Đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam đề nghị khắc phục, xử lý nhiều hạn chế

NHO TUẤN 25/10/2017 08:59

Sáng 24.10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2017 và kế hoạch năm 2018. Theo báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp trong ngày khai mạc, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của đất nước có nhiều bước phát triển; dự báo cả năm 2017 sẽ đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tham gia thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam tập trung phân tích, mổ xẻ những vấn đề, mặt còn tồn tại hạn chế, đề nghị các bộ, ngành, Chính phủ tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn hiện nay về công tác bảo vệ môi trường tại hầu hết địa phương là quy hoạch các địa điểm xử lý rác thải vì ở đâu người dân cũng phản đối, ngăn cản; do vậy cần sớm có chương trình, kế hoạch tổng thể để xử lý vấn đề này. Về cải cách thủ tục hành chính, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song nhiều trường hợp cụ thể, người dân, doanh nghiệp vẫn còn bức xúc. Nêu vấn đề về trường hợp đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, đại biểu Phan Việt Cường thẳng thắn nói: “Cải cách thủ tục hành chính, nhưng đã hơn một năm nay việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu vẫn chưa xong? Người dân nghi ngờ và đặt nhiều câu hỏi về trường hợp này”. Chưa đồng tình với giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khi cho rằng việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu sẽ phát sinh nhiều vấn đề pháp lý và vượt quá thẩm quyền của bộ, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cần tập trung xử lý dứt điểm việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, xử lý môi trường, hoàn thổ và giao địa phương quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản, vì giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thì đương nhiên thu hồi; không thể để như tình trạng hiện nay gây thất thoát tài nguyên, mất an ninh trật tự, khó khăn trong công tác quản lý cũng như niềm tin trong nhân dân.

Đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng nhiều vấn đề bất cập trong cơ chế, chính sách, đã được các địa phương và đại biểu Quốc hội kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được các bộ, ngành trung ương tiếp thu, sửa đổi như: chậm phân cấp trong đầu tư, thủ tục đầu tư rườm rà, việc đánh giá phân loại hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn nhiều nội dung bất hợp lý... Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những bất hợp lý trong các cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Về điều hành kinh tế - xã hội, ngân sách trong thời gian đến, đại biểu Phan Thái Bình kiến nghị sớm khắc phục tình trạng giải ngân chậm, đẩy mạnh phân cấp trong đầu tư công; việc tăng lương hiện nay phải ưu tiên cho những người hưởng lương hưu thấp, đặc biệt là người nghỉ hưu trước năm 1993 có mức tăng lương cao hơn cán bộ đương chức (nhưng trung bình chung vẫn giữ mức tăng 7%); giao các địa phương sử dụng ngân sách thừa từ nguồn cải cách tiền lương để tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển; việc giao chỉ tiêu dự toán ngân sách cho các địa phương cần tính toán phù hợp với tình hình thực tiễn, dự báo chính xác các nguồn tăng thu cũng như các nguy cơ hụt thu ngân sách để chủ động trong quản lý, điều hành ngân sách.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ tiếp tục dành hơn 2 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách trước khi thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và các nghị quyết về ngân sách Nhà nước.

NHO TUẤN

NHO TUẤN