Đô thị, tìm và gặp...
Từ lâu lắm rồi, M. Heidegger (1889 - 1976) - triết gia về thuyết hiện sinh từng nói đến căn tính lo âu của con người, rằng “lo âu làm nên con người” và ông cũng tỏ ra quan ngại về cuộc sống đô thị, một hoàn cảnh tiêu biểu của con người “bị ném” vào thế giới phi lý, “bị bỏ rơi ở đó, tự kiếm lấy mà ăn, đổ máu ra mà sống, ngày đêm bồn chồn, ưu tư, kinh hoàng” (Lê Thành Trị - Hiện tượng luận về hiện sinh - Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1969 tr.459). Cũng theo ý Heidegger, thị dân với sự tiến bộ của công nghệ, văn minh, kỹ thuật thì rất “quyến rũ” nhưng “hời hợt, phiến diện, mất gốc…”. Nửa thế kỷ sau, thị dân cũng vẫn luôn đối mặt với sự đánh mất “ý thức về chính mình” trong đô thị nhưng có lẽ nhờ “chiếc van” văn hóa điều tiết để thị dân luôn được là mình, là người văn minh, hiện đại nhưng không mất gốc rễ văn hóa. Dưới góc nhìn văn hóa học, nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng cũng nhìn con người là một phức thể văn hóa đa chiều kích bởi các mối quan hệ: con người với tự nhiên (chiều cao), con người với cộng đồng - xã hội (chiều rộng), con người với chính mình (chiều sâu - tâm linh), con người với tổ tiên (chiều lịch sử - tâm thức).
Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Hơn một thế kỷ trước, khi bắt tay vào quy hoạch thiết kế các đô thị ở Đông Dương, người Pháp đã quan tâm đến mỹ học đô thị, cảnh quan kiến trúc của tỉnh thành xưa. Trên tuần báo Indochine, nhà nghiên cứu G. Pineau viết: “Ở Đông Dương, sự có mặt của các đô thị cổ với lối sống, thói quen và văn minh khác với phương Tây sẽ đòi hỏi các giải pháp khác với các giải pháp cho các thành phố mới xây dựng hoặc nằm xa các thành phố đã tồn tại trước đó” (Nhiều tác giả - Tỉnh thành xưa ở Việt Nam - Nxb Hồng Đức, 2017, tr.333). Có lẽ nhờ sự cẩn trọng đó mà ngày nay chúng ta còn giữ được nhà vườn ở Huế, khu phố cổ Nam Định, Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam).
Thị dân được hiểu đơn giản là người sống ở các đô thị nhưng thời hiện tại, đô thị phát triển ngày càng đa dạng (đô thị hành chính, đô thị kinh tế, đô thị văn hóa - du lịch, đô thị trung tâm của cả nước và khu vực…) cộng với sự phức tạp của quá trình đô thị hóa, thị dân còn được “xem xét” dưới góc nhìn văn hóa. Từ điển Đô thị trên mạng (urbandictionary.com) đưa ra vài chỉ dấu để nhận diện thị dân thời hiện đại: “Thị dân là người sinh sống ở một trong những thành phố lớn trên thế giới. Là người tiêu dùng khá giả, có quan điểm sống lạc quan và rất khác những người sống ở “thị trấn nhỏ” hoặc khu vực nông thôn. Văn hóa thị dân vừa là một tiểu văn hóa (subculture), vừa là một lối sống hiện đại. Thị dân có 6 đặc điểm chính: Thiếu thời gian; tự hào về văn hóa đô thị; có hiểu biết về truyền thông (media-literate); có ý thức về thương hiệu hàng hóa; tiêu dùng theo thị hiếu (trend-sensitive) và có ý thức về văn hóa”.
Nhịp sống công nghiệp luôn khẩn trương, quá trình nhập cư tăng vọt với quy mô dân số cao tạo nên văn hóa đô thị hiện đại mà dấu hiệu nhận biết nằm ở hai phương diện là giao thông và truyền thông. Đô thị là nơi tập trung nhiều phương tiện và là đầu mối giao thông quan trọng của các vùng, miền. Giao thông luôn là mối quan tâm hàng đầu của thị dân bởi đó là một trong những chỉ số hạnh phúc hàng đầu của họ khi sống trong một đô thị văn minh, đô thị “đáng sống”. Và phương tiện công cộng là lựa chọn tối ưu của thị dân để giảm thiểu các phương tiện cá nhân gây áp lực tiêu cực đến hạ tầng đô thị, đến môi trường sống, mật độ cây xanh, các kiến trúc mang bản sắc văn hóa đô thị (kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử và cảnh quan kiến trúc). Chính phương diện giao thông khiến thị dân hình thành kiểu ứng xử “văn hóa giao thông công cộng” như đúng giờ giấc, văn hóa xếp hàng trật tự, thói quen nhường nhịn người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ, thói quen không to tiếng chỗ đông người, thói quen đọc sách, lướt web, nghe nhạc… và quan trọng là tuân thủ nghiêm luật giao thông. Với phương diện truyền thông thì ngoài những thông tin thị giác trực tiếp như biển hiệu, bảng quảng cáo, hình ảnh thị giác (màn hình, pa-nô, áp-phích…) thì máy tính và internet là những công cụ thị dân không thể thiếu. Thị dân thông minh luôn biết lựa chọn, điều tiết các nguồn tin chứ thường không ứng xử theo kiểu “tin đồn” hay “dư luận” như ở làng xã xưa kia. Sống văn minh thực sự, thị dân vừa bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng vừa dành chỗ cho sự khác biệt của văn hóa cá nhân, không gian riêng của từng người, từng gia đình, từng nhóm xã hội nhỏ lẻ và điều quan trọng là niềm “tự hào về nơi chốn” - trong đó có “mỹ học đô thị” trong tâm thức văn hóa của mình.
Nữ văn sĩ Gertrude Stein khi trở về và nhận ra rằng Oakland (Mỹ) - nơi bà gắn bó thời thơ ấu giờ đã mất đi những nét riêng của chính mình, bà đã thốt lên “ở đó không còn nơi ấy”. “Nơi ấy” chính là “ký ức đô thị” và cảm xúc ngậm ngùi khi ta thấy ở đó sự tha hóa và phai nhạt. Thị dân rồi sẽ dần có những “ký ức mới” về nơi chốn của mình thế nhưng nơi đâu có sự hài hòa giữa quá khứ và hiện tại thì thị dân luôn tự hào về văn hóa đô thị của mình.
Trở lại với nỗi lo thị dân sẽ đánh mất căn tính như Heidegger đề cập, thì cũng một triết gia - văn sĩ hiện sinh, nhà văn J. Paul Sartre đã nói về sự “kỳ diệu” của văn hóa: “Văn hóa chẳng cứu vớt được ai, nó không bào chữa được. Nhưng đó là một sản phẩm của con người: con người tự chiếu mình vào đó, nhận ra mình trong đó, duy nhất chỉ có nó, tấm gương phê phán ấy cho con người thấy hình ảnh của mình” - (Ngôn từ (Le Mots) -1964).
PHÙNG TẤN ĐÔNG