Vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế
Trước thềm hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Toàn cảnh hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 tại TP.Hội An. |
Được thành lập cách đây gần 30 năm, APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, là một trong những đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Việt Nam tham gia APEC vào năm 1998, đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng tới đây là lần thứ hai Việt Nam được vinh dự đăng cai năm APEC. Chủ đề của sự kiện năm nay là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhằm thúc đẩy tăng trưởng và liên kết sâu rộng tại khu vực. Dù còn sự khác biệt, các thành viên APEC nhất trí, ủng hộ 4 hướng ưu tiên năm APEC 2017 của Việt Nam bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bài viết mới đây trên tạp chí Trung tâm ASEAN (ASEAN Centre) của Học viện Ngoại giao Nga, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ ủng hộ các nghiên cứu khoa học “Sáng kiến Á - Âu” của Nga - Georgi Chofimchuk, nhận định Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy với uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế. Bên cạnh là một nền kinh tế thành viên của APEC, Việt Nam đến nay tham gia và đóng vai trò chủ động trong hơn 70 tổ chức uy tín của khu vực và toàn cầu. Đáng chú ý là Tổ chức Liên hiệp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 170 quốc gia và là thành viên của 650 tổ chức phi chính phủ. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vươn lên và tìm kiếm cơ hội mới vì mục tiêu hội nhập và hợp tác toàn cầu.
Sau hơn một thập kỷ, Việt Nam một lần nữa đóng vai trò thành viên chủ nhà của năm APEC, thể hiện uy tín trong cộng đồng quốc tế. Tham dự hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan từ ngày 18.2 đến ngày 3.3 vừa qua tại TP.Nha Trang, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế Hàn Quốc, Lee Taeho đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam để chuẩn bị cho chương trình nghị sự năm APEC 2017. Các ưu tiên của Việt Nam bao gồm thúc đẩy phát triển bao trùm, sáng tạo và bền vững. Các thành viên APEC đã có một khởi đầu tốt đẹp để hướng tới Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới. Thứ trưởng Lee Taeho hy vọng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, APEC sẽ có một năm thành công. Trong khi đó, cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Indonesia đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam đối với APEC, một phần nhờ vào kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Học viện Quốc phòng Úc cho hay, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để thúc đẩy cải cách APEC và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ hai diễn ra tại Việt Nam phản ánh chính sách dài hạn trong việc đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
QUỐC HƯNG