Lo cho phố từ quê

QUỐC TUẤN 24/09/2017 10:47

Một thời gian dài trước đây, những người quy hoạch đô thị ở nước ta thường chỉ gói gọn tư duy quy hoạch trong vùng nội thị; điều này khiến không ít bất cập lộ rõ theo thời gian. Đây là một bài học cho các đô thị đang trở mình và nhất là các đô thị “trẻ” không trượt vào.

Hội An đang triển khai khá tốt việc quy hoạch giãn dân.Ảnh: QUỐC TUẤN
Hội An đang triển khai khá tốt việc quy hoạch giãn dân.Ảnh: QUỐC TUẤN

Trong hội thảo diễn ra tại TP.Đà Nẵng mới đây, gần 30 đại diện lãnh đạo các báo Đảng trên toàn quốc cùng một số chuyên gia, kiến trúc sư đã chia sẻ về vai trò của báo chí trong công tác quy hoạch phát triển đô thị.

Tầm nhìn quy hoạch

Ở nước ta, phần lớn đô thị đều mới chỉ phát triển mạnh trong vài thập niên trở lại đây bởi ảnh hưởng từ chiến tranh và giai đoạn bao cấp. Việc quy hoạch các đô thị trên nền tảng cơ sở hạ tầng gần như chưa có gì cũng là một lợi thế cho việc quy hoạch, nhất là trong phát triển không gian ở các đô thị trẻ. Tại miền Trung các đô thị như: Đồng Hới, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… là một trong những điển hình. Công tác quy hoạch luôn phải đi trước một bước là điều tất yếu. Như TP.Đà Nẵng, theo chia sẻ của ông Võ Công Trí - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, thì thành phố đã có 3 lần điều chỉnh quy hoạch đô thị vào các năm 2002, 2010, 2013 và sắp tới sẽ tiếp tục có điều chỉnh. Với TP.Đồng Hới (Quảng Bình) hiện đã có đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2035 do đơn vị tư vấn Nikkei Sekkei (Nhật Bản) thực hiện… Các đô thị tại nước ta có sự quan tâm lớn đối với công tác quy hoạch là vậy, nhưng những bất cập vẫn hiển hiện mà thường xuyên nhất vẫn là thiếu các khu tái định cư, hệ thống giao thông lạc hậu, quy hoạch “treo”…

Đối với Quảng Nam, hiện có Đô thị cổ Hội An và 2 đô thị “trẻ” gồm Tam Kỳ và Điện Bàn. Tam Kỳ chỉ bắt đầu có những bước chuyển mình trong 20 năm qua, từ một thị xã tỉnh lẻ còn Điện Bàn thì chỉ vừa chập chững mang “mác” đô thị. Tam Kỳ và Điện Bàn vừa mang trong mình lợi thế của đô thị “trẻ” trong công tác quy hoạch nhưng cũng vừa cần đến sự cẩn trọng và tầm nhìn, bởi tốc độ đô thị hóa sẽ khiến các yếu tố khác trong phát triển đô thị bị hụt hơi, không theo kịp. Việc quy hoạch phải đi trước vài ba thập kỷ trở lên thì mới có thể theo kịp sự phát triển bùng nổ ở nhiều đô thị. Ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, ở thời điểm mới tái lập tỉnh (1997), chính quyền khi làm đường Hùng Vương đã cho giải tỏa trên chiều rộng đủ cho 6 làn đường, nhưng do chưa đủ kinh phí nên chỉ thảm nhựa 4 làn, còn lại làm giải phân cách giữa đường rộng thênh thang. Đó là phương án dự phòng sau này khi tuyến đường “xương sống” bị quá tải thì sẽ phá bỏ con lươn để mở rộng đường, dễ dàng hơn rất nhiều so với việc giải tỏa để mở rộng đường về hai phía.

Nhìn phố từ quê

Khi đô thị đạt tới một giới hạn dân số nhất định thì địa phương đó buộc phải giảm tải áp lực bằng cách giãn dân. Hội An đã và đang thực hiện điều này và hàng nghìn hộ dân đã được vận động, bố trí tái định cư ra các phường vùng ven như Cẩm An, Thanh Hà… Tại đây, “thị dân” dễ dàng bắt nhịp vào cuộc sống mới do thành phố có sự chuẩn bị khá căn cơ về hạ tầng đô thị. Tam Kỳ và Điện Bàn chưa phải “vướng” vào điều này bởi quy mô dân số vẫn được điều tiết trong giới hạn. Theo KTS. Bùi Huy Trí – Viện Quy hoạch đô thị Đà Nẵng, không riêng gì các đô thị ở Quảng Nam mà bất cứ đô thị nào trên cả nước cần tính tới phương án quy hoạch có tầm nhìn lâu dài cho các vùng ven đô, ngoại thành bởi đó chính là vùng ảnh hưởng tiếp theo của quá trình đô thị hóa, quy hoạch đô thị. Đơn cử như tại Đà Nẵng, hiện tại thành phố chỉ còn huyện duy nhất là Hòa Vang (chưa tính huyện đảo Hoàng Sa) đóng vai trò quan trọng trong quá trình quy hoạch đô thị, bởi đây là nơi tọa lạc của phần lớn khu tái định cư nên rất cần một quy hoạch toàn diện và có định hướng lâu dài.

Nói về sự đầu tư căn cơ, các đô thị ở Quảng Nam như Điện Bàn, Hội An đang vấp phải bài toán về giao thông và địa phương dần “chữa cháy” thực trạng này bằng việc mở rộng nhiều trục đường đáng ra phải được đầu tư từ rất sớm như: Vĩnh Điện - Hội An, Hai Bà Trưng (đoạn từ cầu Trà Quế ra biển An Bàng), mở rộng cầu Vĩnh Điện, tuyến Trần Nhân Tông trong nội thị Vĩnh Điện… Có thể khó khăn về vốn là một yếu tố quan trọng khiến các tuyến này chậm được khơi thông, song trách nhiệm trong việc quy hoạch thiếu tầm nhìn cũng rất đáng lưu tâm để chính đô thị này và các đô thị khác về sau không giẫm vết xe đổ.

Theo ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, quy hoạch phát triển đô thị không được “quên” nông thôn và nông dân bởi đó là các tác nhân trực tiếp liên quan đến đô thị. Một khi vùng nông thôn, nhất là ven đô phát triển một cách tự phát thì nó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trực tiếp cho đô thị trong tương lai gần. Với các đô thị Quảng Nam, những vùng ven đô như Tam Thăng, Tam Thanh… (Tam Kỳ), Cẩm Thanh, Cẩm Kim… (Hội An), Điện Minh, Điện Thắng… (Điện Bàn) cũng không nằm ngoài thực trạng ấy bởi “hơi thở” của phố dần lan tỏa và nếu người dân tại đây không bắt kịp nhịp sống của đô thị thì trong tương lai gần sẽ khiến việc quy hoạch và phát triển đô thị bị ách tắc. Trong những địa phương nêu trên, có xã đang nằm trong diện quy hoạch “lên phường”, nhưng những người làm quy hoạch và cả người dân cần tỉnh táo nhận diện những nguy cơ khi chưa sẵn sàng từ đường sá, nước sạch... đến việc làm.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN