Mở cửa thương mại đa phương
Sau ba ngày nhóm họp (4 - 6.11) tại Trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana (Đà Nẵng), kỳ họp thứ 4 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 4) đã kết thúc. ABAC đã hoàn thiện các báo cáo, đưa ra 20 khuyến nghị, chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa ABAC và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào ngày 10.11 tới.
Kỳ họp thứ 4 của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 4). Ảnh: T.D |
Đưa ra 20 kiến nghị
Kỳ họp kéo dài trong 3 ngày. Thông qua các cuộc họp của 5 nhóm công tác (tài chính và kinh tế, hội nhập kinh tế khu vực, phát triển bền vững, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm kết nối), tất cả thành viên ABAC đã thống nhất các khuyến nghị về những lợi ích của tự do hóa và phát triển thương mại, dịch vụ, giảm thiểu hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa để hình thành một khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương.
Tại cuộc họp báo chiều tối ngày 6.11, Chủ tịch ABAC Hoàng Văn Dũng cho biết, ABAC sẽ gửi 20 kiến nghị lên các nhà lãnh đạo APEC. Bao gồm 6 kiến nghị liên quan đến hội nhập: ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự mới về lĩnh vực dịch vụ, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020; 4 kiến nghị về kết nối khu vực và thể chế, hạ tầng và con người và 10 kiến nghị về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế. ABAC 4 kêu gọi lãnh đạo các nền kinh tế APEC cần thể hiện sự quyết tâm trong thúc đẩy tự do hóa thương mại (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) cũng như sự tự do dịch chuyển nguồn lực đầu tư.
Theo ông Dũng, nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục, thương mại gia tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Báo cáo của ABAC đã đề cao những thay đổi đáng kinh ngạc khi nền kinh tế số đã tạo ra xu hướng dịch chuyển tiềm năng trong tương lai. Sự chênh lệch về trình độ phát triển lẫn nhiều nhóm người dễ bị tổn thương đang là một thách thức APEC phải đối mặt. ABAC sẽ tiếp tục tập trung vào chương trình này trong năm 2018. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, để GDP của các nền kinh tế APEC tăng trưởng 3,7% trong năm tới, các nền kinh tế APEC cần cải thiện thể chế, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới và thực hiện cam kết thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương.
Kỳ vọng
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho hay 20 kiến nghị của ABAC đã chạm đến những vấn đề của doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế thành viên đang phải đối mặt. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chương trình nghị sự về phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch ABAC cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Song, hiện tại đang có những lực cản khiến các doanh nghiệp này khó tiếp cận cơ hội đang mở. ABAC kêu gọi xây dựng khuôn khổ chính sách thương mại điện tử tiến bộ trên toàn APEC để tăng cường khả năng tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật số cho các doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận toàn diện cơ sở dữ liệu khu vực và toàn cầu.
Sự tăng trưởng 20 năm qua của Việt Nam được đánh giá nhờ vào hội nhập kinh tế, ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh. Chính phủ đã coi trọng doanh nghiệp tư nhân. Sáng kiến “thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo” (thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ sự tham gia bền vững, hiệu quả của các doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp trong kỷ nguyên số) là sáng kiến của Việt Nam. Sáng kiến là cơ hội trông chờ vào thế hệ doanh nhân trẻ. Chính họ sẽ tạo ra sự năng động, sáng tạo và tạo ra sức bật mới khi tham gia thị trường...
Xây dựng một khu vực APEC cởi mở, đổi mới và bao trùm với một tầm nhìn dài hạn để có thể tạo ra tăng trưởng bền vững và bao trùm trong khu vực. Theo ABAC, 4 lĩnh vực ưu tiên (hội nhập và tự do hóa thương mại, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực) sẽ trở thành động lực để phát triển theo kế hoạch cam kết. Ông Hoàng Văn Dũng nói nếu như Việt Nam áp dụng được những công nghệ mới sẽ tiết kiệm được thời gian và rút ngắn khoảng cách với những nền kinh tế phát triển. Cùng quan điểm trên, khá nhiều thành viên ABAC cho hay cần khuyến khích phát triển các kế hoạch này hơn nữa. TS.Alan Bollard - Giám đốc Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương cho rằng thương mại điện tử, phát triển doanh nghiệp nhỏ, vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế đã được thảo luận. Bà Ro Hana Binti Mahmood (Malaysia) nói nên khuyến khích phụ nữ tham gia nền kinh tế khu vực mạnh hơn nữa, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi internet phát triển và lực lượng trẻ rất năng động là lợi thế cho phụ nữ tham gia nền kinh tế. Ông Allan Zeman (Hồng Kông – Trung Quốc) khẳng định thời đại kỷ nguyên số chỉ có lực lượng doanh nghiệp trẻ năng động, có nhiều ý tưởng sáng tạo như các startup mới có thể tạo nên những bước phát triển mang tính đột phá. Nhưng các doanh nghiệp này có thể thành công hoặc gặp rủi ro. Vì vậy, nên cần có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp và các nhà đầu tư cũng nên mạnh dạn đầu tư cho các startup.
TRỊNH DŨNG