Rác và ý thức cộng đồng
Ryan Avant, nhà báo chuyên viết về kinh tế đô thị của tờ Economist là tác giả cuốn “One Path to Better Jobs: More Density in Cities” (Con đường dẫn đến việc làm tốt hơn: Các thành phố sẽ đông đúc).
Thu gom rác thải ở cống rãnh. Ảnh: Internet |
Cuốn sách nhấn mạnh rằng khi nói đến tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm, thì dân số các thành phố sẽ càng đông đúc hơn. Các đô thị đông dân sẽ tạo ra nhiều việc làm với đồng lương cao, kích thích sức sáng tạo và năng suất lao động, dẫn đến sự cạnh tranh để dịch vụ ngày một có lợi hơn cho người tiêu dùng. Đô thị đông dân cũng là vườn ươm các tài năng, ý tưởng sáng tạo. Nhưng mặt khác, đô thị đông dân tạo ra giá nhà cửa đắt đỏ hơn và nhiều hệ lụy khác như nhà ổ chuột, tiếng ồn, ô nhiễm sẽ tăng lên, trong đó có câu chuyện về… rác!
Dẫn ra ý chính của cuốn sách mới về kinh tế đô thị để nói đến câu chuyện về... rác đô thị ở nước ta. Lượng rác thải thu gom được ở TP.Đà Nẵng bình quân khoảng 700 tấn/ngày (bằng khoảng 80% tổng lượng rác thải) với nhiều bất cập về vị trí tập kết, thu gom, các trạm trung chuyển, công nghệ xử lý rác thải ở bãi rác... Trong khi đó, tại TP.Hồ Chí Minh lượng rác lên đến hơn 8.000 tấn, hoặc Hà Nội với dân số 7 triệu người cũng có lượng rác đến hơn 6.000 tấn mỗi ngày đêm, thì những bất cập như vừa kể còn cao hơn nhiều lần.
Tại Quảng Nam, mỗi ngày TP.Hội An thu gom trung bình 100 tấn rác thải, ngoài việc xử lý của một nhà máy công nghệ thấp thì còn lại đều tập kết tại bãi rác Cẩm Hà. Thực tế, lượng rác phát sinh trên địa bàn Hội An ngày một tăng thêm, lượng rác tập kết về bãi chứa Cẩm Hà ngày càng nhiều. Trong khi đó, bãi rác đang quá tải, lầy lội, rác tập kết tại bãi quá cao nên việc vận chuyển, san ủi rác gặp rất nhiều khó khăn. “Lò đốt thử một tuần lại dừng hai ba tháng vì thiết bị chưa ổn. Công ty huy động mọi nguồn lực thì chỉ có khả năng duy trì bãi rác tạm thời. Nếu thành phố không có biện pháp gì tốt hơn thì Hội An không có chỗ nào để chứa rác thải được nữa” – một lãnh đạo công ty Công trình công cộng Hội An mới đây đã trả lời báo chí. Cách đây mấy năm, Hội An đã đưa vào vận hành xe lấy rác 2 ngăn và hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn ở các phường nội thị, nhưng nếu nhìn từ các chất thải rắn tồn tại ở bãi rác thì nỗ lực này chỉ mới dừng lại ở kết quả còn rất khiêm tốn.
Trên toàn tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý chỉ ở khoảng 75%, chủ yếu ở khu vực đồng bằng, đô thị. Khu vực miền núi, việc thu gom chủ yếu ở trung tâm huyện và vài xã lân cận, tỷ lệ chỉ đạt khoảng 30 - 40%. Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại, theo thống kê, hiện nay cũng mới xử lý khoảng 170 tấn/tháng, chưa đầy 70% tổng khối lượng. Đi về các vùng thị tứ, thị trấn, tình trạng đổ rác ra các dòng sông, kênh rạch và nhiều nơi khác vẫn còn khá phổ biến…
Con số bao nhiêu tấn rác “thu gom được” mỗi ngày và số “không thu gom được” ở mỗi đô thị ẩn chứa trong nó những tiêu cực liên quan đến xã hội học đô thị, và là một trong những hậu quả của vấn nạn dân số dày đặc. Trong đó, vấn đề ý thức cộng đồng của cư dân và các tố chức xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn, như là một khoảng trống đang tồn tại bên cạnh các thiếu sót chủ quan và khách quan của các đơn vị dịch vụ thu gom, xử lý rác thải và vai trò của các nhà quản lý. Có hàng trăm ví dụ về “khoảng trống ý thức” như vậy diễn ra trước mắt chúng ta mỗi ngày tạo nên nạn ô nhiễm chất thải mà các đơn vị thu gom, xử lý có giỏi đến đâu cũng khó hoàn thành nhiệm vụ nếu thiếu đi sự hợp tác từ cộng đồng và cả sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.
Những hiện tượng thiếu ý thức, do luật pháp (kể cả vai trò thi hành luật pháp) không nghiêm một phần, nhưng phần chính là ý thức công dân - mà Ryan Avant nói là “dân cư có học” - của chúng ta còn quá kém. Bên cạnh đó, vai trò mờ nhạt của các tổ chức xã hội, chính trị trong việc xây dựng ý thức cộng đồng cư dân lâu nay. Thay vào đó là những cuộc họp vô bổ, tuyên truyền chung chung ở các cấp cơ sở...
“Mật độ dân số đô thị tự nó không phải là một phép thuật. Mật độ chỉ đơn giản là tạo điều kiện cho sự tương tác. Sự tương tác đó chỉ có ý nghĩa khi dân trí được nâng lên và các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp địa phương có ý thức trách nhiệm cộng đồng...” - Ryan Avant nhấn mạnh điều đó trong cuốn sách của ông. Và điều này mang tính thời sự đối với những đô thị hôm nay của chúng ta, mà câu chuyện rác chỉ là một ví dụ.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG