Lỗ hổng trong quản lý dịch vụ làm đẹp
Hiện nay, nhiều cơ sở làm đẹp mọc lên trên địa bàn TP.Tam Kỳ, nhưng việc cấp phép, quản lý hoạt động của dịch vụ này vẫn còn bỏ ngỏ.
Biển quảng cáo “Thẩm mỹ công nghệ cao” tại một cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: L.D |
Dạo một vòng quanh TP.Tam Kỳ, dễ dàng nhìn thấy những cơ sở làm đẹp với hình ảnh pa-nô quảng cáo khá bắt mắt. Có cơ sở trưng hẳn bảng hiệu lớn ghi “thẩm mỹ công nghệ cao”, thực hiện nhiều dịch vụ can thiệp làm đẹp như dịch vụ chăm sóc da có chạy tinh chất vitamin C, collagel tươi, dịch vụ trẻ hóa da có bắn trẻ hóa laser carbon, dịch vụ giảm mỡ các vùng trên cơ thể, săn chắc toàn thân, dịch vụ tắm trắng... Bên trong một cơ sở thẩm mỹ ở đường Phan Bội Châu, đội ngũ nhân viên sẵn sàng tư vấn cho khách hàng về các dịch vụ làm đẹp.
Khi khách hàng hỏi về trình độ tay nghề thì được một nhân viên giải thích: “Ở đây, chúng em là cơ sở thẩm mỹ chủ yếu về dịch vụ làm đẹp bên ngoài, không can thiệp dao kéo, phẫu thuật nên chỉ cần chứng chỉ hành nghề là làm được”. Khi khách hàng thắc mắc các dịch vụ có dùng tinh chất thuốc hoặc chạy collagel hay bắn tia laser nhưng không do bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm thì được giải thích: việc chạy tinh chất đều có nguồn gốc thiên nhiên nên không sợ bị ảnh hưởng da. Còn việc chạy collagel hoặc tắm trắng, bắn tia đều do hệ thống máy móc thực hiện nên không cần... phải có bác sĩ. Còn tại một cơ sở chuyên thực hiện các dịch vụ như xăm chân mày, mí mắt, môi, trị mụn... trên đường Tôn Đức Thắng, nhân viên cũng khẳng định có chứng chỉ hành nghề nên mới làm được. Đồng thời tư vấn cho khách hàng về các loại thuốc hay màu nhộm dùng để làm đẹp có xuất xứ rõ ràng nên không sợ dị ứng hay viêm nhiễm da.
Các cơ sở làm đẹp đóng chân chủ yếu trên địa bàn TP.Tam Kỳ, nên chúng tôi đã tìm đến Phòng Y tế TP.Tam Kỳ để tìm hiểu về việc cấp phép, quản lý hoạt động liên quan. Theo đó, Phòng Y tế TP.Tam Kỳ cho rằng, đơn vị không đủ thẩm quyền cấp phép cũng như quản lý lĩnh vực này. Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế): theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh thì các cơ sở làm đẹp không thuộc diện được Sở Y tế cấp phép, bởi đó không phải là cơ sở khám chữa bệnh nên ngoài phạm vi quản lý của sở. Theo đó, điều 37 của nghị định nêu trên quy định điều kiện hoạt động đối với cơ sở thẩm mỹ là không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định về cơ sở vật chất, thiết bị và nhân sự gửi đến Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (chiếu tia, sóng, bơm hoặc can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng... thì chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ vào quy định này, ông Sơn phân tích rằng các cơ sở làm đẹp hiện nay hoạt động dựa trên nhu cầu của khách hàng, hoạt động tại địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm quản lý hành chính là chủ yếu, chứ quản lý về nghiệp vụ thì chưa có cơ sở nào gửi văn bản về Sở Y tế. Vì không quy định về việc cấp phép cho cơ sở thẩm mỹ nên cấm cũng không được, có chăng thì cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên đã được cấp chứng chỉ hành nghề để họ biết cách phòng tránh làm viêm nhiễm da khi thực hiện các kỹ thuật làm đẹp. Và muốn tập huấn, các địa phương phải nắm được danh sách, tổng hợp nhu cầu cần được bồi dưỡng nghiệp vụ của nhân viên hành nghề làm đẹp, thẩm mỹ gửi đến Sở Y tế đề xuất mở các khóa tập huấn.
Rõ ràng, sự quản lý các cơ sở làm đẹp đang bị bỏ ngỏ trong khi các dịch vụ làm đẹp đều có sử dụng thuốc, chất, thiết bị làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng vẫn được thực hiện nhưng không hề có bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ. Vì vậy, khách hàng cần trở thành người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn cơ sở cũng như dịch vụ thẩm mỹ cho chính bản thân mình, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
LÊ DIỄM