Mẹ trong điêu khắc của Phạm Hồng

TRẦN TRUNG SÁNG 29/10/2017 06:58

“Dòng sữa mẹ” - tác phẩm của nhà điêu khắc Phạm Hồng vừa được Quỹ điêu khắc Đà Nẵng tài trợ thực hiện tặng dự án Vườn tượng APEC nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tổ chức vào tháng 11 sắp đến tại Đà Nẵng. Đây là một trong nhiều tác phẩm về người mẹ - đề tài mà Phạm Hồng rất tâm huyết.

Bà má miền Nam (bằng đá).
Bà má miền Nam (bằng đá).

“Dòng sữa mẹ” có chất liệu bằng đá trắng, chiều cao 1m8, tính cả đế khoảng trên 2m. Theo Phạm Hồng: “Hình tượng người mẹ trong tác phẩm là hình tượng chung của người mẹ Việt Nam, luôn bao dung, độ lượng, dang tay che chở đứa con thân yêu. Dù qua bao năm tháng khắc nghiệt thăng trầm, nhưng người mẹ vẫn điềm nhiên ấp ủ đứa con lớn lên trong dòng sữa ngọt ngào. “Dòng sữa mẹ” là một trong những tác phẩm điêu khắc tâm đắc của tôi về đề tài người phụ nữ, người mẹ Việt Nam dành tặng thành phố, với ước nguyện nơi đây mãi mãi là mảnh đất an lành, trù phú, chào đón bè bạn muôn phương…”. Có thể nói, bên cạnh những tượng đài mang tính sử thi, thể hiện nổi bật tinh thần dũng cảm, khí phách anh hùng của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Phạm Hồng luôn dành phần lớn tác phẩm điêu khắc của mình về đề tài người mẹ. Đó là các tác phẩm: Hà Lam - chợ Được (1991 - 1995, bê tông cốt thép,  đặt tại chợ Được, huyện Thăng Bình); Mẹ con (1995, chất liệu tổng hợp giả đồng); Vũ điệu bất tử; Dòng sữa mẹ; Sự tích Âu Cơ; Mẹ biển cả…

Nhà điêu khắc Phạm Hồng sinh năm 1942. Quê xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, (tỉnh Hà Tây cũ), nay thuộc TP.Hà Nội. Giai đoạn 1963 - 1967, học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Việt Nam. 1967 - 1969, cùng đoàn cán bộ của Bộ Văn hóa vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, là cán bộ - họa sĩ Ban Tuyên huấn Khu 5. 1974 - 1976, tham dự trại sáng tác mỹ thuật do Ban Văn nghệ Giải phóng thuộc Tuyên huấn Khu 5 tổ chức. 1976 - 1981, là cán bộ - sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (ngành điêu khắc). 1981 - 2007, công tác tại Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, ủy viên Ban thư ký Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Đà Nẵng. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (từ 1982). Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2012.

Nhà điêu khắc Phạm Hồng cho biết, một trong những tác phẩm đầu tiên về người mẹ để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm với ông là “Bà má miền Nam”, bởi đây là đề tài ông được đánh giá cao khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (thời điểm 1980) và được giữ lại bảo tàng nhà trường. Tác phẩm đã được ông thực hiện rất kỳ công, gọt giũa chi li từng thớ đá, để thể hiện nét đẹp chân chất của bà má Nam bộ. Nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken (người thành lập Dự án Quỹ điêu khắc đá Đà Nẵng) cũng thừa nhận, đây là một trong những tác phẩm điêu khắc rất quan trọng của Phạm Hồng vào giai đoạn đầu. Song điều đáng tiếc, về sau khi ông có đề nghị xin nhà trường chuyển về Đà Nẵng bảo quản thì bức tượng đã bị đánh cắp. Tác phẩm thứ hai là “Bà mẹ Quảng Nam” (đồng đúc, 1980 - 1985) thể hiện hai nhân vật mẹ và con một cách nhìn trực diện, quyết liệt, một mất một còn đối mặt với quân thù. Cũng tương tự “Bà má miền Nam”, tác phẩm này ông cũng không dựa vào một chân dung có thực nào, mà chủ yếu là hồi ức về những chân dung ký họa các bà mẹ ông từng gặp trong thời kỳ chiến tranh (Phạm Hồng có 30 ký họa chiến trường thời điểm 1968 - 1974 được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam). Đặc biệt, trong đó, đa số tác phẩm ông thường muốn gửi gắm vào tinh thần người mẹ Điện Bình (Điện Bàn, Quảng Nam).

Bà mẹ Quảng Nam (đồng đúc).
Bà mẹ Quảng Nam (đồng đúc).

“Vũ điệu bất tử” cũng là một trong những tác phẩm được Phạm Hồng yêu thích. Ông cho biết, cùng là đề tài người mẹ, song tác phẩm này được sáng tác trong giai đoạn gần đây, theo xu hướng hiện thực tâm trạng, thoát thực hơn với thủ pháp cường điệu, song vẫn kết hợp hài hòa yếu tố tạo hình với yếu tố trang trí làm phong phú khối thuộc kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại. Nhiều nhà chuyên môn nhận định, nghệ thuật điêu khắc của Phạm Hồng là sự kết hợp nhạy bén của lý tính và cảm tính. Đặc biệt, trên các tác phẩm về hình tượng người mẹ của ông, hình khối thường “đóng”, căng, vạm vỡ, được làm sinh động bởi những vệt nhấn chắt lọc.  

Cần nhắc lại, Phạm Hồng còn là người đề xuất và phối hợp với nhà điêu khắc Na Uy Ovyn thực hiện Dự án điêu khắc đá Đà Nẵng nhằm thu hút các nhà điêu khắc trong và ngoài nước đến làm việc, để từ đó, Đà Nẵng hình thành nên công viên tượng bên bờ sông Hàn với nhiều tác phẩm tuyệt vời do các nhà điêu khắc tặng sau các đợt sáng tác. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về việc hiện nay rộ lên hiện tượng nhiều địa phương thi nhau xây dựng các công trình tượng đài vô cùng tốn kém, không được xã hội đồng tình, Phạm Hồng nói: “Tình trạng ấy thật đáng buồn. Bởi trong đó, không ít công trình thực hiện sai mục đích ý nghĩa, lặp đi lặp lại, ngay cả về chất liệu cũng vậy… Do đó, tôi nghĩ, đã đến lúc cần phải ngồi lại đánh giá một cách nghiêm túc, để mỗi một tượng đài dựng lên phải thực sự là một tác phẩm nghệ thuật và là biểu tượng có ý nghĩa phù hợp gắn liền đời sống văn hóa xã hội chính tại địa phương đó”.

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG