anh Trần Xuân Thành (25 tuổi) nằm sâu dưới chân núi phía bên này sông Đăk Mi đục ngầu mưa lũ. Thành gọi vợ chồng ông Nguyễn Xuân Sơn bằng cậu ruột. Lúc xảy ra sạt lở trên rẫy của chị Viên, Thành đã dũng cảm cứu sống nhiều người khác. Có khách, Thành ngồi dậy. Căn nhà cấp 4 chừng 30m2 ướt sũng sau đợt lũ tràn. Không bàn ghế, chúng tôi đành lót dép ngồi tạm dưới đất. Đã qua nhiều ngày sau trận lở đất trong rừng sâu, gương mặt của Thành vẫn chưa hết bàng hoàng. Thành nói, mình không thể chợp mắt. Nỗi ám ảnh cứ lởn vởn trong tâm trí. Hễ nhắm mắt, lại thấy cảnh đất sạt, người bị vùi lấp, cùng tiếng khóc thét trong cơn mưa lạnh. Nơi xảy ra vụ sạt lở đất, ngoài đồi rẫy của chị Viên, còn có rẫy của vợ chồng Thành, đang vào mua thu hoạch. Tất cả đều bị chôn vùi dưới đống đất đá. Ngoài lúa, trên cánh rẫy đó, Thành còn trồng keo. Keo được hơn 2 năm, lớn đều giữa rừng, chờ thêm vài năm nữa sẽ thu hoạch. Nhưng nào ngờ, chỉ sau một trận mưa kéo dài từ ngày hôm trước, Thành mất trắng kinh tế gia đình. Nhưng, mất mát với Thành lại không hoàn toàn chỉ những đồi rẫy, đồi keo, mà là nỗi đau chứng kiến người thân bị vùi lấp ngay trước mắt mình. Nỗ lực của anh, cũng chỉ cứu được 4 người, đó là vợ chồng ông Hồ Văn Chiến, Hồ Thị Vân, cùng con dâu và đứa cháu nội chưa tròn 1 tuổi, đều trú ở thôn 8, xã Phước Hiệp. Riêng Hồ Văn Đức, con trai ông Chiến, dù đã được Thành nỗ lực đào bới đưa ra khỏi đống sạt lở nhưng không qua khỏi. Cả đêm đó, nhóm của Thành không ngủ được, ngồi thức trắng đêm bên thi thể của Đức, ôm nhau khóc. Ông Chiến bị núi đè gãy chân, một mình Thành dùng rựa đào huyệt để chôn Đức ngay cạnh điểm sạt lở. Bộ quần áo mình đang mặc, Thành cũng tặng người bạn xấu số. “Đến ngày 8.11, khi cơn mưa tạm ngớt, lũ rút dần, mình mới dám băng qua dòng suối để về báo tin” - Thành kể lại.
Lúa rẫy chưa kịp thu hoạch, Thành nói, chắc năm nay mình đói ăn. Lập gia đình được 3 năm, vợ chồng Thành chỉ biết bám rừng, bám rẫy. Đứa con nhỏ nay đã vào mẫu giáo, càng khiến điều kiện thêm khó khăn. Hỏi nguồn thu nhập gia đình, Thành lắc đầu, nói hễ có công việc gì mình làm nấy, từ bốc vác keo, phụ hồ, cho đến bứt mây, làm rẫy… Vợ Thành, chị Hồ Thị Kim ngồi bên chồng, không nói được câu nào. Hồi sạt lở đất xảy ra, Kim cũng có mặt, chứng kiến sự việc đau lòng mà chân tay bủn rủn. “Sự việc xảy ra nhanh quá. Ai cũng không kịp trở tay” - chị Kim nói. Trên gương mặt của người phụ nữ, nỗi sợ hãi vẫn còn hiện hữu, bần thần đầy ám ảnh.
Cuối chiều, vợ chồng Thành dắt đứa con nhỏ đến thắp hương cho cậu mợ vừa mất (vợ chồng ông Nguyễn Xuân Sơn). Thành khóc. Bên trong, nơi gần bàn thờ di ảnh vợ chồng ông Sơn, mưa dột ướt một góc nhà…
ALĂNG NGƯỚC