Tăng vị thế cho người khuyết tật

THÀNH CÔNG 03/10/2017 14:50

Từ chủ trương nhân văn nhằm giảm cách biệt, tăng cường vị thế cho người khuyết tật (NKT), thời gian qua, hàng loạt nhóm sản xuất ra đời nhờ sự hỗ trợ, chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là các dự án hỗ trợ NKT; tuy nhiên cần có hướng phát triển phù hợp để phát huy hiệu quả.

Các lớp dạy nghề đã góp phần mang lại việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, giảm cách biệt, tăng cường vị thế cho người khuyết tật trong cộng đồng. Ảnh: T.C
Các lớp dạy nghề đã góp phần mang lại việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, giảm cách biệt, tăng cường vị thế cho người khuyết tật trong cộng đồng. Ảnh: T.C

Cơ hội vươn lên

Từ nhiều năm nay, dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho NKT tham gia hòa nhập cộng đồng” của tổ chức Apheda Việt Nam đã đem lại hiệu quả thiết thực, dạy nghề, giải quyết việc làm cho nhiều NKT trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cầu nối hữu hiệu để chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của NKT đến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Sau 3 năm triển khai dự án và 2 năm gia hạn (2012 - 2017), đã có hơn 200 lao động được đào tạo nghề, với các nghề phù hợp với đặc thù, điều kiện sức khỏe của NKT như nhạc hiếu, dán vàng mã, chổi đót, chạm khắc gỗ, làm nhang, dán áo đi mưa. Các nhóm đào tạo này chỉ kéo dài trong 3 tháng, song đã trang bị được kỹ năng cho NKT, thông qua các tổ chức Hội NKT tại địa phương hình thành và duy trì nhóm sản xuất, từng bước mang lại thu nhập, giúp NKT có thể vươn lên đóng góp cho gia đình và xã hội.

Theo ông Phan Phát Đạt - Chủ tịch Hội NKT Thăng Bình, từ các lớp đào tạo nghề cho NKT do các chương trình, dự án tài trợ, đã có nhiều NKT được học nghề, gửi vào các cơ sở, xí nghiệp với thu nhập từ vài trăm nghìn đồng đến 2-3 triệu đồng/tháng. Sự nỗ lực của NKT trong học nghề và làm việc đã mang lại một cuộc sống hoàn toàn mới, thực sự là một cơ hội để thay đổi vị thế, củng cố niềm tin cho họ. Tại Thăng Bình, lớp may công nghiệp và lớp dạy nghề làm nhang tại xã Bình Giang là những mô hình thành công, tạo được việc làm ổn định, từ đó cải thiện đáng kể đời sống NKT.

Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh chia sẻ, với 7 huyện, thị xã, thành phố được tài trợ từ dự án là TP.Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Thăng Bình và Núi Thành, những NKT tham gia học nghề được tiếp cận, hòa nhập, có thu nhập hàng tháng. Ngoài ra, họ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, góp ý chia sẻ, thích vận động làm việc, không còn thụ động, mặc cảm. Các nhóm sản xuất cũng trở thành nơi giao lưu, giúp NKT gặp gỡ, động viên nhau trong cuộc sống. “Những ngành nghề được đào tạo đều rất thiết thực với nhu cầu của NKT và thực tiễn địa phương. Từ đó tạo được đầu ra cho các sản phẩm, dần ổn định và từng bước cải thiện thu nhập cho NKT. Ngoài ra, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức hội cũng tích cực giúp đỡ, động viên NKT tham gia làm việc, qua đó tạo điểm tựa để họ vươn lên trong cuộc sống” - ông Dũng cho hay.

Cần nhiều hơn sự sẻ chia

“Tâm lý chung của NKT là ngại vay vốn, do lo sợ hoạt động không hiệu quả, phải gánh các khoản lãi vay. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có rất nhiều NKT mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và làm ăn hiệu quả. Hiện tại, ngân hàng có thể cho NKT vay tín chấp lên đến 50 triệu đồng với thủ tục khá đơn giản. Nếu cần, các nhóm sản xuất có thể liên hệ với tổ vay vốn, hoặc ủy thác qua các hội, đoàn thể. Sở LĐ-TB&XH cũng nên tham mưu UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để có thể hỗ trợ cho NKT vay vốn với lãi suất ưu đãi, phát triển sản xuất”.
(Ông Trần Xuân Hiền - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh)

Năm 2017 là năm cuối cùng trong dự án do Apheda tài trợ cho NKT tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên, với số lượng học viên khá khiêm tốn, hoạt động còn manh mún và nhiều khó khăn mang tính đặc thù khác, nên hiệu quả đạt được chưa cao. NKT đang rất cần sự sẻ chia về nhiều mặt của chính quyền, các tổ chức và cộng đồng trong việc tự mình vươn lên. Chị Phan Thị Mai, nhóm trưởng nhóm làm vàng mã của NKT huyện Hiệp Đức cho hay, sau khi kết thúc khóa học, học viên đã ở lại, duy trì làm việc với thu nhập trung bình từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng/người. Đây chưa phải là mức thu nhập cao, do nhiều khó khăn như không có địa điểm sản xuất, học viên phải đi lại xa để đến nơi làm việc trong khi sức khỏe, phương tiện không đảm bảo, mô hình hoạt động còn chưa thực sự hiệu quả do không được đào tạo về kỹ năng quản lý, tổ chức thu chi, điều hành… “Vốn đầu tư cho các nhóm sản xuất để có mặt bằng, mua nguyên liệu, trang bị máy móc không quá lớn, song hoàn cảnh chung của NKT đều khó khăn, thu nhập ở mức thấp hoặc trung bình, tâm lý học viên e ngại không dám vay vốn sản xuất nên hoạt động chỉ ở mức cầm chừng, chưa đạt được hiệu quả cao. Chúng tôi vẫn rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành để đầu tư cho các nhóm sản xuất của NKT” - chị Mai nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Bình - Phó phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, hiện nay, NKT được quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt. Tuy nhiên, hiệu quả sau dạy nghề bị ảnh hưởng, học viên nhiều nhưng người gắn bó, duy trì làm việc còn ít. Một phần do sự đa dạng về khuyết tật; quan trọng hơn, nhiều NKT chưa xác định được tâm thế đi học nghề. Do đó các cấp hội cần quan tâm hơn nữa trong công tác tuyên truyền, đồng thời chủ động phát huy vai trò trong việc dạy nghề cho NKT, thoát khỏi sự lệ thuộc vào các cơ sở dạy nghề và chương trình tài trợ. “Sở LĐ-TB&XH luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ cho các cấp hội để có thể chủ động mở lớp dạy nghề cho NKT. Ngoài ngân sách trung ương, tỉnh cũng rất quan tâm hỗ trợ cho NKT trong các hoạt động này” - ông Bình nói.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG