Những người "ngoại trú"
Là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam, nhưng do hoàn cảnh riêng, một số văn nghệ sĩ xứ Quảng trở thành người “ngoại trú” khi phải đến sinh sống, làm việc ở các địa phương khác. Tuy nhiên, thay vì xin “nhập tịch” hội văn nghệ ở nơi cư trú mới, họ vẫn giữ nguyên tư cách hội viên văn nghệ Quảng Nam, tiếp tục lao động nghệ thuật..
Nhà thơ Nguyễn Thị Phương Dung trong một cuộc tìm về với nhịp sống văn nghệ quê nhà. Ảnh: B.ANH |
Cách mặt, không xa hội
Sau khi nghỉ hưu, nhà văn Hồ Duy Lệ - một người thuộc thế hệ đàn anh và cũng là một trong những hội viên sáng lập Hội VHNT Quảng Nam sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính - về sinh sống ở Đà Nẵng. Ai cũng nghĩ với sự thuận tiện về địa lý, cộng với uy tín, tầm ảnh hưởng không nhỏ của anh trước đây trong giới văn nghệ Đà Nẵng, khi về lại chốn cũ, hẳn anh sẽ chuyển sinh hoạt về đó. Thế nhưng từ đó đến nay, anh vẫn là người của văn nghệ Quảng Nam, đi đâu cũng “dằn túi” tấm thẻ hội viên Hội Văn nghệ Quảng Nam. Nhiều người hỏi dò, anh cười xòa: “Đà Nẵng cũng là “đất Quảng” kia mà. Hơn nữa, với mảnh đất Quảng Nam “rin” này, cái nghĩa cái tình sau bao nhiêu năm gắn bó, sâu nặng lắm, rời đi sao đành!”. Tương tự, sau khi nghỉ hưu, về đoàn tụ cùng gia đình tại Đà Nẵng, nhà văn gốc Nghệ An Nguyễn Bá Thâm vẫn giữ nguyên hội tịch văn nghệ Quảng Nam. Anh bảo, với hơn 50 năm lăn lộn, gắn bó, sống chết với Quảng Nam nói chung và văn nghệ Quảng Nam nói riêng, chỉ cần nghĩ đến việc rời đi thôi là đã thấy bất nhẫn, đau lòng. Anh nói như đinh đóng cột: “Có một điều chắc chắn, ấy là cho đến chết tôi vẫn là “thằng” hội viên Hội VHNT Quảng Nam”.
Không chỉ người lớn tuổi, có quá nhiều kỷ niệm xương máu với Quảng Nam khó lòng dứt bỏ được như nhà văn Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, một số văn nghệ sĩ trẻ hơn cũng nhất định không bỏ hội tịch văn nghệ Quảng Nam khi buộc phải rời đất Quảng “rin”. Nhà thơ Đỗ Thượng Thế, hiện sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng; họa sĩ 9X Trầm Thị Trạch Oanh, hiện làm việc tại Huế, đều nêu lý do rất ngắn gọn: “Tôi là dân Quảng gốc kia mà!”. Có phần bóng bẩy, hình ảnh hơn, nhà thơ Nguyễn Thị Phương Dung thì bảo, tâm hồn chị luôn khao khát tìm về và thật sự “tìm về” với quê hương Quảng Nam gần như hằng ngày. “Tôi xin được giữ hội tịch văn nghệ Quảng Nam vì không muốn có thêm một đứt gãy nào nữa và vì luôn xem đó là sợi dây kết nối tâm hồn, dẫn dắt chân tôi trở về cùng quê xứ lắm nhớ nhiều thương...”.
Và cũng với những nghĩ suy giàu tình cảm ấy, nhiều người khác, từ hội viên Hội VHNT tỉnh như Phan Chí Thanh, Lê Nguyên Chính, Ngô Thị Thục Trang, Lê Đình Chinh, Lê Nguyễn Đoan Trang... đến các hội viên Hội VHNT Tam Kỳ như Vũ Khắc Tĩnh, Bình Địa Mộc... - kẻ ở Đà Nẵng, người làm việc tại TP.Hồ Chí Minh nhưng vẫn giữ nguyên danh xưng và hội tịch văn nghệ quê nhà. Họa sĩ Vũ Trọng Anh, một chàng trai Hà Nội, có gần 10 năm sống ở Hội An và hiện làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho nghề nghiệp nếu anh xin chuyển sinh hoạt nghệ thuật (vốn khá đơn giản về yêu cầu và thủ tục) vào đây. Tuy nhiên, anh đã không làm vậy bởi vì chính Quảng Nam là nơi anh trưởng thành về nghề và Hội VHNT Quảng Nam là nơi giúp anh tạo dựng, khẳng định tên tuổi trên sân chơi nghệ thuật chung của cả nước.
Mải miết tìm về...
Xa quê, xa hội nhưng không xa lòng, các văn nghệ sĩ “ngoại trú” của Hội VHNT Quảng Nam vẫn luôn “tìm về” quê xứ trong nỗi nhớ và trong từng tác phẩm. Họa sĩ Lê Nguyên Chính bao nhiêu năm nay vẫn chung thủy với tranh sơn dầu về chủ đề tuồng cổ. Tranh của anh không chỉ là những khắc khoải về một vẻ đẹp cổ kính và lộng lẫy của nghệ thuật tuồng mà còn là những ký ức, hồi tưởng về đất tuồng Quảng Nam vang danh một thời. Chính kể, nhiều lần đưa tranh đi triển lãm “ngoài Quảng”, bao giờ anh cũng đề nghị ban tổ chức đưa thêm thông tin quê quán bên cạnh tên mình. “Có thêm chữ “Quảng Nam” vào đấy, người xem sẽ cảm nhận dễ hơn và tốt hơn về tác phẩm của mình. Hơn nữa, tôi cũng cảm thấy tự hào hơn và đặc biệt, như thấy mình đang được trở về...” - Lê Nguyên Chính tâm sự. Cũng vậy, dù rất bận rộn với các dự án nghệ thuật trang trí trong nước và trao đổi tranh với các đối tác nước ngoài, Vũ Trọng Anh vẫn luôn dành ra những khoảng lặng cho vùng đất mà anh đã và đang chịu ơn. Sau bộ tranh “Miền di sản” được trình làng năm 2010, anh lại tiếp tục vẽ, đặc tả hơn và cũng phóng khoáng hơn, nhiều tầng cảm xúc hơn về các di tích ở Quảng Nam, nhất là về Mỹ Sơn và Hội An.
Với các tác giả văn học, những cuộc tìm về của họ thường cũng đầy tâm trạng, và đẹp. Như với Đỗ Thượng Thế, thơ anh bao giờ cũng khấp khểnh, trúc trắc, nhưng sâu thẳm bên trong lớp vỏ ngôn từ vẫn luôn miên man dòng chảy của Thu Bồn, Vu Gia cùng những hình ảnh mang tính biểu tượng của Quảng Nam. Chúng “thuần Quảng” như những âm thanh, hình ảnh trong mấy câu thơ sau của anh: “Chèo chống... chèo chống.../ Hố khoan hố hợi đu ghềnh đội sóng/ Nước mắt nụ cười à ơi lớn ròng” (Nghe thổi tò he). Còn Ngô Thị Thục Trang, cả trong thơ và tản văn, hình ảnh chủ đạo vẫn là mẹ, là bóng dáng quê nhà Đại Thạnh nơi chị sinh ra, và rộng hơn là mênh mang ruộng đồng sông núi của xứ sở chưa mưa đà thấm. Nhiều địa danh “nhỏ xíu” ở quê được chị đưa vào trang viết và trở nên “vạm vỡ”, lộng lẫy, đáng nhớ, đáng yêu vô cùng. Hay như với Nguyễn Thị Phương Dung, mỗi cuộc tìm về là một nhớ nhung, day dứt và ngọt ngào với quê hương, với tình yêu, với xóm làng, với bè bạn, với anh em. Như một chiều cuối năm, trong cơn “say ngậm ngùi uống thêm nước mắt”, như bao người ly hương, chị lại đau đáu tìm về: “Chiều cuối năm trời phương Nam đầy nắng/ Ta biết bây giờ cố xứ mưa bay/ Rót xuống dòng sông nửa ly rượu đắng/ Uống giùm ta, cạn nỗi nhớ quê nhà” (Uống rượu chiều phương Nam).
BẢO ANH