Quản lý, bảo vệ rừng: Tránh tình trạng "cha chung không ai khóc"
Tại hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện thời gian đến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều địa phương, khu vực đã buông lỏng trách nhiệm quản lý, chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về “đóng cửa rừng”.
Tin liên quan
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trong chuyến kiểm tra thực địa vụ phá rừng Tiên Lãnh hồi cuối tháng 9 vừa qua. |
Tham dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện thời gian đến vào sáng ngày 14.10, tại điểm cầu Quảng Nam có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh.
Tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua có nhiều chuyển biến thông qua chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã dần được hiện thực hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Kiểm kê hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 vừa công bố cho thấy, tổng diện tích có rừng của cả nước là 14.377.682ha (tăng 315.826ha so với năm 2015) gồm rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng tự nhiên và rừng trồng). Độ che phủ rừng hơn 41%. Năm 2017, nguồn ngân sách đầu tư 1.650 tỷ đồng chi trả cho dịch vụ môi trường rừng. Tuy vậy, bức tranh rừng còn lộ nhiều màu xám, bởi nhiều địa phương, khu vực chưa ngăn chặn được các hành vi xâm hại tài nguyên.
Điểm danh “điểm nóng” phá rừng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm lâm luật với diện tích rừng bị thiệt hại 1.257ha, xử lý hình sự 263 vụ. Tình trạng phá rừng quy mô lớn nhất xảy ra ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên với diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại 444ha. Nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn song chậm phát hiện và xử lý như ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Cạn, Điện Biên. Riêng Quảng Nam, 9 tháng đầu năm xử lý 647 vụ phá rừng, so với năm 2016 giảm 160 vụ (giảm 20% tổng số vụ phá rừng). |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận, nhiều vụ phá rừng xử lý thiếu kiên quyết, nhất quán; thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ tiếp tay cho lâm tặc, gây bức xúc trong xã hội. Tại Quảng Nam, gần đây xảy ra hàng loạt vụ xâm hại tài nguyên thiên nhiên, trong đó nổi lên 2 vụ trọng điểm là phá rừng pơ mu (huyện Nam Giang) nằm ở biên giới Việt - Lào và vụ phá rừng xã Tiên Lãnh xảy ra vào tháng 9.2017. Tuy đánh giá cao độ che phủ rừng bình quân tăng lên, nhưng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, khu vực Tây Nguyên rừng tự nhiên giảm 11.473ha. Trong đó tỉnh Đắk Nông giảm 8.132ha, tỉnh Gia Lai giảm gần 1.900ha, 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng giảm gần 1.000ha rừng tự nhiên. Diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng ở khu vực này bị thu hẹp do phát triển thủy điện, ào ạt trồng cây cà phê, các loại cây công nghiệp khác, kể cả từ hệ lụy phá rừng; phá rừng để lấy đất trồng rừng sản xuất, chuyển sở hữu rừng Nhà nước thành sở hữu tư nhân. Điều đáng nói phá rừng tập trung ở khu vực đã có chủ, tập trung ở các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp đang trong giai đoạn sắp xếp chuyển giao về địa phương quản lý, diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý. Khu vực Tây Nguyên đã khoanh vùng tụ điểm phá, lấn chiếm đất rừng trái phép tại huyện Đăk Glong, Đăk Song, Tuy Đức và Krông Nô (Đắk Nông); các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Đạ Tẻh và Đạ Hoai (Lâm Đồng); thị xã An Khê, Kbang và Chư Păh (Gia Lai); Kon Rẫy, Ngọc Hồi và Kon Plông (Kon Tum).
Tại Quảng Nam, nhiều năm qua bản đồ phá rừng cũng được định vị. Tiêu biểu vùng giáp ranh giữa xã Phước Hiệp (Phước Sơn) với xã Trà Bui (Bắc Trà My); xã Phước Xuân (Phước Sơn) với xã Cà Dy (Nam Giang); vùng giáp ranh xã Zuôi (Nam Giang) với xã Lăng (Tây Giang); khu vực biên giới cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang) tiếp giáp với huyện Đắc Chưng (Lào). Phá rừng tập trung ở các xã thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Phước Sơn); phá rừng phòng hộ sông Tranh, Phú Ninh; vùng giáp ranh xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My với xã Tam Trà (Núi Thành), vùng giáp ranh xã Trà Đốc (Bắc Trà My) với xã Phước Trà (Hiệp Đức)... Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay, địa phương đã “đóng cửa rừng” tự nhiên từ năm 2002, đã và đang thực hiện nghiêm ngặt các chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ cho người dân nhận khoán, chăm sóc rừng và tạo cơ chế thông thoáng phát triển mạnh cây dược liệu dưới tán rừng. Phá rừng lấy đất sản xuất có nhiều nguyên nhân, nhưng thực tiễn chỉ ra quá trình giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng quản lý bảo vệ còn chậm. Việc xác định nhu cầu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch bộc lộ bất cập...
Tránh tùy tiện chuyển mục đích sử dụng rừng
Vì lợi ích trước mắt và cục bộ mang tính địa phương, thời gian qua nhiều nơi thiếu chặt chẽ trong chuyển mục đích sử dụng rừng. Một số dự án “cầm đèn chạy trước ô tô” xảy ra sai phạm chuyển mục đích sử dụng đất rừng nhưng không được điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng dẫn đến hệ lụy quy hoạch luôn bị phá vỡ. Giai đoạn 2017 - 2020, các địa phương trong cả nước đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích 60.129ha, trong đó chuyển đổi 16.866ha rừng tự nhiên sang mục đích khác. Ở Quảng Nam, 2017 này chỉ mỗi huyện Nam Trà My là chuyển đổi 5ha rừng đặc dụng sang mục đích sử dụng khác. Các huyện miền núi còn lại hầu như không đụng đến rừng cấm quốc gia. Theo Bộ TN-MT, diện tích xin chuyển đổi rừng tự nhiên sang các mục đích khác là rất lớn nên cần phải có ý kiến xem xét, quyết định của Thủ tướng. Đề cập vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích phải được xem xét rất kỹ, được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án du lịch vào làm sân golf, chúng ta phá hết rừng trồng bao đời nay”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành Trung ương và các địa phương kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Thêm nữa, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về kiểm soát rừng tự nhiên. Như Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 4.6.2016 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn liền với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, ngoài xử lý trách nhiệm người đứng đầu, sắp đến sẽ chỉ đạo đẩy mạnh giao đất giao rừng; rà soát, quy hoạch lại diện tích rừng sản xuất phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội miền núi; đồng thời giám sát rừng bằng phương pháp áp dụng công nghệ tiên tiến...
Về nhiệm vụ sắp đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”. “Tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên. Khẩn trương rà soát để giao, cho thuê đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý, hoàn thành vào năm 2020 với tinh thần rừng, đất rừng phải có chủ, có người chịu trách nhiệm” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
HỮU PHÚC